1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Vật lộn trong đêm lũ, cứu 47 người thoát miệng “hà bá”

(Dân trí) - “Lúc thấy người dân bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ, tôi chỉ nghĩ làm sao chèo thuyền thật nhanh để đi cứu giúp người thôi...” - Anh Lê Văn Thành, người đã vật lộn trong đêm lũ để cứu hàng chục người nhớ lại.

Anh Lê Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh - trò chuyện cùng PV Dân trí. 
Anh Lê Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh - trò chuyện cùng PV Dân trí. 

Gần 50 năm trở lại đây, người dân ở TX. Hoàng Mai (Nghệ An) chưa bao giờ phải chịu cảnh lũ lụt tàn phá kinh hoàng đến như vậy. Hơn 800 tỷ đồng là con số thiệt hại do cơn lũ gây ra, một con số quá lớn để nói lên thiệt hại do một trận lũ. Hơn 22.000 ngôi nhà bị ngập chìm trong biển nước. Gần như toàn bộ tài sản, lúa gạo, vật nuôi, gia cầm của người dân đều bị mất trắng. Đau đớn hơn, nhiều người dân không kịp thoát thân đã bị dòng nước lũ cuốn trôi, mất tích. Đau thương tang tóc, phủ lấy dân nghèo.

Cứu 47 người thoát miệng “hà bá”

Ngay sau khi trận “đại hồng thủy” xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai), một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất của cơn lũ. Cảnh hoang tàn, đổ nát vẫn còn hiện hữu rất rõ nơi đây. Bùn lầy, rác thải, đồ dùng và cả tài sản của người dân đều nằm ngổn ngang đầy đường. Các vật nuôi, lợn, gà cũng bị nước lũ cuốn trôi, chết vương vãi khắp đường đi lối lại.

Do trận lũ đến bất ngờ, người dân không kịp trở tay chống đỡ nên gần như toàn bộ tài sản của người dân đã bị mất trắng. Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu tới gần 3 mét. Hàng nghìn người dân phải rơi vào cảnh hiểm nguy giữa mong manh sự sống và cái chết. Trong cảnh hiểm nguy đó vẫn có những anh hùng lặng lẽ chèo chống chiếc thuyền mộc đi cứu người dân lên bờ an toàn.

Anh Lê Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh - trò chuyện cùng PV Dân trí. 
Nhớ lại những lần anh cùng anh Châu (anh Châu bên trái) phải nhường chỗ cho 7 người lên chiếc thuyền bé tí, "suýt" bị chìm thuyền anh Thành không khỏi rùng mình sợ hãi.

Anh Lê Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) - một trong số những “anh hùng” đã dũng cảm, vật lộn với dòng nước lũ trong đêm cứu người dân đến nơi an toàn. Suốt một đêm nỗ lực chèo thuyền trong mưa gió, anh Thành cùng các đồng chí khác đã cứu và đưa được 47 người dân từ vùng ngập lụt, nước dâng đến nóc nhà đến nơi an toàn nhất.

Nhớ lại đêm nước lũ dâng lên khiến cả xã bị chìm trong cơn "đại hồng thủy" vừa qua, anh Thành vẫn không khỏi rùng mình. “Đang ở nhà, có một người dân gọi điện báo cho tôi là nước lũ lên rồi, làm ngập mấy nhà dân ở vùng thấp. Tôi hốt hoảng chạy ra sông để xem lượng nước xả lũ của hồ Vực Mấu nhiều thế nào, thì thấy nước lên nhanh, chảy mạnh lắm. Tôi báo lên ban phòng chống bão lũ của xã, gọi thêm anh Vũ Lê Tín (Bí thư Đoàn xã), Phạm Văn Châu và anh Phạm Văn Vượng lấy thuyền chèo đi xem những người dân có cần giúp gì không thì mình giúp”, anh Thành chia sẻ.

Ông Trần Văn Trúc (60 tuổi, xóm 19), người đã nhường nhà cho 57 người dân cùng tránh lũ.
Ông Trần Văn Trúc (60 tuổi, xóm 19), người đã nhường nhà cho 57 người dân cùng tránh lũ.

Trong khi dòng nước lũ đang dâng lên ngày càng mạnh, những ngôi nhà nằm phía đầu nguồn đã bị ngập sâu. Nhiều tài sản cũng đã bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Bỏ qua mọi hiểm nguy rình rập, anh Thành cùng 3 đồng chí khác vẫn liều mình, dùng chiếc thuyền mộc chèo đi khắp làng để ứng cứu người dân trong biển nước mênh mông.

“Tôi cùng anh Châu chèo 1 thuyền đi để kiểm tra tình hình. Lúc đó là các hộ dân ở thôn 14, 15 đến thôn 21 đều bị nước bao vây, ngập sâu. Hôm đó, phía trên (trên trời) thì mưa dội xuống quá lớn, nước dưới sông dâng lên nhanh chưa từng có, lại gặp trời tối om, mất điện và rất khó thấy đường để chèo thuyền đi. Vừa chèo thuyền, tôi vừa la hét xem những hộ dân nào đang mắc kẹt trong nhà tôi vào để cứu. Có lúc thuyền va vào cây cối, dây điện làm tôi ngã xuống nước mấy lần. May mà vẫn bình tĩnh lên thuyền chèo đi tiếp. Tôi cứ nghĩ hôm đó đã bị lũ cuốn rồi, nhưng không hiểu sao lúc đó đã vượt qua được định mệnh", anh Thành nhớ lại. 

Anh Thành chia sẻ tiếp: "Tôi chèo thuyền vào từng nhà, đưa được họ lên thuyền và tôi lại rẽ sóng đưa họ đến nhà anh Trần Văn Trúc - Bí thư chi bộ thôn 19 để tránh lũ. Nhà anh Trúc ở chỗ cao, có 2 tầng nên cứu được người nào là tôi lại đưa họ đến đó trú hết. Cũng may mà có nhà anh Trúc để ở chứ không lúc đó chẳng biết đưa người dân đến ở nơi nào nữa, bởi hôm đó trời mưa gió mạnh và mênh mông biển nước như sóng thần". 

Càng về khuya, nước lũ đổ dồn về càng mạnh, nhưng anh Thành cùng các “đồng đội” của mình vẫn rẽ sóng lũ, quên đi mạng sống của mình, vượt gian nan khó khăn trong nước lũ cứu người dân. Với anh, chỉ mong sao người dân của mình được yên lúc hoạn nạn là anh mãn nguyện lắm rồi, cứ thế, suốt đêm, anh Thành cùng 3 người khác đã cứu được 47 người đến nơi an toàn.

“Không có anh Thành thì cả làng tôi chết trôi!”

Có nhiều lúc, chiếc thuyền mộc của anh chỉ dài hơn 3m, nhưng anh Thành cùng anh Châu phải đứng lên để nhường chỗ cho 7 người lên thuyền. Nước lũ đổ về ngày một mạnh, nhưng bỏ qua mọi hiểm nguy, anh Thành cùng “đồng đội” của mình vẫn gắng gượng, chèo chống con thuyền băng băng trong dòng nước lũ để đưa người dân đến nơi an toàn.

“Nhiều lần đến mấy nhà sát nhau, thuyền tôi lại phải chở tới 7 người. Thuyền thì bé, nước lũ chảy mạnh nước cứ mấp mé mạn thuyền. Cũng may mà mấy người họ ngồi yên lặng, chứ lúc đó mọi người hoảng lên, thuyền nghiêng là chìm ngay”. Anh Thành nhớ lại những lúc chở theo 7 người trên chiếc thuyền nhỏ mà vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi.

Ông Trần Văn Trúc (60 tuổi, xóm 19), người đã nhường nhà cho 57 người dân cùng tránh lũ.
Chị Nguyễn Thị Trạch (bên trái) và chị Trần Thị Ngọc: "May có anh Thành không thì cả làng chúng tôi trôi hết rồi".

Nhưng sợ nhất vẫn là lần anh chèo thuyền đến cứu chị Lê Thị Thắng (xóm 19), khi chị đang mang thai chờ ngày sinh. Giữa dòng nước lũ chảy xiết, anh Thành vẫn không chút mảy may sợ hãi, bình tĩnh bế chị Thắng lên thuyền rồi chèo đưa đến nơi an toàn. May mắn hơn, ngay ngày hôm sau chị Thắng đã sinh được một bé trai khỏe mạnh.

“Đến nơi thì thấy chị Thắng đau bụng, nghĩ là chị chuyển dạ nên vội bế chị lên thuyền. Tôi chèo vội vàng đưa đến nhà anh Trúc. Lúc đó tôi lo nên cứ chèo làm sao càng nhanh càng tốt, vì sợ chị Thắng sinh trên thuyền thì tôi không biết làm sao. Giờ nghĩ lại mới thấy sợ. Lỡ có chuyện gì thì làm ơn mắc tội thật anh ạ. Đến sáng hôm sau thì chị Thắng đi ra bệnh viện của thị xã và sinh được một cháu trai khỏe mạnh lắm” - Anh Thành cười khẽ nhớ lại cái ngày vượt sóng lớn để cứu mẹ con chị Thắng trong đêm.

Gì Trần Thị Ngọc (xóm 19, xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu), một trong số những người đã được anh Thành cứu chia sẻ: “Nước lũ lên nhanh lắm, nước mới lên đến thềm mà chạy đi kê lúa thì nước ập đến nhà ngập hết. Lúc đó khoảng 9 giờ tối, nước lũ chỉ còn khoảng 40cm nữa là ngập nóc nhà, chồng tôi phải dỡ ngói rồi thò đầu lên trên. Lúc đó chúng tôi nghĩ chắc là chết thôi chứ không sống được nữa đâu. Một lát sau thì thấy thuyền của chú Thành với chú Châu đến. Tôi mừng lắm, thế là chú Thành ghé thuyền vào, đỡ tôi với chồng lên thuyền đi đến nhà anh Trúc trú”.

Chị Nguyễn Thị Trạch (SN 1970, trú xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu) xem anh Thành như ân nhân của cả xã Quỳnh Vinh. Trong đêm mưa lũ, chị Trạch đã nấu những bát cơm ấm nghĩa tình, san sẻ cho hơn 60 người đang tránh lũ tại nhà ông Trần Văn Trúc. “May có anh Thành với mấy người đi cứu người dân không thì cả làng chúng tôi chết trôi hết rồi”, chị Trạch chia sẻ.

Gần 12 giờ đêm, sau khi tất cả người dân đều đã được đưa đến nơi tránh lũ an toàn, anh Thành cùng các đồng đội của mình mới quay về nhà trong cơn đói và mệt lả đi vì kiệt sức. Nhưng các anh đều cảm thấy vui vì cứu được người dân trong những lúc nguy hiểm. Ngay sáng sớm hôm sau, anh Thành lại tiếp tục với con thuyền của mình, đi mua những gói mỳ tôm để phân phát cho bà con đang mặc kẹt giữa dòng nước lũ.

Ngọc Tú - Nguyễn Duy