1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trẻ thiếu ý thức xây dựng cộng đồng vì… người lớn

(Dân trí) - Đứa trẻ uống xong bịch sữa đang loay hoay tìm thùng rác để vứt vỏ bịch thì người mẹ bất ngờ cầm lấy rồi ném thẳng vào gốc cây khiến nó trợn tròn mắt. Hoá ra những gì nó được học ở trường không giống với những điều ngoài cuộc sống…

Trẻ thiếu ý thức xây dựng cộng đồng vì… người lớn - 1
Người lớn cần làm gương cho trẻ ý thức xây dựng cộng đồng
 
Đây là câu chuyện đã được tiến sỹ Đinh Phương Duy - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Tp Hồ Chí Minh chứng kiến và chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Cùng em xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh” do Vụ tiểu học (bộ GD-ĐT) tổ chức cuối tháng 8 vừa qua.

Theo vị tiến sỹ này, một thực tế đang diễn ra hiện nay là nhiều người lớn, phụ huynh, thậm chí có cả giáo viên vẫn nghĩ trẻ em chỉ là những đứa trẻ và luôn có những hành động áp đặt. Như vậy là không nên, trẻ em cần được đối xử như bao người lớn khác.

Với trẻ em, khái niệm cộng đồng không chỉ là môi trường sống (gia đình, lối xóm, khu phố…) mà còn có cả môi trường học tập (nhà trường, bạn bè, thầy cô…) và cả môi trường sinh hoạt (đoàn thể, các trung tâm sinh hoạt…).

Dẫn chứng mà tiến sỹ đưa ra cho thấy, nếu ý thức cộng đồng không được xây dựng ở mọi nơi, mọi lúc thì sẽ không giúp trẻ hình thành được thói quen tốt.

“Trẻ em có đặc điểm thể chất và tâm lý đặc thù, đòi hỏi những phương pháp giáo dục phù hợp. Cần được dạy dỗ, hướng dẫn cách ứng xử từ nhỏ để trở thành thói quen, thành những nét tính cách tốt đẹp. Trong đó, tấm gương của người lớn rất quan trọng” - Tiến sỹ Duy nói.

Cùng chung với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Đại biểu quốc hội cho rằng: Muốn dạy trẻ ý thức xây dựng cộng đồng cho trẻ em, trước hết phải xây dựng từ người lớn. Rồi giáo sư dẫn chứng một việc làm thiếu ý thức mà ngày nào người đi đường cũng phải chứng kiến khi đi qua hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội).

Cả một công trình đẹp như vậy đã bị vẽ đầy lên tường bởi những người thiếu liêm sỉ. “Văn hóa bê tông” (cách nói của giáo sư để chỉ ra những biển khoan cắt bê tông được in đầy trên các bức tường) đã thể hiện ở khắp nơi, khắp chốn.

Thậm chí, hàng loạt ngôi nhà, biệt thự trong thành phố vừa mới xây dựng khang trang, lăn sơn sáng loáng chưa đầy 1 tháng sau đã kín mít các địa chỉ “khoan cắt bê tông”, từ ngoài đường vào trong ngõ, chẳng chừa chỗ nào… Những hành động ấy, thử hỏi liệu có ảnh hưởng tới ý thức xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh của trẻ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng thẳng thắn nhận định: Môi trường cộng đồng của chúng ta hiện nay đang “có vấn đề”. Và chừng nào trong môi trường ấy, người lớn chưa thể hiện được sự thân thiện, văn minh thì chừng đó rất khó để tạo ra một môi trường cộng đồng thân thiện, văn minh cho trẻ em.

Chính vì vậy, để dạy trẻ ý thức cộng đồng thì môi trường sống ở gia đình, lối xóm… rất quan trọng. Theo tiến sỹ Đinh Phương Duy, cần phải xây dựng một nếp sống có văn hóa, tôn trọng các thành viên khác cũng như tiện ích tập thể, biết hỗ trợ và chia sẻ với những người xung quanh.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng cho trẻ môi trường học tập lành mạnh, có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xây dựng quy cách ứng xử văn hóa, khuyến khích trẻ có ý thức đóng góp và xây dựng nhà trường.

Ngoài ra, cũng cần tạo cơ hội cho trẻ trực tiếp tham gia các hoạt động vì cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát huy ý thức vì mọi người…

Đây là những phương pháp khoa học tâm lý đã được trải nghiệm trên thế giới. Nhưng tất cả chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu người lớn ý thức được rằng mình phải là tấm gương cho con trẻ.

Lan Hương