1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM sẽ giảm số quận nếu thực hiện chính quyền đô thị

(Dân trí) - “Đề án chính quyền đô thị của TPHCM tập trung vào việc thu gọn bộ máy, tổ chức các quận gọn lại ở các khu đô thị trung tâm cũng như ở các khu đô thị khác. Có thể không còn giữ 24 quận, huyện như bây giờ mà sẽ gộp lại, ít hơn”.

Chủ tịch HĐND TPHCM, bà Phạm Phương Thảo đã “hé lộ” như vậy về mô hình chính quyền đô thị TPHCM đề xuất.
 
Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh thành tiết kiệm được 85 tỷ đồng/năm. Đối với TPHCM, con số cụ thể là như thế nào, thưa bà?
 
TPHCM sẽ giảm số quận nếu thực hiện chính quyền đô thị - 1
Bà Phạm Phương Thảo
 
Vừa qua TPHCM có xem xét và thấy rằng, khi thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường thì mỗi huyện, quận tiết kiệm từ 1 - 1,7 tỉ đồng/năm và cả TP tiết kiệm khoảng 30 tỷ đồng/năm.
 
Sau khi bỏ HĐND tại quận, huyện, phường, thành phố có gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp cán bộ dôi dư?
 
Đây cũng là một vấn đề đặt ra. Nếu chúng ta không tổ chức sắp xếp lại lực lượng cán bộ khi chúng ta làm gọn bộ máy cũng sẽ làm nảy sinh vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, tại TPHCM việc chuẩn bị được thực hiện khá kỹ, chúng tôi tính toán từng người một, sau khi chuyển công tác sẽ làm gì.
 
Và vừa qua TP đã sắp xếp 382 cán bộ, trong đó có 68 cán bộ quận, huyện và 314 cán bộ ở cấp phường. Tất cả cán bộ này đều được chuyển công tác một cách khá hợp lý. Họ chuyển sang công tác ở các cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng tại địa phương và chế độ chính sách vẫn bảo đảm tốt, thành ra không phát sinh tâm tư này khác.
 
Bỏ HĐND quận, huyện, phường sẽ để lại khoảng trống về giám sát ở các cấp này, vậy HĐND TP sẽ phải làm như thế nào để bù đắp khoảng trống đó?
 
Chức năng giám sát của HĐND các cấp đã bỏ sẽ phải thực hiện ở cấp thành phố và Quốc hội cũng góp phần vào việc này. Chưa kể, các tổ chức mặt trận cũng có chức năng giám sát của nhân dân.
 
Sự phối hợp giữa giám sát của cơ quan quyền lực với giám sát của mặt trận đoàn thể sẽ được tăng cường. Vì thế, tôi nghĩ không có khoảng trống về mặt giám sát nếu chúng ta làm tốt ở cấp thành phố cũng như sự phối hợp của mặt trận đoàn thể.
 
Vừa qua tôi cũng đi làm việc ở các quận, huyện tôi thấy vai trò giám sát của mặt trận được tăng lên rất rõ. Ở quận 4, mặt trận và đoàn thể đã giám sát chuyên đề về bảo hiểm y tế và một số lĩnh vực khác, cung cấp cho HĐND TP để xem xét xử lý.
 
Nhưng để HĐND TP “bù đắp” chức năng giám sát của HĐND quận, huyện, phường, sẽ phải tăng cường thêm nhân lực, thưa bà?
 
Đầu nhiệm kỳ HĐND TP có 95 đại biểu, nhưng do có sự chuyển công tác nên giờ còn 91 đại biểu và đại biểu chuyên trách ở TP khoảng 10. Tôi nghĩ, sắp tới có thể tăng cường HĐND ở tỉnh thành khi không tổ chức HĐND cấp dưới nhưng con số tăng không phải nhiều. Như TPHCM hiện là 95 thì có thể tăng thêm 10 đại biểu, chủ yếu thêm một số chuyên trách thôi.
 
Hoạt động HĐND ở một thành phố lớn như TPHCM có những điểm gì khác so với các địa phương khác mà khi nhân rộng thí điểm không tổ chức HĐND cấp dưới ra toàn quốc cần phải lưu ý?
 
TPHCM sẽ giảm số quận nếu thực hiện chính quyền đô thị - 2
Trách nhiệm giám sát của HĐND TP sẽ tăng hơn khi bỏ HĐND cấp dưới
 
Tôi thấy TPHCM là một đô thị lớn, thí điểm không tổ chức HĐND cấp dưới cũng phù hợp với việc TP đề xuất đề án xây dựng chính quyền đô thị, do cuộc sống của người dân khá tập trung.
 
Từ thí điểm lần này, có thể kiến nghị xây dựng chính quyền đô thị. Những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội và những thành phố trực thuộc Trung ương có thể tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp, có thể gọn nhẹ hơn.
 
Bà có thể nói rõ hơn đề xuất của TPHCM về mô hình chính quyền đô thị?
 
Đề án chính quyền đô thị của TPHCM tập trung vào việc thu gọn bộ máy, tổ chức các quận gọn lại ở các khu đô thị trung tâm cũng như ở các khu đô thị khác. Có thể không còn giữ 24 quận, huyện như bây giờ mà sẽ gộp lại, ít hơn.
 
Có thể những đô thị của các khu trung tâm cũ là một khu đô thị, trong khi những khu đô thị ở phía Đông, Bắc, Nam là những khu đô thị nữa.
 
Khi đề án đó được chấp nhận, điều gì là khó khăn nhất?
 
Đề án khi vào thực tiễn đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ phải tương xứng, chuyên nghiệp để có thể điều hành quản lý một bộ máy gọn như vậy. Những cơ chế, chính sách điều kiện hoạt động cũng phải đi kèm để làm rõ ràng hơn nữa chức năng nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, của từng cán bộ và trách nhiệm cá nhân. Từ đó, có thể phát huy vai trò của bộ máy, vai trò của cá nhân người đứng đầu cũng như cá nhân từng công chức trong bộ máy chính quyền.
 
Xin cám ơn bà!
 
Cấn Cường