1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM kẹt xe như "cơm bữa", thống kê lại... cầm chừng !?

(Dân trí) - Theo tiêu chí hiện đang áp dụng, xe không di chuyển được trong thời gian 30 phút mới tính là kẹt xe, còn dưới mức đó chỉ là ùn ứ. Tiêu chí này khiến TPHCM xảy ra kẹt xe hàng ngày mà số vụ kẹt xe được thống kê rất thấp...

UBND TPHCM vừa đề xuất Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho TPHCM áp dụng tạm bộ tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Kẹt xe trên đường Nguyễn Kiệm (ảnh: Đình Thảo)
Kẹt xe trên đường Nguyễn Kiệm (ảnh: Đình Thảo)

Theo UBND TPHCM, thời gian qua việc xác định ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố chủ yếu dựa trên cơ sở tiêu chí ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. TP nhận thấy phương pháp xác định này chưa phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Do vậy, cần xây dựng bộ tiêu chí dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng để xác định chính xác tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Bộ tiêu chí sẽ phục vụ công tác tổ chức giao thông cũng như công tác hoạch định các chính sách về quản lý và điều hành giao thông đô thị.

UBND TPHCM cho biết, dựa trên cơ sở tham khảo và tổng hợp góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông, TPHCM xác định tình trạng ùn tắc giao thông gồm 3 tiêu chí.

Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là vận tốc trung bình dòng xe thấp hơn hoặc bằng 5 km/h (thấp hơn vận tốc của người đi bộ); hai là ùn tắc kéo dài trên 30 phút; ba là chiều dài dòng xe kéo dài từ 200-300m. Đây là bộ tiêu chí được sử dụng để thống kê số vụ ùn tắc giao thông tương đương với tình trạng giao thông ở mức độ 4 - mức độ thấp nhất.

Ùn tắc giao thông trước sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh: Quốc Anh)
Ùn tắc giao thông trước sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh: Quốc Anh)

Theo UBND TPHCM, vận tốc trung bình dòng xe nhỏ hơn hoặc bằng 5 km/h được xác định thông qua 2 phương pháp. Đó là xác định vận tốc trung bình dòng xe dựa vào thống kê, phân tích dữ liệu giám sát hành trình (GPS) của khoảng 60.000 xe tải, xe khách, taxi và xe buýt. Và vận tốc trung bình dòng xe dựa vào phân tích hình ảnh dữ liệu từ 471 camera giao thông được kết nối về trung tâm điều khiển giao thông TP.

Xác định ùn tắc kéo dài trên 30 phút được giám sát, theo dõi từ hệ thống quản lý tự động trên nền bản đồ số của trung tâm điều khiển giao thông. Còn tiêu chí chiều dài dòng xe từ 200-300m thì được xác định dựa vào phân tích dữ liệu hình ảnh từ hệ thống giám sát hành trình được tính toán trên bản đồ số giao thông.

Theo UBND TPHCM, nếu áp dụng bộ tiêu chí nêu trên thì trong 2 tháng 2 và 3 năm 2017, TPHCM có 35 vị trí, khu vực ùn tắc giao thông.

Trước đó, tháng 9/2015, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM từng có phát biểu gây “dậy sóng” dư luận về ùn tắc giao thông.

Tại cuộc họp báo do Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM tổ chức, báo cáo chỉ ra trong 9 tháng đầu năm 2015 không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào trên 30 phút. Con số đưa ra là trong 9 tháng, TP chỉ xảy ra 18 vụ ùn ứ giao thông. Con số qua báo cáo đã làm nhiều người ngỡ ngàng.

Về nội dung báo cáo không có vụ ùn tắc nào trên 30 phút, ông Bùi Xuân Cường giải thích: Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được.

Song ông Cường cũng giải thích thêm, đó là tiêu chí đánh giá hiện nay về kẹt xe. Điều này có thể chưa đúng, chưa phù hợp. Do đó, trong thời gian tới sẽ áp dụng tiêu chí mới để đánh giá thống kê ùn tắc cho phù hợp với tình hình thực tế.

Quốc Anh