1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tôi xin chịu trách nhiệm việc dự báo sai sản lượng gạo”

(Dân trí) - “Trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm trước QH, xin nhận mọi hình thức kỷ luật theo pháp luật”- Bộ trưởng Cao Đức Phát “bất ngờ” nhận trách nhiệm sau loạt truy vấn đầu tiên về việc lúa gạo rớt giá, thiệt hại vừa qua…

Nông dân mất “ngàn vàng” vì… Bộ

Đại biểu Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang) tấn công ngay vào vấn đề diễn biến giá lúa gạo và biện pháp điều hành dẫn đến nhiều thiệt hại cho nông dân năm qua. Ông Diện hỏi thẳng, dự báo của Bộ trưởng là đúng hay sai? Trách nhiệm của Bộ với những thiệt hại của người dân?

Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát giải thích về tình huống giá gạo biến động mạnh dịp đầu năm. “Dự báo của chúng tôi không chính xác” - Bộ trưởng Phát thừa nhận. Đầu tháng 3, vì đợt rét đậm, Bộ tính khả năng được mùa lúa đông xuân ở miền Bắc chỉ là 50-50, còn sản lượng ở ĐBSCL chỉ thêm được vài nghìn tấn. Chúng ta đã đề nghị dừng việc ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo khi thời điểm giá thế giới lúc đó rất cao (1.200 USD/tấn).

Nhưng thực tế, vụ đông xuân sản lượng lúa gạo cả nước đã tăng trên 750 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với dự báo. Giá rớt, lượng gạo tồn kho ở ĐBSCL rất lớn trong khi lại chuẩn bị thu hoạch vụ lúa tiếp.

Đại biểu Lê Văn Liêm (Long An) không giấu giọng gay gắt: “Vì sao Chính phủ vẫn để nông dân một mình gánh trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng quên quyền lợi của 60 triệu người nông dân trồng lúa. Không lẽ vì lý do này mà nông dân nghèo mãi, thiệt mãi?”.

“Tôi xin chịu trách nhiệm việc dự báo sai sản lượng gạo” - 1
 Đại biểu Lê Văn Liêm: "Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng quên quyền lợi của 60 triệu người nông dân trồng lúa". (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Đáp lời, Bộ trưởng Phát nói… nước đôi. Ông cho rằng, gạo Việt Nam chỉ 20% xuất khẩu, 80% phục vụ thị trường trong nước mà không chỉ là 20 triệu người ở thành phố mà còn chính những người nông dân ở quê. Ông Phát một lần nữa xin bà con nông dân chia sẻ với quyết định điều hành của Chính phủ. “Chính phủ luôn muốn làm lợi cho bà con nhưng trong đại cục thì phải cân nhắc thêm vấn đề ổn định thị trường, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước”.

Đại biểu Liêm không xuống giọng, tiếp tục “truy”, nguyên nhân của quyết định dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo là do dự báo sai về sản lượng, trách nhiệm của quý Bộ? Ông Liêm xót xa, việc trúng mùa - được giá là rất hiếm hoi với người nông dân. Nhưng vì chính sách của Chính phủ vừa qua, bà con không thể tận dụng được thời cơ “ngàn vàng”. Trước nguy cơ tăng giá mạnh trong nước, theo ông Liêm, Chính phủ phải có chính sách trợ giá gạo cho đối tượng người nghèo, không thể dồn lên vai người nông dân gánh trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.

Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cũng lạnh lùng hạ lời nhận xét, Bộ trưởng NN&PTNT trả lời lòng vòng, né tránh.

“Tôi xin chịu trách nhiệm việc dự báo sai sản lượng gạo” - 2
 Đại biểu Trần Văn Kiệt nhận xét, Bộ trưởng Phát "trả lời lòng vòng, né tránh". (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ động hạ nhiệt: “Trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội, xin nhận mọi hình thức kỷ luật theo pháp luật”.

Việc nhận lỗi của Bộ trưởng Phát làm không khí chất vấn dịu lại.

Mưa lụt: Bất ngờ nhưng không lúng túng!

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chuyển sang vấn đề đang rất nóng khác, việc ứng phó với đợt mưa lũ ở 15 tỉnh miền Bắc vừa qua. Ông Thuyết khẳng định, qua trận lũ úng ngập có thể thấy rõ sự lúng túng, bị động của Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt. “Bộ trưởng có đồng ý với nhận xét ấy?” - đại biểu Thuyết đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát phủ nhận, Bộ có bất ngờ vì trận mưa thực tế lớn hơn rất nhiều so với dự báo nhưng “lúng túng thì không”. Ông Phát viện dẫn, ngay trong sáng 31/10, đoàn công tác của Ban chỉ đạo đã tỏa đến các vùng ngập úng. Bản thân ông Phát cũng đến cơ sở, tham gia bảo vệ trạm bơm Yên Sở - “cửa ngõ” thoát lũ của Hà Nội. Ban chỉ đạo đã túc trực, xử lý kịp thời tất cả những tình huống cấp bách nhất ngay trong giờ đầu.

Bộ trưởng Phát cũng thừa nhận, sau trận lụt này phải ngồi lại, rà soát lại, nhất là vấn đề quy hoạch để ứng phó kịp thời với sự biến động thời tiết.

Ông Nguyễn Minh Thuyết “ý kiến” lại ngay: “Giải thích của Bộ trưởng chân thành nhưng không thuyết phục”. Ông Thuyết lý luận, trước đó, nhiều địa phương vùng tâm bão đi qua trong nội thành cũng nhiều người chết mà có những cái chết đáng ra hoàn toàn có thể tránh được.

Để trẻ em phải đi học hay không trong mưa lũ cũng không biết, để những mương nước khiến trẻ thụt chân, để nhiều xe tốt đắt tiền ngâm dài trong nước, để dân đói, không cứu trợ kịp… là biểu hiện của việc lúng túng, bị động. Những ví dụ này, ông Thuyết nhấn mạnh là còn có thể nêu thêm rất nhiều.

Đại biểu Sùng Chúng (Lào Cai) lại đặt vấn đề cảnh báo, dự báo nguy hiểm trong thiên tai. Ông Chúng chỉ ra, việc cảnh báo sạt lở trong đợt mưa lũ vừa qua… không đúng. Ở Lào Cai, những điểm được cảnh báo sạt lở, thì không vấn đề gì trong khi những điểm sạt lở nặng thì lại không được báo trước, thậm chí có nơi có rừng thì lại sạt lở lớn.

Bộ trưởng NN&PTNT biện minh, trận mưa lịch sử vừa qua có sự bất thường. Bộ sẽ cho các cơ quan khoa học điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến mới, tránh bị động, lúng túng.

Phương Thảo - Kim Tân