1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tình người nơi rốn chiến địa Điện Biên Phủ

(Dân trí) - Quan tư của Pháp, Thiếu tá Gờ-rô-oanh (Grawin) sững người khi nghe một sĩ quan Việt Nam nghiêm giọng: “Ông phải quay lại tiếp tục cứu chữa thương binh của các ông!”. Gờ-rô-oanh không ngờ vì sao giữa khói lửa, đội quân chiến thắng đã nghĩ ngay tới việc cứu giúp kẻ thù…

Tình người nơi rốn chiến địa Điện Biên Phủ - 1

Binh lính Pháp được cứu chữa ở chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
 

Tháng 5/1954, khi quân ta mở đợt tiến công thứ ba vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vào những ngày giao tranh cuối cùng ác liệt với Pháp, một sự kiện chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương đã xảy ra: Mỹ can thiệp với một lực lượng không quân hùng hậu trút bom tấn, bom cháy, bom bi với mật độ dày đặc xuống Điện Biên Phủ nhằm hủy diệt bộ đội ta trên mặt đất cũng như trong các hầm hào. Đây là thời cơ Mỹ phô trương sức mạnh quân sự của mình.

 

Mưa bom của máy bay Mỹ cản trở hoạt động của bộ đội ta cả về tác chiến, thông tin liên lạc chỉ huy lẫn tiếp tế hậu cần ở hướng Đông Bắc Điện Biên, nơi Đại đoàn 312 đang chiến đấu. Cho tới sáng 7/5, cho dù quân Pháp đã bước vào giờ phút hấp hối bởi đã mất cứ điểm A1- C2 trên dãy đồi phía Đông, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục hai loạt bom tấn xuống khu vực chỉ huy sở của đại đoàn trên đồi Đ.

 

Mười bốn giờ chiều 7/5, đại đội 525 do Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 154 Ngô Trọng Bảo chỉ huy dũng cảm và táo bạo nổ bộc phá dọn đường đánh chiếm được đồn 507 rồi 508. Và bộ binh ta tiến sát chỉ huy sở của tướng giặc, chỉ còn cách hầm Đờ-cát vỏn vẹn 200 mét.

 

Ban chỉ huy Trung đoàn 209 nhận được tin thắng trận, liền điều động ngay Đại đội 360 của Tạ Quốc Luật tới tiếp sức với mũi của Tiểu đoàn phó Ngô Trọng Bảo. Phát hiện cờ trắng xuất hiện trong Mường Thanh, Ngô Trọng Bảo ra lệnh cho Đại đội 360 tiến nhanh qua cầu sắt vào thẳng chỉ huy sở của địch. Vào lúc 16 giờ 40 ngày 7/5, tướng Đờ-cát đã bị giải ra khỏi căn hầm có bọc nóc sắt.

 

Thiếu tá Gờ-rô-oanh khi đó đứng bên trái tướng Đờ-cát, bỗng thấy có một “sỹ quan Việt Nam có đôi mắt xếch, đen và sắc sảo, đội mũ sắt màu xanh hỏi bằng tiếng Pháp: Ở đây ai là người phụ trách quân y?”. Ông bước ra đứng trước mặt người chỉ huy đó.

 

Ngô Trọng Bảo nghiêm giọng: “Ông phải quay lại tiếp tục cứu chữa thương binh của các ông!”. Nghe lệnh này, viên quan tư Gờ-rô-oanh ngỡ ngàng, không ngờ vì sao giữa khói lửa, đội quân chiến thắng đã nghĩ ngay tới việc cứu giúp kẻ thù.

 

Hồi ký của Gờ-rô-oanh sau này còn ghi rõ: “Các thương binh của tôi. Tôi đã bỏ quên họ. Làm sao tôi lại bỏ quên họ được nhỉ”. Viên quan tư nói ông ta chả có gì trong tay cả. Tiểu đoàn phó Ngô Trọng Bảo rút trong xà cột ra giấy bút, viết một giấy phép cho Gờ-rô-oanh được sử dụng bốn xe GMC chiến lợi phẩm, dặn cắm cờ hồng thập tự, rồi đi quy tập mọi thương binh và dụng cụ y tế về một bãi đất phẳng cạnh sông Nậm Rốm để kịp thời cứu chữa.
 
Tình người nơi rốn chiến địa Điện Biên Phủ - 2

Thiếu tá Gờ-rô-oanh (trái) đang băng bó cho thương binh của mình (Ảnh tư liệu)
 

Sau này, viên quan tư có nói, mệnh lệnh lúc đó của viên sĩ quan Việt Nam là mệnh lệnh Lương Tâm. Đó là tình người nơi chiến trận. Còn Ngô Trọng Bảo thì kể rằng, có thể văn hoá Việt Nam ngấm vào máu thịt để con người ta đưa ra những quyết định lúc khẩn cấp, nhân văn nhất ngay cả với kẻ thù.

 

Sau đó cấp trên đã cử bác sĩ Đặng Hiếu Trưng (sau này là Giáo sư Tiến sĩ, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện 108) lên Điện Biên Phủ phụ trách chung để giải quyết các vấn đề về thương binh Pháp. Lên tới nơi, ông ngạc nhiên thấy giữa cảnh chiến trận còn ngổn ngang đã sớm xuất hiện một trạm cấp cứu tiền phương khang trang, nhộn nhịp bên bờ Nậm Rốm. Giáo sư Huard được Pháp cử lên Điện Biên đón thương binh cũng ca ngợi sự hỗ trợ nhân đạo kịp thời của trạm cứu thương tiền phương này.

 

…55 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang ấy, “viên sỹ quan Việt Nam có đôi mắt xếch, đen và sắc sảo, đội mũ sắt màu xanh” trong hồi ký Gờ-rô-oanh sống âm thầm một mình trong một căn hộ tập thể ngăn đôi trong khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội), không đòi lịch sử phải vinh danh mình với vị trí người chỉ huy có đóng góp quyết định trong giây phút đánh bại tập đoàn cứ điểm Pháp. Mọi ghi chép chỉ tôn vinh anh hùng Tạ Quốc Luật là người bắt sống tướng Đờ-cát, và gạt người chỉ huy thực sự của trận đánh quyết định này ra ngoài lịch sử Điện Biên Phủ.

 

Cho đến khi cuốn hồi ức “Điện Biên Phủ - điểm hẹn của lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mắt bạn đọc, trong đó viết rõ về trận đánh cuối cùng tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ, và vai trò chỉ huy của Tiểu đoàn phó Ngô Trọng Bảo, thì ông mới nghẹn ngào ứa nước mắt kêu lên: “Vậy là sự thật lịch sử đã được chứng minh!”.

 

Những chiến binh già có cách kỷ niệm chiến thắng Điện Biên riêng theo cách của mình. Không biết đến những lễ kỷ niệm nhiều hoa, những bài phát biểu dài, những ông già gặp nhau, nhắc lại kỷ niệm cũ hào hùng và rưng rưng, họ là đồng đội Điện Biên mãi mãi, họ tự hào là họ luôn đứng về phía con người.

 

Thỉnh thoảng, một người bạn chiến đấu của Ngô Trọng Bảo là Trung tá Sơn Hà, Trưởng ban Trinh sát Trung đoàn ngày xưa lại chạy tới thăm ông, hai ông già ăn cùng nhau một bữa cơm đạm bạc trong gian buồng nhỏ. Còn ngày thường ông nuôi một con mèo vàng, ông lọ mọ đi chợ nấu cơm, nấu một bữa, người và mèo ăn hai ngày.

 

(Dựa theo tập hồi ký “Tôi từng là thầy thuốc tại Điện Biên Phủ” của quan tư Gờ-rô-oanh - Chủ nhiệm Quân y tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và lời kể của Trung tá Ngô Trọng Bảo, Trung tá Sơn Hà)

 

Trang Hạ