1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thuyền viên mắc kẹt ở Bangladesh: Sẽ kêu cứu lên ĐSQ

Chiều 21.9, tập thể thuyền viên tàu Anh Sơn có thư gửi Báo Lao Động cảm ơn việc đã thông tin trên báo về tình cảnh hiện tại của họ ở Chitagong, Bangladesh.

Ông Trần Đình Dục - thuyền phó 1 tàu Anh Sơn - xúc động: “Sự lên tiếng của quý báo giúp phục hồi niềm hy vọng trong chúng tôi, rằng vụ việc sẽ sớm được quan tâm giải quyết, rằng quyền lợi của người lao động sẽ được bảo vệ”.

Trả lời câu hỏi của Lao Động liên quan đến khả năng “cầm cự” khi bị đại lý cắt tiền ăn, ông Dục cho biết: “Chúng tôi có thể rau cháo đắp đổi độ 5 ngày nữa. Sau đó, nếu tình hình không tiến triển gì, tập thể thuyền viên sẽ lên Đại sứ quán VN tại Bangladesh xin trợ giúp. Thực tình, chúng tôi rất hoang mang, lo lắng vì không biết có được hỗ trợ hay không!”.

Không chỉ cái ăn, ngay chỗ ở của thuyền viên trong khu nhà trọ cũng bị đe dọa thu hồi. Theo thủy thủ trưởng Trần Đình Sơn, phía đại lý đã thông báo hung tin trên. “Nếu bị buộc phải quay lại tàu, tình thế chúng tôi sẽ vô cùng nguy hiểm vì con tàu đã bị hư hỏng nặng, các phương tiện cứu sinh cũng không còn”.

Trong số 12 thuyền viên đang “kẹt” ở Chitagong, hiện 4 người không có hộ chiếu phổ thông. Thợ máy Nguyễn Văn Huy - sau tai nạn ở Kolkata, Ấn Độ, bị mất cả hộ chiếu và sổ thuyền viên. “Không có hộ chiếu, anh em sẽ vấp phải rất nhiều phiền phức như không thể mua vé máy bay về nước nếu không được đại sứ quán hoặc đại lý bảo lãnh” – anh Sơn viết trong thư.

Cũng chiều 21.9, chị Nguyễn Thị Thủy Hương - vợ sĩ quan quản lý máy 2 tàu Anh Sơn, đã chuyển tới PV Lao Động văn bản trả lời của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Văn bản đề ngày 29.8, do Phó phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân VN ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Hưng ký, cho biết đã đề nghị Đại sứ quán VN ở Bangladesh liên hệ với thuyền viên và đại lý cảng “tìm hiểu tình hình thực tế của tàu, nếu thuyền viên gặp khó khăn sẽ có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ”. 

Tuy nhiên, thủy thủ trưởng Trần Đình Sơn quả quyết, đã không có cuộc tiếp xúc nào giữa cán bộ nhân viên sứ quán với thuyền viên sau thời điểm trên, trừ “sự kiện” 9/14 thuyền viên rời Chitagong lên Đại sứ quán cầu cứu hôm 13.8; hành động bị chủ tàu cáo buộc nặng nề là bỏ trốn.

Ông Linh bức xúc: “Họ vu vạ cho chúng tôi. Ngày 6.8, đội tàu họp và chuyển đến chủ tàu yêu cầu phải trả lương trước ngày 9.8 nếu muốn thuyền viên tiếp tục phục vụ trên tàu. Chúng tôi làm việc gì, đi hay ở đều có email thông báo trước cho Cty và ghi rõ ràng trong nhật ký hàng hải chứ không hề tự ý đào nhiệm”.   

Tìm hiểu của PV Lao Động cho thấy, ngoài trách nhiệm trực tiếp của cơ quan bảo hiểm và DN khai thác là Cty Anh Sơn, để “giải phóng” con tàu bị nạn cùng nhóm thuyền viên, có vai trò của Cty cho thuê tài chính II - chủ sở hữu tàu Anh Sơn.

Hiện đang có tới 5 tàu trôi nổi ở nước ngoài tương tự Anh Sơn, song để thu hồi thì chính Cty cho thuê tài chính II cũng đang chờ phê duyệt phương án hỗ trợ tài chính!
 
Theo Xuân Nhân
Lao động