1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng, Bộ trưởng làm việc theo chế độ trách nhiệm cá nhân

(Dân trí) - Bộ Quy chế làm việc của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới ban hành nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong việc điều hành đất nước, mỗi việc chỉ một người phụ trách và chịu trách nhiệm.

Thủ tướng, Bộ trưởng làm việc theo chế độ trách nhiệm cá nhân - 1
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ (ảnh: Chinhphu.vn).

Bộ Quy chế làm việc được thể hiện trong Nghị định số 08/2012/NĐ-CP, quy định nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ.

Theo đó, một nguyên tắc nhất quán là Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể Chính phủ với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của mỗi thành viên Chính phủ, mỗi việc chỉ một người phụ trách và chịu trách nhiệm. Nếu công việc được giao cho cơ quan thì thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm chính.

Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Về cách thức làm việc, Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một lần.

Ngoài ra, Chính phủ họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng hoặc theo yêu cầu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ để giải quyết các công việc đột xuất hoặc theo chuyên đề. Việc chuẩn bị, triệu tập, tổ chức công việc liên quan đến phiên họp bất thường được thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ chủ tọa phiên họp Chính phủ. Khi cần thiết, Thủ tướng phân công một Phó Thủ tướng thay Thủ tướng chủ tọa phiên họp.

Về trách nhiệm riêng của Thủ tướng: Thủ tướng chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, các vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Thủ tướng trực tiếp hoặc phân công Phó Thủ tướng thay mặt mình xử lý công việc trên cơ sở hồ sơ, tài liệu trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Chính phủ duy trì hình thức họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Khi vắng mặt và nếu thấy cần thiết, Thủ tướng ủy nhiệm một Phó Thủ tướng thay mặt mình lãnh đạo công tác của Chính phủ và giải quyết công việc do mình phụ trách. Thủ tướng cũng có thể ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc một thành viên Chính phủ khác chủ trì họp làm việc với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý tổng hợp các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng mà các Bộ còn có ý kiến khác nhau, trình Thủ tướng quyết định. Các cơ quan tổ chức được mời phải cử đại diện đủ thầm quyền tham dự và ý kiến phát biểu được coi là quan điểm chính thức của cơ quan, tổ chức đó.

Các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng kiểm tra việc thi hành các văn bản và công việc nêu trên theo phạm vi, lĩnh vực công tác đã được Thủ tướng phân công; các thành viên Chính phủ khác kiểm tra việc thi hành các văn bản và công việc theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng, các Phó Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các văn bản và công việc nêu trên ở các Bộ, ngành, địa phương khi được Thủ tướng, Phó Thủ tướng giao; đồng thời chịu trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng để thực hiện kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất theo yêu cầu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh kiểm tra việc thực hiện các văn bản và công việc được giao trong phạm vi quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của Bộ, cơ quan, địa phương mình.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ cũng có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thông qua các báo cáo trước Quốc hội, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, họp báo và ý kiến phát biểu với cơ quan thông tin đại chúng.  

P.Thảo