1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ trưởng Bộ GTVT “xui” trẻ em khóc đòi đội mũ bảo hiểm

(Dân trí) - “Nếu khi đi xe gắn máy mà các cháu học sinh không được cha mẹ đội mũ bảo hiểm (MBH) cho thì kiên quyết không đi hoặc hãy khóc to để đòi đội MBH” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng “xui” các em học sinh.

Có thể thấy, thời gian gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) luôn là vấn đề xã hội bức xúc và được Đảng, Chính phủ, nhân dân đặc biệt quan tâm. TNGT gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội để lại hậu quả lâu dài cho nhiều gia đình, xã hội.

Gần 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT/năm

Tại Hội thảo Tổng kết 2011 và phát động tuyên truyền 2012 về việc đội MBH cho trẻ em ngày 12/12, Thứ trưởng Hùng cho biết: một trong những nguyên nhân TNGT xảy ra với trẻ em là do không được người lớn cho đội MBH khi chở trên mô tô, xe gắn máy. Chính vì các em không được đội MBH nên khi va chạm giao thông xảy ra dễ bị chấn thương hoặc tử vong.
 
Theo Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, hiện tỷ lệ đội MBH của trẻ em tại các thành phố lớn vẫn còn khá thấp. Trong đó, Hà Nội chỉ có 16,2%; TPHCM 44,8% và Đà Nẵng là 47,5%. Thứ trưởng Hùng cho rằng hành vi không đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy vẫn chưa được phát hiện và xử lý nghiêm khắc và chưa thực sự bị dư luận lên án.
 
Thứ trưởng Bộ GTVT “xui” trẻ em khóc đòi đội mũ bảo hiểm - 1
Nhiều phụ huynh vẫn "quên" đội MBH cho trẻ khi chở các em bằng xe máy

Đại tá Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng CSGT đường bộ - đường sắt nhìn nhận: Nhiều gia đình ít chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu... Thời gian tới, cảnh sát sẽ xử phạt nghiêm đối với các vi phạm không đội MBH. Việc nâng cao nhận thức của phụ huynh và tạo thói quen đội MBH cho các em học sinh là rất quan trọng.

“Năm 2008, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt 5,4 triệu trường hợp vi phạm, trong đó có 683 trường hợp trẻ em không đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy; Năm 2009 đã xử phạt 5,6 triệu trường hợp, có 527 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; Năm 2009 đã xử lý 6,3 triệu trường hợp, trong đó có 941 trường hợp trẻ em không đội MBH. Điều đó cho thấy, việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy đang còn có những bất cập” - Đại tá Tuyên cho hay.

Được biết, trong 10 tháng đầu năm 2011, CSGT cả nước đã xử phạt 5,7 triệu trường hợp vi phạm an toàn giao thông, trong đó xử lý hơn 462.000 trường hợp không đội MBH. Theo nghiên cứu của Unicef, mỗi năm Việt Nam có gần 2.000 trẻ em và người dưới 19 tuổi tử vong do TNGT.

“Không nên giới hạn độ tuổi trẻ em đội MBH”

Một trong những vấn đề bức xúc chưa được quan tâm đúng mức là người lớn thiếu trách nhiệm không đội MBH cho trẻ. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và chế tài xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra, các Bộ ngành liên quan đã ban hành quy định về tiêu chuẩn chất lượng MBH cho trẻ…

Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam, cho rằng trẻ em là nhóm tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất vì không có sức khỏe, kiến thức về an toàn. Tại các thành phố lớn, trình độ dân trí cao thì càng cần chấp hành quy định về an toàn giao thông.

“Thật đáng tiếc chúng ta thấy trẻ em đội MBH khi đi cùng cha mẹ trên xe gắn máy ngày càng ít đi. Điều này làm các chuyên gia về an toàn giao thông đường bộ thực sự lo lắng vì xe gắn náy là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam và tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong tai nạn thương tích”, bà Lotta Sylwander nói.
 
Thứ trưởng Bộ GTVT “xui” trẻ em khóc đòi đội mũ bảo hiểm - 2
Các em học sinh được tặng MBH trong lễ phát động hôm nay (12/12) 

Đại diện Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (AIPF), bà Lotee Brundum đặt dấu hỏi: người lớn cần được bảo vệ bằng MBH khi tham gia giao thông, tại sao trẻ em lại không cần? Trẻ em là tương lai đất nước, sự tổn thương với trẻ em sẽ nặng nề hơn nếu không may xảy ra tai nạn. Vì thế cũng không nên giới hạn độ tuổi tối thiểu đội MBH đối với trẻ em, những sai lầm lệch lạc do đội MBH dẫn đến vẹo cột sống cổ ở trẻ em cần được xóa bỏ.

Trên thực tế, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành vẫn đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đội MBH; tuyên truyền, giáo dục, vận động người lớn tự giác đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông; tăng cường phối hợp kiểm tra phát hiện và xử phạt nghiêm đối với người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe gắn máy không đội MBH, chở trẻ em không đội MBH… Nhưng ý thức tham gia giao thông của người lớn chưa thực sự tốt khi vẫn “quên” dùng MBH để bảo vệ cho con trẻ mình.

Quỳnh Anh