1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tết muộn của thủy thủ trở về từ con tàu bị cháy

(Dân trí) - Thoát chết khi chiếc tàu Jeong Woo 2 bốc cháy giữa Nam Cực, chiều mồng 5 Tết, thủy thủ Phạm Văn Chung và 15 thủy thủ khác đã trở về Việt Nam, kịp đón một cái Tết muộn ở quê nhà bên những người thân yêu.

Tết muộn nơi cửa biển

Biển Cửa Hội (Nghệ An) những ngày đầu năm gió vẫn thổi thông thống vào nhà, lạnh buốt. Ngôi nhà nhỏ hướng mặt ra biển của gia đình ông Phạm Hồng Thái (xóm Xuân Giang, xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An) đông đúc nhộn nhịp hơn mấy ngày Tết. Bà Đậu Thị Hiền - vợ ông - bận rộn bên mâm cơm. “Hôm nay đám bạn của thằng Chung đến ăn cơm mừng hắn thoát chết trở về. Mấy con gà ni tôi để dành đợi con về ăn Tết. Hắn về thật rồi, mừng lắm, coi như cả nhà ăn Tết muộn”, không giấu được niềm vui ngày hội ngộ, bà Hiền cho biết. Từ hôm Chung về, căn nhà của bà như chật hơn bởi anh em làng xóm đến chia vui. Tết cứ như kéo dài thêm ra ở đây.

Tết muộn của thủy thủ trở về từ con tàu bị cháy - 1

Chung trở về an toàn, gia đình ông Thái đón một cái Tết hơi muộn nhưng rất ấm áp

Rồi cũng chẳng để cho khách hỏi thêm, bà kể luôn: “Trưa ngày 11/1, ông chú trong xóm hớt hải chạy sang báo tàu thằng Chung đi bị cháy, mấy người chết. Thần hồn nát thần tính, tôi chạy bổ lên công ty môi giới. Họ bảo yên tâm, không có chuyện gì xảy ra. Đến tối ti vi, đài báo nói ầm ầm, mất tích 3 người, mấy người bị thương nữa. Không muốn tin nhưng tôi sợ thằng Chung nằm trong số đó. Đêm không ngủ được, chỉ mong trời sáng để lên công ty hỏi. Rứa mà họ vẫn giấu, đến khi đại diện công ty về thắp hương cho anh Sơn bên Phúc Thọ (thủy thủ Nguyễn Văn Sơn - người đã được xác định mất tích sau khi tàu Jeong Woo 2 bị cháy- PV) họ mới đến nhà tôi báo tin và khẳng định là Chung vẫn an toàn”.

Mặc dù đã được đại diện công ty môi giới khẳng định như vậy nhưng không được nghe một cú điện thoại của con, ông Thái, bà Hiền như ngồi trên đống lửa. Tết nhất người ta đua nhau đi sắm sửa trang hoàng nhà cửa đón năm mới thì ông bà ngồi ôm tấm ảnh của con. “Nhà 5 anh em thì nó là đứa lận đận nhất. 2 năm đi xuất khẩu lao động 4 lần mà nỏ ra răng cả. Lần thứ nhất đi đánh cá ở Đài Loan khổ quá, chịu không thấu nên phải về, lỗ hơn 30 triệu. Lần thứ 2 mới được 9 tháng thì phải về vì chủ tàu chấm dứt hợp đồng để sữa chữa tàu. Lần thứ 3 thì được 14 tháng. 3 lần đi chỉ vừa đủ trả nợ thôi.

Thấy con quyết tâm làm giàu, với lại ở nhà không nghề không ngỗng sợ nó bị bạn bè xấu rủ rê nên gia đình tôi cắm sổ đỏ lấy tiền cho nó đi Hàn Quốc. Lần ni mới được 2 tháng, chưa nhận được đồng lương nào thì xảy ra chuyện. Nhưng phúc nhà tôi còn lớn, thằng Chung còn giữ được mạng sống”.

Một cái Tết đầy lo âu, phấp phỏng trôi qua. Đến ngày 25/1, bà Hiền mới nhận được cú điện thoại ngắn ngủi của con: “Tàu vừa về đến New Zealand, hai ngày nữa con về”. Thế nhưng mãi đến 2h30 phút ngày mồng 6 Tết (28/1) Chung mới đặt chân về đến nhà: “Em về đến Hà Nội vào chiều mồng 5 Tết rồi bắt xe về luôn. Tất cả anh em về nhà anh Đông, anh Sơn thắp cho hai anh ấy nén hương nên về nhà muộn hơn dự kiến”, Chung cho biết

Ký ức kinh hoàng giữa Nam Cực

“Khổ lắm cô chú ạ, từ bữa hắn về đến giờ tui có dám rời hắn mô. 25 tuổi mà đêm vẫn phải ngủ với mẹ vì cứ chìm vào giấc ngủ là hắn giật mình thon thót, ú ớ la hét “cháy, cháy”. Hắn thoát chết trở về nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến tâm lý sau này”, bà Hiền cho biết thêm.

Tết muộn của thủy thủ trở về từ con tàu bị cháy - 2

Bà Đậu Thị Hiền - mẹ thủy thủ Phạm Văn Chung: "Đêm mô ngủ hắn cũng giật mình thon thót, ú ớ la hét..."

25 tuổi nhưng tính những ngày tháng lênh đênh trên biển của Chung không phải là ít. Những chuyến đi trước, dù có khổ cực đến mấy chưa lần nào Chung phải trải qua quãng thời gian khủng khiếp như lần này. Mất một tháng tàu mới đến được địa điểm cho phép đánh cá. Lạnh đến thấu xương, Chung may mắn được làm trong bếp chứ không phải đứng trên boong tàu như các thủy thủ khác.

“Tối ngày 11/1 em được ngủ để 3h sáng dậy chuẩn bị cơm nước cho anh em. Đang lơ mơ thì nghe tiếng hét “Cháy rồi, chạy”. Em bật dậy, mở cửa ra thì thấy anh Ngoan (Trần Văn Ngoan) và anh Sỹ (Ngô Văn Sỹ) bị bỏng đang lăn lộn trên sàn. Khói từ buồng máy bốc ra thở không được. Thuyền trưởng ra lệnh cho anh em chạy hết lên boong. Em và anh Phúc (thủy thủ Trần Đình Phúc) dìu anh Ngoan, anh Sỹ cũng được các anh em khác dìu lên. Khói mù mịt, lửa bắt đầu bốc lên, không thể cứu vãn được nữa. Lúc đó ai cũng hoảng loạn không biết ai thoát được, ai đang bị mắc kẹt.

Thuyền trưởng ra lệnh thả phao cứu sinh để chuyển những người bị thương xuống còn tất cả những anh em khỏe mạnh sẽ chạy lên đầu tàu. Chiếc phao cứu sinh thứ nhất hạ xuống biển thì bị lật úp. Em ôm anh Ngoan tụt thang xuống phao thứ 2 nhưng do va phải băng nên phao bị thủng, hơi bắt đầu xì ra. Lạnh lắm, cứ tưởng thò tay xuống nước tay sẽ đóng băng luôn nhưng nếu cứ để phao trong đống băng này thì sẽ bị thủng nhiều hơn. Chúng em đã phải dùng tay làm mái chèo, chèo phao cách xa tàu 50m để giữ an toàn tính mạng”, Chung kể.

Chống chọi với giá rét và nỗi sợ hãi cho đến 8h sáng ngày 11/1, các thủy thủ mới được tàu In Young 707 cứu khi ngọn lửa đã bao trùm gần hết con tàu. Sau đó, những người còn khỏe mạnh được chuyển sang tàu Jeong Woo 3, Chung cũng bị chuyển sang đây. Trong lúc chờ đợi tàu cứu hộ ra đến nơi, những thủy thủ vừa thoát chết phải tiếp tục theo tàu Jeong Woo 3 đi đánh cá. “Lúc đó không chỉ chúng em sợ mà cả những thủy thủ trên tàu Jeong Woo 3 cũng phấp phỏng lo âu. Đêm không ai ngủ được, các thủy thủ cũng không nuốt nổi cơm vì sợ hãi.

Đúng 1 tuần sau khi vụ cháy xảy ra, tàu cứu hộ mới tới nơi và đưa toàn bộ anh em thủy thủ trên tàu Jeong Woo 2 về New Zealand. Lúc này em mới biết, anh Sơn, anh Đông và anh Quảng (Đặng Ngọc Quảng - quê Hà Tĩnh) mất tích. Anh Ngoan, Sỹ bị thương được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Toàn bộ quần áo, điện thoại đều bị cháy hết cả, em được một người dân cho mượn điện thoại gọi về nhà báo tin rồi được đưa về Việt Nam”.

Tết muộn của thủy thủ trở về từ con tàu bị cháy - 3

Ký ức kinh hoàng giữa Nam Cực vẫn ám ảnh Phạm Văn Chung trong từng giấc ngủ

2 tháng lênh đênh trên biển, Phạm Văn Chung và các thủy thủ trên tàu Jeong Woo 2 chưa được nhận một đồng tiền công nào. Về đến Việt Nam, Công ty CP phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng, các thủy thủ được ứng thêm 1 triệu đồng nữa để về quê. “Lúc lên xe về quê, phía công ty hứa ra Tết sẽ giải quyết quyền lợi cho anh em thủy thủ nhưng đến hôm nay vẫn chưa thấy họ nói gì cả”, Chung cho biết thêm.

Khoản nợ vay để đi xuất khẩu vẫn còn đó nhưng bà Hiền nhất quyết không cho con đi nữa: “Giờ tôi chỉ mong nó sớm bình phục tâm lý, trải qua cái đận này thì hồn vía lên mây cả rồi. Suốt mấy ngày ni hắn phải truyền đạm suốt. Chỉ mong phía công ty môi giới và công ty bên Hàn Quốc sớm giải quyết quyền lợi để có tiền trang trải nợ nần thôi”.

Hoàng Lam