1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung

(Dân trí) - Festival Huế 2008, tối qua 6/6, đã thực sự gây ấn tượng cho du khách bằng lễ hội độc đáo và hoành tráng: tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung. Đây là lễ hội về thời Tây Sơn lần đầu tiên được tái hiện tại Thừa Thiên Huế.

Hào khí một thời đã qua

 

Cách đây 220 năm, tại vùng đất Phú Xuân Huế, vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ đã cho san bằng ngọn núi Bân, phía Tây Nam TP Huế, lập đàn tế trời quy tụ lòng dân, chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. Sau đó ông đã kéo đại quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân xâm lược.

 

Để nhận thức đúng đắn về vị thế lịch sử của vùng đất, cũng như thực hiện sự công bằng trong lịch sử; nhiều năm qua đã có nhiều nghiên cứu làm sáng tỏ về triều đại Tây Sơn, đặc biệt là Tây Sơn với vùng đất Phú Xuân - Thuận Hoá. Đây cũng chính là lý do mà Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã tái hiện đại lễ này trong dịp Festival năm nay.

 

Lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung chính thức bắt đầu lúc 20h. Hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài nước đã đổ về ngọn núi Bân để chứng kiến cảnh trang nghiêm hào hùng đã từng diễn ra cách đây mấy trăm năm.

 

Lễ hội là sự tái hiện ký ức lịch sử vào năm 1788. Khi đó, Nguyễn Huệ hay tin quân Thanh tràn qua chiếm đóng Thăng Long đã lập tức hội các tướng lĩnh bàn việc dẹp giặc. Trước sức mạnh của quân địch muốn đánh thắng cần có sự đồng lòng của nhân dân cả nước. Vì thế các tướng lĩnh cho rằng muốn quy thuận được lòng dân thì cần có người dẫn dắt.

 

Thể theo nguyện vọng của quần thần, Nguyễn Huệ cho đắp đàn tế trời ở núi Bân tại Thừa Thiên Huế, ngày 25/11/1788, làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung. Ngay sau ngày lên ngôi, vua Quang Trung thống lĩnh đại quân hành quân thần tốc ra Bắc, đánh tan quân Thanh, giải phóng Thăng Long.

 

Lễ hội được chia làm 3 phần chính: Phần thứ nhất là Nghi lễ tế cáo trời đất, với cảnh Nguyễn Huệ ngồi trên thớt voi, đi đầu tiến vào sân hành lễ, theo sau là nữ tướng Bùi Thị Xuân ngồi trên thớt voi thứ hai. Đoàn tùy tùng hộ giá đi bên thớt voi. Tới đàn tế Nguyễn Huệ tiến đến bàn Tròn thực hiện các nghi thức của Lễ tế cáo trời đất, khi đó nữ tướng Bùi Thị Xuân đứng ở đội nữ binh, hai thớt voi đứng chầu hai bên cổng tam quan.

 

Phần thứ hai là lễ đăng quang, Nguyễn Huệ sau khi thực hiện xong các nghi lễ, bước xuống tầng thứ hai lễ đăng quang, đọc chiếu lên ngôi, chính thức trở thành Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung. Sau khi vua an tọa trên ngai vàng, 2 khẩu đại bác đặt trên sườn núi bắn 9 phát đạn, đồng thời đội ngũ lân nhảy múa tưng bừng, chúc phúc nhà vua.

 

Sang phần thứ ba là lễ xuất quân, sau khi xong lễ đăng quang là màn trình diễn múa cờ, múa quạt, múa kiếm, múa còng chiêng, biểu diễn võ cổ truyền Bình Định, đồng diễn võ thuật tái hiện thủy quân, luyện tập hành quân thần tốc... trong trang phục các dân tộc Chăm, Bana, Ê Đê.  Kết thúc vua Quang Trung khích lệ tinh thần của ba quân, tuốt gươm giơ cao lên trời thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng. Sau đó vua cùng nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi xuống núi, trong tiếng hô vang của quân sĩ.

 

Trong đêm diễn ra lễ hội, ngọn núi Bân được trang trí lộng lẫy, ánh đèn bừng sáng, lấp lánh khắp nơi, khói hương hòa quyện vào lòng người. Cả không gian ngập tràn màu sắc, bên cạnh đó âm vang của 28 cái trống lớn dồn dập đã tạo nên một không khí hào hùng, thể hiện được hòa khí của đội quân áo vải cờ đào của Nguyễn Huệ ngày nào.

 

Lễ đài được thiết kế thành 3 tầng, với gần 1.000 người tham gia đóng vai quân sĩ. Tất cả được bố trí thành 5 đạo binh gồm: bộ binh, kỵ binh, thủy binh..., có 2 voi chiến, 5 ngựa chiến và súng đại bác.

 

Lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ giúp du khách hiểu hơn về một đại sự kiện đã xảy ra trong lịch sử. Qua đó tạo được dấu ấn quan trọng của truyền thống đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Đồng thời thể hiện nét đẹp hào hùng, dũng mãnh, ý chí sắt đá, tài thao lược của Hoàng đế Quang Trung đối với đoàn quân thiện nghệ bách chiến, bách thắng.

 

Các hoạt động bên lề về Tây Sơn - Nguyễn Huệ

 

Ngoài lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, trong dịp Festival Huế 2008 còn có các chương trình hội thảo, trưng bày hiện vật liên quan đến triều đại Tây Sơn. Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho xây dựng khu Tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân.

 

Vào lúc 7h ngày 6/6, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội thảo Khoa học Thuận Hóa - Phú Xuân và anh hùng dân tộc Tây Sơn - Nguyễn Huệ - một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Festival Huế 2008. Đây là Hội thảo lần thứ 5 về Quang Trung và thời Tây Sơn được tổ chức tại thành phố Huế kể từ khi Hội thảo đầu tiên diễn ra vào năm 1995.

 

Tham gia hội thảo lần này có 30 tác giả, đa phần là những chuyên gia về thời Tây Sơn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Bình Định và các tác giả nước ngoài.

 

Trước đó ngày 5/6, UBND thành phố Huế đã long trọng tổ chức Lễ khởi công dựng tượng Anh hùng dân tộc Quang Trung với niềm thành kính tri ân vô hạn đối với bậc minh quân lỗi lạc của dân tộc. Tượng đài vua Quang Trung cao 21m, thân tượng cao 12m, đặc tả chân dung người Anh hùng dân tộc từ tám khối đá với 18 mảng, mỗi mảng trọng lượng từ 10-60 tấn.

 

Khu tưởng niệm có tổng diện tích 9,5ha, gồm di tích lịch sử quốc gia núi Bân được phục hồi, tôn tạo theo nguyên tắc phục chế cùng các hạng mục xây dựng mới được triển khai trong nhiều năm. Tượng đài vua Quang Trung sẽ hoàn thành trước ngày 2/9 và toàn bộ khu tưởng niệm sẽ hoàn thành trước ngày 20/12/2008 để kịp khánh thành vào ngày 22/12/2008.

 

Cũng vào ngày 5/6, một phòng trưng bày về Thư tịch cổ và tư liệu điền dã về thời Tây Sơn được tổ chức ở Phòng VH-TT. Tại đây trưng bày các tài liệu của nhà Nguyễn về Tây Sơn, thơ văn viết về vua Quang Trung của các nhà nghiên cứu trong nước. Đặc biệt là bản sao bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ” của họa sĩ Trung Hoa dưới thời Càn Long vẽ.

 

Bộ tranh gồm 6 bức, chủ yếu mô tả cảnh chiến trận giữa quân Thanh và Tây Sơn, trong đó có bức miêu tả cảnh vua Càn Long tiếp kiến Nguyễn Quang Hiển - người cháu của vua Quang Trung sang yết kiến vua Càn Long sau khi thắng trận.

 

Dưới đây là những hình ảnh hoành tráng, hào hùng trong buổi lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - một lễ hội hoành tráng, sinh động và hấp dẫn nhất trong các lễ hội của Festival Huế 2008.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 1

Tái hiện những khẩu súng thần công trong lễ xuất quân của vua Quang Trung.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 2

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 3

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 4

Có đầy đủ các binh chủng của quân Tây Sơn được tái hiện và cách điệu thành công.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 5

Nữ tướng Bùi Thị Xuân.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 6

Ảnh chụp những thủy binh Tây Sơn ra trận.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 7

Điều đặc biệt trong đạo quân của vua Quang Trung là những dân binh người dân tộc thiểu số.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 8

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 9

Một số tiết mục thao diễn võ thuật của các nghĩa binh Tây Sơn.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 10

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 11

Tiết mục múa quạt của các thiếu nữ Chăm mừng Hoàng đế Quang Trung lên ngôi.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 12

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 13

Núi Bân sống lại không khí hào hùng của lễ đăng quang Hoàng đế Quang Trung.

 

Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - 14

Cảnh tái hiện lên ngôi của Hoàng đế Quang trung được Đài HTV9 truyền hình trực tiếp.

 

Bài: Hoài Lương - Khánh Hiền

Ảnh: Lê Anh Tuấn

Dòng sự kiện: Festival Huế 2008