1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long: Không có trách nhiệm cá nhân!?

(Dân trí) - “Mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ mới được chuyển giao từ nước ngoài. Những cá nhân, tập thể tham gia dự án sửa chữa này đều có trách nhiệm cao và thái độ tích cực. Sự cố xảy ra do lỗi chuyển giao công nghệ, không có chuyện bớt xén hay tham nhũng”.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại cuộc họp báo thường kỳ quý III, diễn ra chiều tối 28/9.

“Công nghệ” chữa lợn lành thành lợn què?

Theo Thứ trưởng Trường, mặt cầu Thăng Long có cấu tạo đặc biệt và hiện nay không có nhiều nước trên thế giới sử dụng loại mặt cầu này. Đây là một cây cầu cũ đã khai thác khá lâu nên khi rải thảm bê tông nhựa trên bản mặt cầu thép tương đối phức tạp, việc đảm bảo dính bám lớp bê tông nhựa và bản thép cần có công nghệ mới, cách thức tổ chức thực hiện để đảm bảo chất lượng. Với dự án này, sau khi được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GTVT đã mời chuyên gia các nước như Anh, Singapore, và các chuyên gia cao cấp trong nước chọn công nghệ mới của nước ngoài để phục vụ việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
 
Mặt cầu Thăng Long đầu năm 2010 - khi dự án sửa chữa vừa hoàn thành
Mặt cầu Thăng Long đầu năm 2010 - khi dự án sửa chữa vừa hoàn thành
 
“Qua một thời gian sử dụng, mặt cầu Thăng Long đã xuất hiện các vết nứt và không dính bám, việc này là do công nghệ sử dụng khi triển khai sửa chữa. Mặc dù đây là công nghệ đã được nghiên cứu khá kỹ nhưng có lẽ không phù hợp với việc khai thác, điều kiện thời tiết khí hậu của Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu nhà thầu thi công sửa chữa nhiều lần (theo chế độ bảo hành), và trong quá trình đó vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu.” - Thứ trưởng Trường cho hay.
 
Cũng theo Thứ trưởng Trường, gần đây nhất, công ty tư vấn của Mỹ đã mạnh dạn thử nghiệm thay thế lớp dính bám cũ bằng một lớp dính bám mới và thay nhựa để rải thảm bằng một loại nhựa polyme có chất lượng tốt hơn, kết quả là những chỗ hư hỏng trước đây đã tốt hơn và chưa thấy bong bật, vì vậy Bộ GTVT đang tập trung sửa chữa bằng phương pháp mới này.

Do mặt cầu Thăng Long là hệ dầm thép qua nhiều năm sử dụng đã có những biến động rất lớn về độ võng, độ biến dạng nên lãnh đạo Bộ GTVT tỏ ra không thực sự tin tưởng về chất lượng lâu bền khi sửa chữa, chắp vá theo những cách như hiện nay. Bộ này đã kiến nghị với Chính phủ cho phép nghiên cứu lại việc sửa chữa toàn bộ dự án.

Về nguồn vốn, Thứ trưởng Trường cho biết: “Hiện nay, vốn ODA của Nhật Bản đang giúp Việt Nam xây dựng tuyến vành đai 3 (giai đoạn 2) ở Hà Nội, thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long nên Bộ GTVT đã đề xuất với tư vấn của Nhật Bản giúp đỡ nghiên cứu sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long và đã được phía Nhật Bản đồng ý. Bộ GTVT đang trình Chính phủ đề xuất này và xin phép thực hiện”.

“Không có chuyện bớt xén, tham nhũng trong dự án”

Gần 3 năm kể từ khi triển khai Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 97 tỷ đồng, cầu vừa sửa xong đã hỏng và càng sửa thì “điệp khúc” hư hỏng như càng phơi bày ra.
 
Và 2 năm sau - khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa vào tầm ngắm là 1 trong 5
Và 2 năm sau - khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa vào "tầm ngắm" là 1 trong 5 dự án giao thông trọng điểm trên cả nước bị thanh kiểm tra

Cầu Thăng Long - một công trình trọng điểm quốc gia, tuyến cầu độc đạo kết nối Thủ đô Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cây cầu vừa sửa xong đã hỏng và cứ phải sửa đi sửa lại trong một thời gian dài (dù biết rằng không mất thêm tiền vì được bảo hành), thế nhưng không hiểu tại sao vấn đề trách nhiệm cá nhân và tập thể tham gia dự án này chưa từng được Bộ GTVT nhắc tới?

Trả lời câu hỏi này của PV Dân trí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ mới được chuyển giao từ nước ngoài. Những cá nhân, tập thể tham gia dự án sửa chữa này đều có trách nhiệm cao và thái độ tích cực. Sự cố xảy ra do lỗi chuyển giao công nghệ khi nghiên cứu có chủ quan, không có chuyện bớt xén hay tham nhũng trong dự án này.

Trong chuyển giao công nghệ có những thành công và cũng có những thất bại để rút kinh nghiệm cho lần sau, mặt cầu Thăng Long rơi vào trường hợp chưa được thành công lắm. Đây là bài học sâu sắc về việc không lường trước được rủi ro, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận để sau này thực hiện việc chuyển giao công nghệ được tốt hơn.”.

Sự cố nứt mặt cầu Thăng Long xảy ra theo Thứ trưởng Trường có trách nhiệm chung của tập thể chứ không có trách nhiệm cá nhân và mới đây Bộ GTVT đã tiền hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm để việc chuyển giao công nghệ mới cần đúng quy trình và đảm bảo tính khả thi.

“Chúng tôi đã rất cố gắng tìm ra trách nhiệm liên quan đến cá nhân rõ hơn, nhưng cũng cần phải có sự thông cảm vì đây là việc chuyển giao từ nước ngoài và công nghệ hoàn toàn mới. Chúng tôi không che giấu và nghiêm túc rút kinh nghiệm. ” - Thứ trưởng Trường cho biết thêm.

Quỳnh Anh