1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng: Phải có cơ chế quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước Mê Kông

(Dân trí) - “Ủy hội sông Mê Kông đã có quy định phát triển thủy điện, sử dụng nguồn nước phải thông báo cho các nước còn lại và phải tôn trọng quốc gia khác. Nhưng vì Trung Quốc và Myanma chưa vào Ủy hội, chỉ là đối tác nên vấn đề quản lý sử dụng nguồn nước, xả nước trên thượng nguồn Lan Thương vẫn chưa có”.

Ngày 28/3, bên hành lang Quốc hội – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí làm rõ những vấn đề liên quan đến việc khắc phục tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, chúng ta nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ các nước ở vùng thượng lưu sông Mê Kông?

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta phải vận động các nước trên lưu vực sông Mê Kông xả nước. Việc Trung Quốc xả nước là động thái tích cực trong sử dụng nước. Sau Trung Quốc là Lào cũng đang mở đập xả nước thủy điện ở các dòng sông nhánh của sông Mê Kông. Như vậy, lượng nước được tăng lên.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với đại biểu bên hành lang Quốc hội (Ảnh Việt Hưng)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với đại biểu bên hành lang Quốc hội (Ảnh Việt Hưng)

Vấn đề hiện nay là cần sử dụng làm sao cho hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông. Chúng ta đã có cơ chế của Ủy hội sông Mê Kông gồm 4 nước thành viên gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, Myanma và Trung Quốc là hai đối tác.

Tại Hội nghị Mê Kông - Lan Thương (dòng sông ở thượng nguồn sông Mê Kông của Trung Quốc) vừa qua, Ủy hội sông Mê Kông vốn có 4 nước, hiện muốn đưa thêm Trung Quốc và Myanma vào?

Trong Ủy hội sông Mê Kông có một số vấn đề quan trọng trong đó có quy định sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông vì điều này tác động trực tiếp đến tất cả các nước.

Hiện nay, Myanma và Trung Quốc chưa thuộc Ủy hội này nhưng chúng ta thống nhất một cơ chế hợp tác mới này. Cơ chế này là hợp tác giữa sông Lan Thương với Mê Kông và trên thực tế 6 nước trên dòng Mê Kông đang hợp tác, trong đó có 5 lĩnh vực ưu tiên, đáng lưu ý có phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, quản lý bền vững nguồn nước... Đây là cơ chế hợp tác mới, các nước đang đưa ra các dự án cụ thể để hiện thực hóa hợp tác này.

Nhìn chung, chúng ta đề nghị cần phải có cơ chế quản lý sử dụng bền vững nguồn nước Mê Kông vì đó là vấn đề quan trọng, tác động đến toàn bộ nguồn nước. Đây là cơ chế mới hoàn toàn. Trung Quốc cũng đã dành một số nguồn tài trợ để các nước trao đổi với nhau chứ không phải tài trợ cho không. Theo đó, các nước phải lập quỹ, phải có cơ chế hợp tác làm sao phục vụ tốt nhất cho việc phát triển dựa trên 5 ưu tiên hợp tác này.

Nhưng nếu phía thượng nguồn Trung Quốc vẫn tiếp tục xây đập thì Ủy hội sông Mê Kông có cơ chế gì để hạn chế, thưa Phó Thủ tướng?

Ủy hội sông Mê Kông đã có quy định phát triển thủy điện, sử dụng nguồn nước phải thông báo cho các nước còn lại và phải tôn trọng quốc gia khác. Nhưng vì Trung Quốc và Myanma chưa vào Ủy hội, chỉ là đối tác nên vấn đề quản lý sử dụng nguồn nước, xả nước trên thượng nguồn Lan Thương vẫn chưa có.

Được biết Liên hợp quốc có đợt vận động hỗ trợ các nước bị hạn hán, xâm nhập mặn. Vậy Việt Nam tiếp cận chính sách này như thế nào?

Năm nay biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Liên hợp quốc đưa các nước bị hạn hán, ngập mặn vào để hỗ trợ, nhưng hiện nay thì chưa nói rõ chính sách cụ thể như thế nào.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt