1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nước “sạch” hành dân đến khốn khổ

(Dân trí) - Vụ việc phát hiện hàm lượng Asen trong nước sinh hoạt ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính cao gấp 5 lần mức cho phép quả gây “sốc” cho nhiều người. Nhưng với những người dân sống ở khu đô thị hiện đại bậc nhất thủ đô này, kết quả đó cũng chỉ là thêm một bất ngờ về nguồn nước họ biết đã “bẩn” từ lâu.

Nước luộc rau đỏ như bã trầu

Những cư dân đầu tiên của khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính đã ở đây được hơn 2 năm. Và ngay thời gian đầu tiên, những dấu hiệu bất thường đã khiến họ “ngờ ngợ”, giật mình.

Chị Châu phòng 2001 (phòng số 1, tầng 20) nhà 24-T2 kể: Mỗi khi luộc rau muống, cho một hai quả sấu hay vắt một chút chanh vào là nước canh lập tức đỏ lên như nước bã  trầu. Dò la tìm hiểu hàng xóm, chị mới biết nhà nào cũng có món nước rau kiểu bã trầu như vậy.

Bà Bùi Thị Chi, phòng 1907 bổ sung thêm: Khi đun nước uống, đáy ấm lúc nào cũng đọng một lớp cặn dày, mặt nước đặc kín một lớp váng. Chén nước trắng ở bàn thờ cũng đóng cặn rất nhanh. Bát đĩa rửa xong, róc xuống một lớp nước cũng đọng “sỏi” trắng xóa. Nước cứng, còn quá nhiều tạp chất và bà Chi đoán đó là canxi. Đặc biệt, mỗi lần luộc thịt đều bị đỏ… Những “bất thường” này khiến bà Chi buộc phải “chơi sang”: dùng hoàn toàn nước đóng bình để nấu ăn cho gia đình!

Tất cả các hộ gia đình đã nhiều lần có ý kiến, “gây áp lực” đến đơn vị quản lý khu nhà (Công ty Vinasinco) và họ đã cho thau bể nước chung. Nước đỡ đóng cặn, váng hơn. Nhưng món canh rau muống đỏ như nước bã trầu, món thịt luộc đỏ như còn sống thì vẫn thế… Một số gia đình buộc phải tự “củng cố” thêm bằng các loại thiết bị lọc nước, chuyển sang ăn bằng nước tinh khiết đóng bình.

Riêng chị Châu vì muốn hiểu “kĩ” về nguồn nước của khu mình đã đi nhờ kiểm tra một số chất hóa học thông dụng: NO2, Mn, NH4. Kết quả cho thấy chỉ số NO2 và Mn ở mẫu nước lấy trực tiếp từ vòi đã cao hơn mức cho phép (cũ) 5 lần. Với mẫu nước lấy từ bình lọc nước của Mỹ (giá 4 triệu đồng/bình) thì lượng man-gan (Mn) dư đã loại bỏ được nhưng chất nitơrit (NO2) thì vẫn không khử hết được. Đó là nguyên nhân làm cho nước rau muống luộc và thịt luộc có màu đỏ.

Sau một thời gian mua nước bên ngoài về nấu nướng, gia đình chị Châu cũng chuyển đến nơi khác sinh sống, cho thuê lại căn hộ chung cư đẹp, tiện nghi.

Sẽ dùng nước “bẩn” đến năm 2008

Việc bà Bùi Thị Chi phòng 1907, tổ trưởng tổ dân phố nhà 24-T2 mang mẫu nước đi xét nghiệm ở Trung tâm phân tích công nghệ cao, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nước, đã được chuẩn bị tinh thần trước là khả năng nước bị ô nhiễm rất cao. Nhưng với kết quả hàm lượng Asen ở mức quá cao (0,05mlg/l, cao gấp 5 lần so với tiêu chuẩn nước sạch do Bộ Y tế ban hành) với lời giải thích chất này là tác nhân rất lớn gây ra bệnh ung thư thì bà cũng như mọi cư dân nhà 24-T2 đã phải thêm một lần bất ngờ. “Hôm qua, khi mắt thấy tai nghe, tôi mới thực sự phát hoảng” - bà Châu tỏ rõ sự lo lắng.

Trước đó ít hôm, một hãng tiếp thị sản phẩm bình lọc nước tới nhà bà, tiến hành kiểm tra sơ bộ mẫu nước bằng phương pháp điện phân cũng làm gia đình thực sự lo lắng. Sau khi điện phân, cốc nước lấy trực tiếp từ vòi trở nên đục như nước cống trong khi cốc nước lấy từ bình lọc vẫn trong.

Theo ông Phó tổng giám đốc Công ty Vinasinco Đỗ Đăng Tá - đơn vị cung cấp các dịch vụ dân sinh tại khu đô thị này, phải đến năm 2008, công ty này mới có thể cung cấp nguồn nước từ sông Đà thay cho nguồn nước ngầm hiện nay. Theo cách giải thích này, từ nay đến lúc đó người dân vẫn tiếp tục phải sử dụng nguồn nước rất “bẩn”.

Cần nói thêm, phát biểu trên chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Phó tổng giám đốc còn cho biết ông rất “áy náy” với thực tại trên, trước khi “chua” thêm một câu xanh rờn: “Cuộc đời này như thế”. Câu nói đã khiến nhiều người xem ngỡ ngàng và theo bà Chi, câu nói thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết và thiếu cả… văn hoá của một người giữ vị trí lãnh đạo một công ty lớn.  

Phương Thảo - Mạnh Cường