1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Nông dân thuê trí thức… làm rẫy

Mười ba nông dân cùng ký hợp đồng thuê một kỹ sư nông nghiệp để chuyển giao kỹ thuật trồng rẫy, nhờ đó hiệu quả sản xuất tăng thấy rõ. Đó là chuyện xưa nay hiếm của nông dân Nam Bộ.

13 nông dân thời hiện đại nói trên cùng là người Khmer ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Người được thuê là thạc sĩ - kỹ sư nông nghiệp Phạm Chí Tùng, trưởng bộ môn trồng trọt và phát triển nông thôn - Trường Đại học Trà Vinh.

 

Lãi gấp ba so với cách làm cũ

 

Hợp đồng này xuất phát từ mô hình trồng màu do Oxfam kết hợp với dự án “Sinh kế bền vững cho người nghèo” của tỉnh Trà Vinh và Trường Đại học Trà Vinh triển khai tại xã Hòa Ân, vừa kết thúc hồi tháng 2/2009. 13 nông dân nói trên được tham gia mô hình này.

 

Theo đó, mỗi người dành 1.000 m2 đất để trồng khổ qua, cà chua, dưa leo và ớt. Sau gần 4 tháng, mỗi hộ đạt lợi nhuận từ 5 - 9 triệu đồng/1.000 m2 đất trồng, cao gấp 3 lần so với cách trồng màu truyền thống của nông dân địa phương. Theo tư vấn của thạc sĩ Phạm Chí Tùng, 13 nông hộ này hạn chế triệt để việc sử dụng phân bón, thuốc hóa chất, tăng cường dùng phân hữu cơ, phân vi sinh..., từ đó giảm chi phí đầu tư 40%.

 

Từ thành công đó, 13 nông dân này bàn góp tiền tiếp tục thuê thạc sĩ Tùng để được ông chuyển giao kỹ thuật trồng màu. Theo hợp đồng đã ký, cứ trồng màu 1.000 m2 đất thì mỗi người trả cho thạc sĩ Tùng 100.000 đồng với điều kiện kỹ sư này phải trực tiếp ra đồng cùng nông dân mỗi tuần một ngày.

 

Nhiệm vụ của ông Tùng là chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và tư vấn cho nông dân chọn trồng những cây màu phù hợp với nhu cầu thị trường để tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh phát triển tự phát, manh mún.

 

Nông dân thuê trí thức… làm rẫy - 1

Thạc sĩ Phạm Chí Tùng (bìa trái) hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác rau màu

 

Hợp đồng chuyển giao kỹ thuật có thời hạn 6 tháng. Trong thời gian đó, ông Tùng thường xuyên cùng các hộ dân kiểm tra, khảo sát từng thửa ruộng. Mỗi nông hộ tự đánh giá về thửa ruộng của mình và của các hộ khác trước, sau đó ông Tùng đưa ra nhận xét của mình và tư vấn cho bà con.

 

Cũng theo hợp đồng, bên A (nông dân) có quyền chấm dứt hợp đồng với bên B (“thầy” Tùng) nếu hết nhu cầu; đổi lại, các nông hộ cam kết làm theo chỉ dẫn của “bên B”, được “bên B” bảo đảm nếu làm đúng kế hoạch thì sẽ không lỗ.

 

Thạc sĩ Phạm Chí Tùng cho biết khi tham gia thực hiện dự án “Sinh kế bền vững cho người nghèo” ở xã Hòa Ân, ông từng thất bại do người dân chưa tin. Nhờ kiên trì ra đồng cùng bà con và chịu khó tìm tòi, ông đã thuyết phục được họ làm theo hướng dẫn của mình và đạt kết quả khả quan.

 

Ông Tùng hiện đang tìm cách hợp tác với dự án để đưa sản phẩm của bà con vào bán tại hệ thống các siêu thị.

 

Nhân rộng điển hình

 

Ông Thạch Sết, một trong 13 người ký hợp đồng thuê thạc sĩ Phạm Chí Tùng, phấn khởi nói: “Nhờ có “thầy” Tùng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nên vườn rẫy nhà tôi phát triển rất nhanh, năng suất đạt cao gấp 3 lần, lãi được gần 9 triệu đồng. Hồi trước, lúc chưa thuê thạc sĩ Tùng, mỗi vụ cà chua tôi đầu tư chi phí rất cao nhưng hiệu quả lại thấp”.

 

Ông Trương Thiên Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Ân, nhận xét: “Chuyện những nông dân tổ trồng màu ở ấp Trà Kháo mạnh dạn thuê kỹ sư nông nghiệp để làm ăn là một nét mới, rất đáng phấn khởi. Từ mô hình này, địa phương sẽ sớm tiến hành nhân rộng và đứng ra làm cầu nối giữa nông dân với trí thức nếu nông dân có nhu cầu nhằm góp phần nâng cao đời sống bà con”.

 

Xã Hòa Ân đang có kế hoạch lập thêm 3 tổ trồng màu với 66 thành viên ở ấp Sóc Kha. Khi đó, tại các ấp vành đai của xã Hòa Ân sẽ hình thành mô hình trồng màu chất lượng và sản lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song đó, chính quyền còn chú trọng mở rộng đầu mối tiêu thụ rau sạch tại các siêu thị và trung tâm chợ đầu mối...

 

Theo Đức Khánh

 Người lao động