1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những tấm lòng bình dị “chắp cánh” cho sự học

(Dân trí) - Quần quật làm lụng, nhịn ăn nhịn mặc cho 7 con đi học; Thời buổi “tấc đất tấc vàng” vẫn tặng hơn 13.000m2 đất để xây trường; Dành chỗ cho học sinh nghèo ở trọ… là nghĩa cử của những tấm gương tiêu biểu dự ĐH Thi đua Khuyến học toàn quốc lần thứ II.

Chỉ có kiến thức mới xoay chuyển được cuộc đời! - Ông Lý Quốc Đâu, dân tộc Nùng, thôn Kha Phoòng, xã Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
 
Những tấm lòng bình dị “chắp cánh” cho sự học - 1
 
Ông Lý Quốc Đâu
Từ bộ đội trở về, tôi lấy vợ, sinh được 7 người con. Cuộc sống nơi tôi ở là xã nghèo nhất huyện, từ thôn Kha Phoòng tới xã Ngân Sơn 9 cây số, phải qua nhiều đèo, vượt nhiều suối mới đến được. Gia đình chúng tôi chủ yếu sống bằng ngô, khoai, sắn… nhiều năm mất mùa, vợ chồng tôi phải lên rừng kiếm củ mài cho các con ăn. Cái nghèo quanh quẩn không lối thoát và nhìn các con thơ ngày một lớn lên trong sự thiếu thốn mà lòng tôi lại thấy đau nhói.

Là người đã từng xông pha trận mạc nên tôi nhận ra rằng chỉ có kiến thức mới xoay chuyển được cuộc đời. Từ ý nghĩ đó, tôi mới xây dựng cho các con ý thức học tập, tôi và vợ quyết tâm sẵn sàng hi sinh mọi thứ để cho con được cắp sách đến trường như bạn bè.

Do trường ở xa, các cháu đến trường phải qua rừng, lội suối nên sáng nào chúng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng, chuẩn bị cơm nắm và đốt đuốc để đưa các con đến trường rồi quay về làm việc. Do 7 người con cùng đi học sát nhau nên vợ chồng tôi làm quần quật cả ngày không đủ ăn. Tôi đã đi làm thuê, thậm chí lên cả bãi đào vàng mong sao kiếm được ít tiền cho con ăn học.

Có năm 4 người con của tôi đều học Đại học, để có tiền gửi cho con, vợ chồng tôi mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng, ăn cũng không dám ăn, sợ con đói nên ki cóp tất cả gửi cho chúng. Có lúc con gọi xin tiền, nhà không có tôi chạy ra tận ngoài xã để vay mượn anh em, bán từng cân thóc, con gà, con vịt để gửi cho con. Rất may, bây giờ có vốn vay của nhà nước đã giúp vợ chồng tôi vơi đi nỗi lo lắng.

Vất vả là vậy nhưng các con tôi rất ngoan và học giỏi, năm nào các cháu cũng có giấy khen. Tôi chỉ mong con ra trường có công việc ổn định là tôi mãn nguyện lắm rồi.

Có chữ tôi làm ăn khá giả hơn! - Ông Sùng A Giống, dân tộc Mông, xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình

 
Những tấm lòng bình dị “chắp cánh” cho sự học - 2

Ông Giống gọi điện cho người thân thông báo đang dự ĐH Thi đua Khuyến học toàn quốc lần thứ II
Ngày xưa, nhà tôi nghèo lắm, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, suốt ngày theo cha mẹ làm nương nên không được đi học. Do chăm chỉ làm việc nên nhà tôi có rất nhiều lúa và trâu bò. Lớn lên, tôi lấy vợ và sinh được 2 đứa con.

Khi con đến tuổi đi học, tôi lo lắm vì xóm Pà Háng Lớn xa trung tâm xã nên không có trường lớp để học. Tôi không muốn các con tôi và trẻ con trong xóm mù chữ như tôi nên rủ thanh niên và những người trong xóm lên rừng chặt cây về dựng được 1 lớp học. Khi có lớp học, chúng tôi đã bàn nhau thuê cô giáo lên dạy cho các cháu.

Tôi cũng đăng ký đi học lớp xoá mù chữ để biết tính toán về làm ăn chứ không làm ruộng nữa. Vì có chữ nhiều thì làm cán bộ, chữ ít thì đi buôn, không có chữ thì làm ruộng.

Học được cái chữ, tôi làm ăn khá giả hơn thì mọi người trong xã “bắt chước” cùng rủ nhau đi học. Tôi cũng đã hướng dẫn tuyên truyền và giúp nhiều người học theo.

Thế là cả bản tôi đi học, ai cũng biết chữ, biết tính toán, cuộc sống đỡ nghèo hơn. Làm ăn có chút tiền tôi đã giúp xã sửa đường và trường học cho các cháu học, mong sao không cháu nào bỏ học. Các con tôi bây giờ đều lớn cả, cháu đầu đã vào Đại học, cháu thứ 2 vừa thi Đại học xong. Tôi đang rất hạnh phúc!

Thu gọn nơi thờ Phật, dành mọi ưu tiên cho các học sinh nghèo - Đại đức Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh, thị trấn Thủ Thừa, tỉnh Long An 

 

Những tấm lòng bình dị “chắp cánh” cho sự học - 3

Đại Đức Thích Quảng Tâm
Hơn 10 năm qua, chùa Long Thạnh đã giúp đỡ, nuôi dưỡng gần 500 học sinh nghèo, cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng hàng trăm chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo không có điều kiện theo học.

Tại đây ngoài giờ học chính khoá ở trường các em được chia thành 7 tổ tự quản theo cách, học sinh lớn có trách nhiệm kèm cặp, chăm sóc học sinh bé trong thời gian tự học, sinh hoạt. Với tổng diện tích 4.000m2, chùa chỉ dành khoảng trên 300m2 làm nơi chánh điện thờ cúng Phật, phần còn lại dùng làm nơi ăn, ở và phòng vi tính gồm 20 máy, phòng sinh hoạt kiêm thư viện, sân chơi và nơi hoạt động thể lực của các em học sinh.
 
Bên cạnh việc dạy kiến thức phổ thông, chùa còn tổ chức dạy cài đặt, sửa chửa máy vi tính cho các em có trình độ cấp 3 để khi các em không có điều kiện học tiếp cũng có một nghề căn bản để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Đại đức Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh, tâm sự: “Vào mùa nước lũ năm 1984, một số trẻ em nghèo ở vùng sâu đến chùa xin ở trọ để đi học ở thị trấn Thủ Thừa. Các em đều có hoàn cảnh khác nhau, cháu mồ côi cha, mẹ, cháu bị bỏ rơi, hoàn cảnh rất éo le. Khi đó, khuôn viên chùa rất chật hẹp chỉ khoảng 300m2 tôi và các cháu đều ăn ngủ, sinh hoạt ngay nơi thờ Phật, sau đó một số Phật tử cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của chùa đã hiến hơn 3.000m2 đất để làm nơi ăn, ở, sinh hoạt cho các cháu. Hiện nay, đã có nhiều cháu học đại học. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”.

Học, học nữa, học mãi cho trí tuệ con người hiểu biết, chín chắn hơn - Đó là câu mà thầy Thích Quảng Tâm thường xuyên dăn dạy các cháu học sinh và tuyên truyền cho Phật tử.

Kiên quyết không bán đất, để tặng xây trường - Bà Tân Thi Ên, năm nay đã 82 tuổi ở Ấp 9, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Những tấm lòng bình dị “chắp cánh” cho sự học - 4
Bà Tân Thi Ên cùng cháu ngoại đến dự ĐH Thi đua Khuyến học
 
Mặc dù đã 82 tuổi nhưng bà Ên vẫn còn minh mẫn và rất tâm huyết với công tác khuyến học. Bà đã hiến tặng hơn 13.000m2 đất để địa phương xây trường.

Bà Ên tâm sự: “Địa phương tôi ở hồi trước nghèo lắm, không có trường lớp, các cháu phải đi học rất xa. Đã nghèo mà không được học thì tội lắm, mai sau không biết làm gì. Do vậy, tôi đã lấy đất cha mẹ để lại tặng cho chính quyền xây trường cho các cháu học”.

Được biết, bà hiến đất từ năm 1993, thời đó gia đình bà Ên rất nghèo. Ông bà chỉ làm ruộng nhưng có tới 8 người con. Để cho các con được ăn, học, ông bà đã nai lưng ra làm, thậm chí phải đi làm thuê, làm mướn để cho các con được học.

Hiện nay, bà Ên còn hơn 30.000m2 đất, có rất nhiều người nài nỉ đến mua nhưng bà không bán và bà để cho những người nghèo, không có đất nương nhờ. “Tuy nhà nhiều đất nhưng do cha mẹ để lại nên tôi quyết tâm không bán để làm việc thiện” - bà Ên cho hay.

Được biết, hiện nay 8 người con của bà đều đã thành đạt. Bà dành thời gian cuối đời của mình để giúp đỡ người nghèo. Vừa qua, nhiều lần bà đã dành hàng tấn gạo để ủng hộ, giúp đỡ người nghèo.

Hồng Hạnh