1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhật hoàng nhấn mạnh nét tương đồng văn hóa Việt-Nhật

(Dân trí) - Trong các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam, Nhật hoàng luôn nhấn mạnh mối liên hệ lịch sử cũng như nét tương đồng văn hóa giữa hai nước, coi đó như một nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác hữu nghị.

Hôm nay, 2/3, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến Việt Nam; coi đây là dấu mốc quan trọng, đáng ghi nhớ, biểu tượng trong quan hệ hợp tác hữu nghị thân thiết giữa hai nước; cảm ơn tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm sâu sắc mà Nhà vua, Hoàng hậu và Hoàng gia Nhật Bản dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, ở vị trí là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chiều ngày 2/3 (Ảnh: Tiến Tuấn)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chiều ngày 2/3 (Ảnh: Tiến Tuấn)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao vai trò và sự đóng góp hiệu quả của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam; bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng chuyến thăm Việt Nam lần này của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản bày tỏ vui mừng khi tới thăm Việt Nam, xúc động trước sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm của Lãnh đạo, nhân dân Việt Nam, Nhà vua và Hoàng hậu đã cảm ơn tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản thông qua việc bảo tồn và giữ gìn các di tích và kiến thức của Nhật Bản tại Hội An, và sự hỗ trợ của nhân dân Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011.

Hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ việc hai nước có sự giao lưu lịch sử, nhiều nét tương đồng về văn hóa như trồng lúa nước, nuôi tằm, dệt vải và đều yêu chuộng hòa bình; cho rằng đó là nền tảng cần giữ gìn, thúc đẩy để phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Cuối buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Nhà vua và Hoàng hậu có chuyến thăm thành công với nhiều kỷ niệm đẹp về đất nước, con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; trân trọng mời các thành viên Hoàng gia Nhật Bản thăm Việt Nam dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2018 và bày tỏ mong muốn sớm được gặp lại Nhà Vua và Hoàng hậu trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản thời gian tới .

Tại Quốc yến ở Phủ tịch tối qua, 1/3, Nhật Hoàng đề cập tới giao lưu lịch sử giữa hai nước từ thế kỷ thứ 8 khi nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp, nay là Miền Trung Việt Nam đã tới hiến vũ nhân lễ cúng đường Khai nhãn Đại Phật được tổ chức tại Nara, kinh đô Nhật Bản thời kỳ đó. Âm nhạc của Lâm Ấp thời đó vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản hiện nay.

"Lần này, tôi được tới thăm Huế, cố đô của Việt Nam thời nhà Nguyễn, cũng là nơi Lâm Ấp một thời phồn thịnh. Chính tại nơi này, tôi rất mong sớm được thưởng thức nhã nhạc Việt Nam, một loại hình âm nhạc cùng chia sẻ nguồn gốc với nhã nhạc của Nhật Bản", Nhật hoàng nói.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, rất nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An, một thương cảng quốc tế phồn vinh ở miền Trung Việt Nam thời kỳ đó, khu phố Nhật Bản cũng dần được dựng lên tại đây.

Nhật hoàng cũng nhắc phong trào “Đông du” đầu thế kỷ 20 đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản.

Nam Hằng