1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân chứng kể chuyện cứu hộ xe khách thảm nạn

(Dân trí) - “Chiếc xe lật ngửa trên sông, đầu cắm xuống nước. Những người ngoi được ra ngoài, người kẹt tay, người kẹt chân, rất khó để lôi ra. Cảnh tượng trong xe rất thương tâm. Phía đuôi xe gần như không ai sống sót…”

Trưa nay, 18/5, PV Dân trí quay lại hiện trường vụ lật xe khách bên bờ sông Sêrêpôk, tiếp cận các nhân chứng đầu tiên chứng kiến sự việc. Những người tham gia cứu hộ vẫn bàng hoàng sau khi chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc.
Nhân chứng kể chuyện cứu hộ xe khách thảm nạn

Anh Nguyễn Sỹ Kiên (18 tuổi, thôn 6, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thuật lại, khoảng 22h15 phút, đang học bài vừa dùng điện thoại nhắn tin cho bạn, anh bất chợt nghe một âm thanh phát ra như tiếng bom, không biết xuất phát từ đâu. Cả gia đình hoảng hốt bổ nhào ra ngoài.

Sau phút phân vân xác định nơi phát ra âm thanh, ông Nguyễn Sỹ Hùng, bố anh Kiên, chạy ra đường tiến về bờ sông thì thấy chiếc xe lật ngửa, chúi đầu xuống sông. Theo chân bố chạy ra, anh Kiên thấy một em nhỏ ì ạch bò ra ngoài cửa xe. Phía trong, 2 cháu bé khác một đã gãy tay, một gãy chân quằn quại đau đớn, nhìn rất thảm thương.

Chừng khoảng 5 phút bà con trong thôn cũng ra đến nơi, công tác cứu hộ lập tức được triển khai. Mọi người rất khẩn trương. Khi một người được kéo ra khỏi xe, những người khác liền giúp bồng lên bờ, sơ cứu tại chỗ. Ai gãy tay, gãy chân thì dùng nẹp buộc tạm lại, ai chảy máu dùng vải buộc chặt các vết thương.

Chừng 15 phút sau Cảnh sát giao thông đến hiện trường. Khoảng 1 giờ sau tai nạn, lực lượng cứu hộ, cơ động cũng có mặt tại nơi xảy ra tai nạn.

Anh Lê Văn Hiếu - nhà cách vị trí xảy ra tai nạn khoảng 30 mét, một trong những người đầu tiên phát hiện chiếc xe đâm vào thân cầu và lao xuống sông, giọng vẫn đầy kinh hãi: “Lúc đó gia đình tôi vẫn chưa ngủ, tôi nhìn đường thì thấy xe chạy tốc độ rất nhanh lao vút qua cổng nhà. Trong tích tắc một âm thanh “rầm, rầm, rầm…” nổ điếc tai. Nghi chiếc xe bị tai nạn, tôi cùng đứa con trai chạy ra đường nhưng không thấy chiếc xe đâu cả” – anh Hiếu thuật lại.

Chạy về phía lan can cầu nhìn xuống sông, anh thấy chiếc xe đã lật ngửa dúi đầu xuống nước. Hàng lan can cầu bị xé toang, vỡ vụn… Anh Hiếu quá hoảng, la hét thất thanh gọi bà con trong xóm thông báo có xe khách gặp nạn.

“Lúc đó vẫn chưa có ai, 2 cha con tôi thấy ai thò ra ngoài cửa xe thì cầm lấy tay, lấy chân, gắng hết sức kéo thật mạnh. Nhưng các nạn nhân, người bị kẹt tay, người bị kẹt chân, rất khó khăn trong việc đưa ra ngoài. Nhìn vào bên trong chiếc xe, khung cảnh thảm thương vô cùng. Nhiều người bị ghế đè. Các vật dụng nặng chồng lên nhau ngổn ngang trong cabin. Rất nhiều hành khách khắp người máu me, chấn thương rất nặng” – anh Hiếu nghẹn lời kể.

Chiếc xe bị nạn theo quan sát của nhân chứng này, phần đầu chúi xuống ngập trong nước sông khoảng 3 mét, đuôi xe một phần nằm trên bờ. Phía đuôi xe, những người ngồi vị trí hướng cửa vào hầu như không sống sót.
Nhân chứng kể chuyện cứu hộ xe khách thảm nạn

Lúc này chưa có lực lượng cứu hộ đến, trong khi hàng chục người đang kêu cứu trong khoang xe. Bà con tự phân cử nhau, người chạy về nhà lấy xà beng, cuốc xẻng, búa tạ, dùi cui… đập nát cửa xe để giúp người bị nạn phía trong chui ra. Tuy nhiên, phần thành xe, cửa xe bằng sắt rất cứng, một vài nhát búa tạ đầu tiên quai xuống không ăn thua, phải bổ mạnh liên hoàn các thanh sắt mới dẹp đi. Với xà beng, 2 -3 người hợp lực mới cạy nát được khe cửa, lần lượt các cửa cũng được phá thành công.

“Nhưng khi đó, chỉ vài người có đủ sức khỏe mới gồng mình bò ra được phía ô cửa, thân thể loang lổ máu… Cảnh tượng thảm thương không kể được” – anh Hiếu khái quát, gần như trong 1 giờ đầu sau tai nạn kinh hoàng, công tác cứu hộ do nhân dân địa phương hợp sức làm.

Do việc cứu nạn hoàn toàn bằng phương tiện thủ công, nên phía đầu xe bị ngập dưới sông, người dân không thể tiếp cận ứng cứu. Khoảng vài giờ sau, xe cứu hộ cẩu được xe khách lên bờ mới có thể tiếp cận nạn nhân ở phía này. Tuy nhiên, khi đó, các nạn nhân hầu như đã tử nạn, tái xế cùng phụ xe đều thiệt mạng.

Trong khi mọi người khẩn trương cứu người, chị Vũ Thị Quý (46 tuổi, vợ anh Hiền) thamg gia chặt cây, phát quang các khu vực rậm rạp bên bờ sông để thuận đường đưa người lên bãi sơ cứu tại chỗ. Chị Quý nói: “Lúc đó chẳng biết mệt là gì nữa, cầm cuốc phát hết mấy đám cây rậm cùng bà con hy vọng cứu sống người nào hay người đó…”.

May mắn sống sót cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, anh Trần Bá Tiến (47 tuổi, trú Sông Hin, Phú Yên) vẫn chưa hoàn hồn khi thuật lại: “Khoảng 6 giờ tôi lên xe tại huyện Ma Đ’rắk đến khu vực xảy ra tai nạn khoảng hơn 10 giờ đêm, lúc đó tôi đang ngủ nhưng khi chiếc xe lao xuống vực cứ nghĩ là xe chạy nhanh, không hề nghĩ chuyện rủi ro. Khi tỉnh lại, thân người một nửa lọt ra ngoài, hai chân vẫn nằm trong xe. Tôi miên man không biết gì... Chừng khoảng một lúc sau mắt nhìn thấy một vài người dùng phương tiện cắt thành xe đưa tôi ra ngoài”.

Anh lặng đi một lúc lâu rồi nói tiếp: “Hoảng sợ là cảm giác duy nhất trong tôi lúc này, thoát được kiếp nạn này tôi thấy mình gặp may mắn. Tôi xin chia buồn sâu sắc đến những người không may trên cùng chuyến xe. Quả thật thảm họa khôn lường…!”.

Trưa 18/5, Bác sỹ Nguyễn Đại Phong - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk cũng cho biết, hiện vẫn còn 6 thi thể xấu số đang nằm ở Nhà xác Bệnh viện chưa có thân nhân đến làm thủ tục xác nhận. Hiện số bệnh nhân nằm ở Khoa cấp cứu 6 ca, Khoa nội trú 15 ca, Khoa ngoại tổng quát 6 ca, Khoa chấn thương chỉnh hình 6 ca, Khoa ngoại thần kinh 2 ca, Phẫu thuật gây mê hồi sức 1 ca đã mổ, rất nặng, tiên lượng tử vong.
 

Phó Thủ tướng lệnh khẩn trương cứu hộ

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã báo cáo Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Xuân Phúc về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại sông Serepok (Đắk Lắk) tối qua (17/5). Phó Thủ tướng chỉ đạo thành lập đoàn công tác vào tận nơi xảy ra vụ tai nạn phối hợp với địa phương thực hiện công tác cứu nạn.

Trong sáng nay, 18/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam được cử làm trưởng đoàn công tác của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ đã đến hiện trường vụ tai nạn, thăm hỏi người bị thương, gia đình có người chết và phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết vụ tai nạn.

Theo xác định ban đầu, điều kiện đi lại tại nơi xảy ra tai nạn không có gì bất thường, các hệ thống báo hiệu vẫn hoạt động tốt. Thứ trưởng Đông cho biết, xe bị tai nạn đã lắp thiết bị giám sát hành trình, đó là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng sẽ lấy thiết bị giám sát để xác định tốc độ và nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định đây là vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng. Tối qua, khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ GTVT đã chỉ đạo lực lượng tham gia cùng các ban ngành địa phương khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn.

Về công tác khắc phục an toàn và đảm bảo lưu thông trên tuyến Quốc lộ 13, Thứ trưởng Đông lưu ý, việc trước tiên là phải khắc phục lan can cầu Serepok, điều tiết giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt trên Quốc lộ 14.

Như Quỳnh

Viết Hảo