1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngã tư Vọng: Quy hoạch một đằng, làm một nẻo

Hầm bộ hành là hạng mục khởi công đầu tiên của dự án xây dựng, cải tạo nút giao thông Ngã tư Vọng. Sau 5 năm thi công, hạng mục này buộc phải dừng lại vì một lý do hết sức hài hước: Không đúng quy hoạch!

5 năm mới biết... sai quy hoạch!

 

Hạng mục gồm khoảng 200m hầm (rộng trên 2m, cao trên 3m, có đáy nằm sâu dưới lòng đường 6m) và 4 cửa hầm.

 

Sau hai lần chuyển nhà thầu thi công từ Công ty Sông Đà 8 sang Công ty Constrexim (Bộ Xây dựng) đến nay, hạng mục này mới thi công được 40%.

 

Nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ như thiếu mặt bằng, năng lực thi công, sự “phản ứng” của người dân... Nhưng mới đây nhất, chủ đầu tư (Ban quản lý các dự án trọng điểm) đã phải thừa nhận: Công trình khó có thể thi công vì không phù hợp quy hoạch! 

 

Tại cửa hầm C ( gồm 2 cửa - được thi công cơ bản xong từ tháng 11/2005) hiện đang được phủ một lớp lưới B40 đã hoen gỉ. Đáy hầm là một con mương, trên mặt nước đen ngòm người ta thấy nổi lên nhiều rác rưởi. Ước chừng đáy hầm đã bị ngập khoảng 80cm nước.

 

Để xuống đáy hầm, người ta phải đi qua những bậc tối hun hút, ngột ngạt. Tóm lại, hai cửa hầm C đang trở thành một sản phẩm quái dị nằm chềnh ềnh giữa Ngã tư Vọng. Vì sao chúng lại không thể sử dụng được?

 

Ngoài việc chúng chưa được thông với chỗ nào, còn do hai cửa hầm này nằm sát ngay nhà dân. Nếu rút hàng cọc cừ thi công cửa hầm, lập tức nhà dân bị lún. Vì lẽ đó lại thêm một hàng cọc cừ sắt lổn nhổn mọc lên lối đi chưa biết xử lý thế nào?!

 

Tuy vậy, cửa hầm C được xem là cửa hầm “đúng quy hoạch nhất”. Các cửa hầm  A, B và D còn tệ hại hơn. 

 

Cửa hầm A sau khi được “cắt bớt” một cửa vì sát nhà dân quá, cửa còn lại vẫn nằm trong hiên số nhà 265 Giải Phóng. Từ mép ngoài cửa hầm đến cửa nhà dân là 75 cm. Như vậy, có tài mấy nhà thầu cũng không thể đào hầm sâu 6m. Hơn nữa, cửa hầm này sẽ sử dụng thế nào khi nó mở sát cửa nhà dân?

 

Cửa D cũng trong trường hợp tương tự. Nếu thi công, nhà thầu buộc phải dỡ ngôi nhà số 41 đường Trường Chinh mới đóng được cọc cừ...

 

Sai lầm căn bản của hạng mục này không chỉ bởi việc thiết kế cửa hầm sát ngay nhà dân mà còn bởi các cửa hầm sẽ "mọc" lên giữa ngã tư và không thể sử dụng được vì sai quy hoạch.

 

Sẽ phải tạm dừng!

 

Trong biên bản lập ngày 27/3/2006 giữa Bộ GTVT và các Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở KHĐT, Sở GTCC, Sở Tài chính, Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện nhà thầu, tư vấn JBSI, và chủ đầu tư có thống nhất: Vị trí các cửa hầm A, B, D nằm trong phạm vi nút nhưng không phù hợp với vị trí quy hoạch lâu dài.

 

Trong trường hợp tiếp tục phải thi công hầm, chủ đầu tư phải có biện pháp đảm bảo sinh hoạt và tài sản của  các hộ dân trong phạm vi dự án. Về việc tạm dừng thi công các khối lượng còn lại của hầm, chủ đầu tư phải báo cáo UBND TP xem xét quyết định.

 

Hạng mục hầm bộ hành có mức đầu tư ban đầu 16 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần thay đổi, đến nay mức đầu tư của hạng mục này lên khoảng 21 tỷ đồng. Hiện theo chủ đầu tư, nhà thầu đã xây dựng được 84m (khoảng 40% gói thầu).

 

Theo quy hoạch hiện nay, nút giao thông Vọng có quy mô lớn gần gấp đôi nút hiện có với việc mở rộng đường Đại La, Trường Chinh, Giải Phóng.

 

Theo đó các cửa hầm này (được thiết kế năm 2001) sẽ nằm... giữa ngã tư!? Cụ thể, nếu theo quy hoạch, vị trí cửa hầm D, sẽ phải lùi xa tâm ngã tư thêm khoảng 35m nữa, cửa hầm  A phải xa tâm nút 30m và cửa hầm B giãn khỏi tâm nút khoảng 40m.

 

Trong trường hợp các cửa hầm vẫn tiếp tục được thi công đương nhiên chúng sẽ chỉ để “đắp chiếu”. Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi nút giao thông cũng làm cho thiết kế hệ thống đường hầm bộ hành cũ trở nên lỗi thời.

 

Vì lẽ đó nếu tiếp tục thi công sẽ gây thất thoát, lãng phí lớn vì công trình sẽ không thể sử dụng được. Nhưng nếu tạm dừng thi công? Chủ đầu tư cũng cần một khoản kinh phí lớn để “lấp” hầm và duy tu những phần hầm đã thi công.

 

Hơn thế, với việc mở rộng nút theo quy hoạch lâu dài, thành phố sẽ phải chi  nhiều tỷ đồng để đền bù những căn hộ hiện đang là mặt tiền.

 

Đại diện chủ đầu tư cho biết, việc thu hồi đất cho dự án được thực hiện từ năm 2001 và được căn cứ vào bản đồ lập tháng 7/2001. Tuy nhiên bản đồ này mới chỉ được Kiến trúc sư trưởng thành phố đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt (?).

 

Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục chuẩn bị tài liệu về dự án để báo cáo thành phố xin ý kiến chỉ đạo. Qua sự việc này dư luận bức xúc và đề nghị TP Hà Nội cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.

 

Theo Phùng Sưởng

Tiền Phong