1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Người dân ở TPHCM thích thú chiêm ngưỡng mây ngũ sắc

An Huy

(Dân trí) - Đám mây ngũ sắc bất ngờ xuất hiện trên bầu trời tại TPHCM vào chiều cuối tuần khiến nhiều người thích, dùng điện thoại ghi lại khoảnh khắc đẹp chia sẻ lên mạng xã hội.

Khoảng 16h ngày 12/5, nhiều người sống tại các quận huyện trên địa bàn TPHCM bất ngờ thấy một đám mây ngũ sắc, tuyệt đẹp.

Người dân ở TPHCM thích thú chiêm ngưỡng mây ngũ sắc - 1

Mây ngũ sắc chụp từ góc nhìn chợ Bến Thành (Ảnh: Liên Nguyễn).

Đám mây ngũ sắc xuất hiện ở vùng trời phía tây TPHCM, khi mặt trời sắp lặn. Nhiều người đi trên đường, vui chơi tại một số công viên bắt gặp khoảnh khắc này liền lấy điện thoại chụp lại.

Chị Thu Thảo (28 tuổi, ngụ quận 11) cho biết sống ở TPHCM hơn 3 năm, đây là lần đầu chị chứng kiến mây ngũ sắc. "Tôi từng nghe nói mây ngũ sắc nhưng không ngờ nó đẹp như vậy", chị Thảo nói.

Người dân ở TPHCM thích thú chiêm ngưỡng mây ngũ sắc - 2

Mây ngũ sắc từ góc nhìn tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Huỳnh Như).

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Hùng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết mây ở vị trí cao nên hầu như mọi người ở khắp thành phố nhìn lên trời đều thấy được. Không chỉ ở TPHCM, người ở Đồng Nai cũng quan sát rõ.

"Hiện tượng thiên nhiên thật tuyệt đẹp. Ước gì mây xuất hiện mỗi ngày để mọi người được chiêm ngưỡng", anh Hùng bày tỏ.

Người dân ở TPHCM thích thú chiêm ngưỡng mây ngũ sắc - 3

Tại khu vực huyện Hóc Môn, mây ngũ sắc rực rỡ trong nắng chiều (Ảnh: Thanh Lam).

Nhiều Fanpage Facebook chia sẻ về hình ảnh mây ngũ sắc cũng nhận được hàng nghìn lượt like, chia sẻ, bình luận. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến gần 17h, mây ngũ sắc bị những đám mây khác che mờ và biến mất. 

Mây ngũ sắc (tên tiếng Anh là Cloud iridescence) là hiện tượng xuất hiện của màu sắc trong một đám mây. Nó là một hiện tượng khá phổ biến, thường thấy nhất trong mây trung tích, mây ti tích và mây ti.

Người dân ở TPHCM thích thú chiêm ngưỡng mây ngũ sắc - 4

Mây ngũ sắc là hiện tượng nhiễu xạ do các giọt nước hoặc tinh thể băng nhỏ riêng lẻ tán xạ ánh sáng (Ảnh: N.A).

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết bên dưới mây ngũ sắt chiều nay xuất hiện trên bầu trời TPHCM là đám mây trắng giống như hình bông cải. Đó là mây dông cực kỳ mạnh, hình thành sau những ngày nắng nóng trở lại.

Hiện tượng mây ngũ sắc xảy ra khi tia sáng mặt trời chiếu qua đám mây bị tán sắt. "Hơi nước tập trung dày đặc trong đám mây, tia bức xạ mặt trời xuyên qua tạo nên hiện tượng tán sắt. Trong ánh sáng trắng có 7 màu. Khi tán sắc, có một số màu bị mất đi, còn lại những màu nhiều hơn, chính vì vậy tạo thành những đám mây ngũ sắc", bà Lan nói.

Theo bà Lan, đây là một hiện tượng quang học, khi những khối mây dông phát triển dày đặc, báo hiệu một số nơi sẽ có những cơn mưa kèm theo gió gật, lốc, sét.

Đám mây này phát triển ở độ cao 6-7km trở lên, có khả năng lên 10km. Những hạt nước trong đám mây nhiều khi đã thành tinh thể băng, rất dễ rơi xuống. Khi rơi xuống đất tạo thành mưa đá. Hiện tượng mưa đá xảy ra không phải nơi nào cũng có, chủ yếu là dông, sét, gió giật.

Người dân ở TPHCM thích thú chiêm ngưỡng mây ngũ sắc - 5

Theo chuyên gia thời tiết, khi những khối mây dông phát triển dày đặc, báo hiệu một số nơi sẽ có những cơn mưa kèm theo gió gật, lốc, sét (Ảnh: P.T).

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết mây ngũ sắt là hiện tượng tự nhiên, xảy ra khi có sự nhiễu xạ ánh sáng. Thỉnh thoảng trong bầu khí quyển xảy ra hiện tượng này, khi các hạt mây hoặc các tinh thể băng có kích thước nhỏ cấu trúc riêng lẻ tán xạ ánh sáng.

Màu sắc trong mây khi hiện tượng này xảy ra không giống như hiện tượng cầu vồng (7 màu) theo dải phổ mặt trời, mà màu sắc trong mây ngũ sắc có khi nhạt, có khi rất sặc sỡ.

"Hiện tượng cầu vồng chúng ta chỉ có thể quan sát thấy chúng xuất hiện khi ta quay lưng với mặt trời, nghĩa là thường xuất hiện vào sáng hoặc chiều tối, góc quan sát là 42 độ, hay xảy ra khi trời vừa tạnh mưa, còn hiện tượng mây ngũ sắc ta có thể quan sát rộng hơn, ở bất kì vị trí nào", ông Quyết nói.