1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nam Trung Bộ:

Lũ cũ chưa qua, lũ mới đã tới

(Dân trí) - Trong khi cơn lũc vừa rút để lại hậu quả nặng nề cho huyện Nam Trà My (Quảng Nam), thì tại Phú Yên nước lũ đang dâng gây ngập lụt, cô lập nhiều nơi.

Quảng Nam: Huyện vùng cao Nam Trà My thiệt hại nặng
 
“Hiện nay, có 4 đoàn công tác của huyện đã đi về các xã vùng sâu vùng xa bị thiệt hại nặng để nắm tình hình và triển khai công tác giúp người dân khắc phục những thiệt hại do lũ gây ra” - chiều 20/10, trao đổi với PV Dân trí, Phó Chủ tịch UBND huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) Lê Ngọc Kích cho biết thông tin như trên.
 
Theo ông Kích, do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 15/10 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My có mưa lớn trên diện rộng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân.
 
Lũ cũ chưa qua, lũ mới đã tới - 1
Cứ đến mùa mưa lũ, trên địa bàn huyện Nam Trà My lại bị sạt lở nặng. Ảnh: Tuyến đường về các xã Trà Don, Trà Nam, Trà Linh…bị sạt lở nặng trong mùa mưa bão năm 2008

Mưa lớn làm nước lũ dâng cao tại ngầm cầu Sông Trường, cầu Nước Oa gây ách tắc giao thông, người và phương tiện không qua lại được, cô lập hoàn toàn huyện Nam Trà My từ ngày 18/10-19/10.

Trên tuyến đường ĐT 616 xói lở taluy âm nền đường, sạt lở đất đá ta luy dương gây ách tắc giao thông (đoạn khu vực Suối Đôi, tại km 90+100) với khối lượng khoảng 1.800m3. Qua 2 ngày khắc phục, đến 12h trưa ngày 20/10 mới cơ bản thông tuyến để các phương tiện lưu thông.

Các tuyến giao thông về các xã Trà Nam, Trà Tập, Trà Cang, tuyến Mai Vân Vinh đất đá sạt lở lấp đường, xói lở nền đường, cây cối ngã đỗ ách tắc giao thông… khối lượng khoảng 25.000m3. Cống thoát nước bị tắc khoảng 12 cái, các rảnh dọc nhiều chổ bị xói lở, hiện nay UBND huyện đã cử 4 tổ công tác về các xã đi kiểm tra thực tế khối lượng thiệt hại.

Riêng tuyến đường Nước Là đi Trà Don hư hỏng nặng, xói lở nền đường ở nhiều địa điểm theo chiều dài 10km và rảnh dọc bị xói lở hàng ngàn mét khối, các phương tiện lưu thông không đi lại được.

Các tuyến còn lại về các xã như Trà Dơn đi Trà Leng, xã Trà Nam đi Trà Linh nước các sông suối còn dâng cao chưa kiểm tra được.

Tuyến đường Nam Quảng Nam, địa phận Nam Trà My nhiều điểm sạt lở khối lượng lớn, cắt đường gây ách tắt giao thông, hiện các cơ quan của huyện đang xác định khối lượng bị sạt lở.

Tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 - Nước Xa (thôn 6, xã Trà Dơn), nước lũ dâng cao trình 170,2m gây ngập lụt toàn bộ khu dân cư. Hiện còn 2 hộ là Nguyễn Thanh Phong và Phan Văn Bửu đã chuyển lên đồi cao làm lán trại ở tạm chưa di dời.

Tại nóc Tắc Pong (thôn 1, xã Trà Linh), mưa to làm sạt lở núi do thi công đường Trà Nam - Trà Linh gây ảnh hưởng đến 11 hộ dân cư, đến nay các hộ này đã tạm di dời đi nơi khác.

Trên đoạn đường tại khu vực tổ 1 (thôn 2, xã Trà Mai), núi sạt lở nhiều chổ gây tràn lấp trên 2/3 mặt nền đường với chiều dài 200m có nguy cơ gây ảnh hưởng đến 12 hộ dân cư đang sinh sống phía taluy âm.

Đặt biệt, trong đợt lụt vừa qua, trên địa bàn huyện đã có 3 người chết do nước lũ cuốn trôi, trong đó có 2 công nhân từ nơi khác đến làm ăn và 1 người dân địa phương tên Hồ Văn Đia (trú thôn 5, xã Trà Cang).

Ngoài ra, theo ông Kích, hiện nay nhiều trường học, công trình thủy lợi, đường giao thông… đến nay vẫn chưa được thống kê được mức độ thiệt hại vì nước lũ trên các sông suối vẫn còn đang ở mức cao nên các đoàn công tác của huyện vẫn chưa tiếp cận được. Tuy nhiên theo ước tính của lãnh đạo huyện Nam Trà My, tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua lên đến trên 10 tỉ đồng.
 
Hiện lãnh đạo huyện Nam Trà My chuẩn bị lực lượng, lương thực, thực phẩm hỗ trợ sơ tán, di dời ở các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở núi để đề phòng mưa lớn trong thời gian tới.
 
Theo thông tin từ trường THCS Trà Leng, hiện có 100 em học sinh bán trú của trường này hiện rất khó khăn về nơi ăn chốn ở, nhất là trong những ngày mưa lũ lớn. Theo lãnh đạo huyện Nam Trà My cho biết, 100 em học sinh này đang trú sống trong hai căn phòng một dành cho các em nữ và một phòng danh cho các em nam được lót ván thay giường để ngủ, thiếu chiếu và tấm đắp, cuộc sống của các em này hiện rất thiếu thốn, nếu có thể thì nên giúp đỡ quần áo cũ hoặc tấm đắp để các em chống chọi với mùa đông sắp đến.

Phú Yên: Lũ đổ về dồn dập

Từ chiều ngày 19 đến chiều ngày 20/10, sau những trận mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về dồn dập, phong tỏa, chia cắt nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường ở huyện Tuy An và Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) làm người dân đi lại khó khăn và nguy hiểm.
 
Lũ cũ chưa qua, lũ mới đã tới - 2
Người dân huyện Đồng Xuân thuê người khiêng vác phương tiện vượt đoạn nước ngập (Ảnh: V.N)

Tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, nước lũ phủ trắng các cánh đồng. Một số khu dân cư thôn Giai Sơn, nước đã lém thềm nhà dân, gây ngập các hồ tôm và sạt lở nhẹ. Tại trục bê tông chính qua địa bàn này , nước chỉ còn cách mặt đường hơn 20cm và đang tiếp tục dâng nhanh. Từ xã An Định (huyện Tuy An) lên thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nước lũ đã tràn qua đường một đoạn dài gần 5 km, ngập sâu hơn 30 cm.

Đường lên xã An Xuân (Tuy An) cũng bị chia cắt, cô lập. Đến chiều ngày 20/9, cầu Cây Cam, Lò Gốm huyện Tuy An nước ngập sâu gần 1m, chia cắt giao thông. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, đã cử lực lượng ứng trực tại các địa bàn xung yếu, nghiêm cấm người dân qua lại các cầu, tràn bị ngập lụt, đồng thời triển khai lực lượng Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện về các địa phương kiểm tra, hỗ trợ phòng chống.

Đến thời điểm 15 giờ chiều ngày 20/10, tại huyện Đồng Xuân, nước lũ tiếp tục đổ về dồn dập gây ngập nhiều khu dân cư và trường học. Tại thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam, nhiều nhà dân đã bị nước lũ nhấn chìm, giao thông bị phong tỏa, tê liệt. Mọi hoạt động thông thương, đi lại bị ách tắc, một số nơi người dân phải dùng xuồng vận chuyển người, hoặc khiêng phương tiện vượt sông, suối vô cùng nguy hiểm.

Cầu Sông Cô, con đường độc đạo vào xã Xuân Sơn Bắc bị tê liệt, sạt lở, nước tiếp tục chảy xiết chia cắt giao thông. Cầu đường bộ (cầu Sắt) lên thị Trấn La Hai ngập sâu hơn 1m, nước lũ đổ về lưu lượng lớn, uy hiếp hai đầu cầu. Người dân phải đi bộ trên đường sắt Bắc – Nam tìm đường rẽ tránh lũ quét và thuê khiêng xe mô tô với giá 30.000/lượt. Các cầu Suối Tía, Suối Trầu qua địa bàn xã Xuân Phước đã bị nước lũ kiểm soát từ chiều ngày 19/10, gây cô lập, cách ly hoàn toàn với thị trấn La Hai.

Đến chiều ngày 20/10, trên địa bàn huyện Đồng Xuân tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, nhất là ở thượng nguồn, lũ tiếp tục tràn về làm mực nước sông Kỳ Lộ dâng nhanh. Tại các cầu, tràn nước chảy xiết và hung dữ, cuốn theo đất đá, cây cối uy hiếp các khu dân cư ven sông, suối.

Theo Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Phú Yên, dự báo trong 12 - 24 giờ tới mực nước các sông lên nhanh, có khả năng đạt và vượt báo động cấp III. Riêng sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng vượt trên báo động cấp III. Do phải hứng chịu liên tiếp nhiều đợt mưa lũ vừa qua, nên rất có khả năng các vùng hạ du sẽ tiếp tục bị ngập trên diện rộng.

 Công Bính - Văn Nhân