1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Kiến nghị xử lý vụ cấp gạo cứu đói cho... chủ tiệm vàng

(Dân trí) - Sau khi Dân trí phản ánh một số sai phạm trong cấp phát gạo cứu trợ ở xã Hồng Hóa và TT Quy Đạt (huyện Minh Hóa), Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình đã có báo cáo kết quả kiểm tra, kiến nghị thu hồi gạo cấp sai và xử lý tập thể, cá nhân sai phạm.

Theo báo cáo số 34/BC-SLĐTB&XH, khi có Quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phân bổ gạo cứu trợ, Sở đã có 2 công văn hướng dẫn các huyện, TP rà soát kỹ số hộ cần cứu đói và thực hiện việc cấp phát gạo đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng định mức (15 kg/khẩu/tháng) theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP.
 
Song, theo báo cáo, ở một số địa phương người dân còn mang nặng tư tưởng chia đều những quyền lợi do cấp trên hỗ trợ nên chính quyền một số xã, thị trấn đã thực hiện việc chia gạo bình quân, dàn trải để… an dân.
 
Cụ thể, tại xã Hồng Hóa, trong số 64,2 tấn gạo được phân bổ, xã đã đem cấp phát cho hơn 3.400 khẩu với định mức 18,83 kg/khẩu, khiến có tới 98,5% số khẩu toàn xã được nhận gạo, trong đó có cả gia đình Chủ tịch xã Cao Văn Hoan và cán bộ tư pháp Đinh Duy Khánh.
 
Tương tự, ở Thị trấn Quy Đạt, mặc dù đã được hướng dẫn cụ thể song vẫn xảy ra tình trạng cứu đói cho chủ tiệm vàng, sai định mức (thực phát 18,09 kg/khẩu) và trích gạo cứu đói để chi trả việc vận chuyển sai với quy định.
 
Cần nói thêm, đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra khá sơ sài ở 2 tiểu khu mà báo chí thông tin, do đó trong báo cáo của Sở đã không thể hiện hết các sai phạm ở Thị trấn Quy Đạt, trong đó có việc nhiều cán bộ Thị trấn cũng nhận gạo cứu đói và không có con số sai phạm cụ thể.
 
Sở LĐ-TB&XH xác định, ngoài trách nhiệm của các xã, thôn xảy ra sai phạm, UBND huyện Minh Hóa có trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, rà soát số hộ, khẩu đói cần cứu trợ và thiếu giám sát việc cấp phát gạo cứu trợ.
 
Sở đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo thu hồi số gạo cấp phát sai để phát cho các hộ, khẩu đói cần cứu trợ lương thực từ 1 - 3 tháng theo quy định và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Đình Vân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Mặc dù quỹ thời gian không cho phép đoàn kiểm tra đầy đủ và toàn diện nhưng cơ bản đã phát hiện sai phạm như báo chí thông tin. Ngoài việc kiến nghị thu hồi gạo cấp sai, xử lý sai phạm thì trong các năm tới, theo tôi chỉ nên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khi một bộ phận nhân dân thực sự thiếu đói mà tỉnh, các huyện và TP không đủ khả năng khắc phục”.
 
Được biết, UBND huyện Minh Hóa cũng đang kiểm tra tình hình cấp phát gạo cứu đói ở nhiều xã trong huyện để có báo cáo. Hy vọng động thái này sẽ giúp có được cái nhìn toàn diện hơn về việc cấp phát gạo cứu đói ở huyện này, đảm bảo sự công bằng trong thực thi một chính sách đầy ý nghĩa của Nhà nước.
 
Hồng Kỹ