1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chia gạo cứu đói ở Quảng Bình: Cán bộ xã cũng “đói”!

(Dân trí) - Việc cấp phát gạo cứu đói cho cả chủ tiệm vàng đã thể hiện một “góc tối” trong phân bổ gạo ở một số xã thuộc huyện Minh Hóa. Nhưng có nơi, cán bộ xã cũng nhận gạo cứu đói.

Chia gạo cứu đói ở Quảng Bình: Cán bộ xã cũng “đói”! - 1
Nhiều hộ nghèo, mất mùa nặng chỉ được nhận số gạo cứu trợ bằng với cán bộ xã.
 
Lời nói dối “ngọt ngào”
 
Tại thôn Văn Hóa 1 (xã Hồng Hóa - Minh Hóa), người dân sau nhiều phen lên trụ sở xã chất vấn vẫn chưa nguôi bức xúc trước việc ông Đinh Duy Khánh - cán bộ tư pháp và nhiều cán bộ xã cũng vác bao bì đi nhận gạo cứu đói vốn dĩ được dành cho người nghèo, cận nghèo, nông dân đói giáp hạt.
 
Bao nhiêu lần hỏi, thì bấy nhiêu lần người dân nhận được câu trả lời của cán bộ xã là “làm gì có chuyện đó”.
 
Trao đổi với PV, ông Cao Viễn Binh - Phó Chủ tịch UBND xã cũng khẳng khái: “Không có chuyện đó. Chuyện gạo cơm chúng tôi thực hiện công khai, cho dân bình xét dân chủ. Làm gì có chuyện người có lương còn nhận gạo cứu đói”.
 
Tuy nhiên, khi PV đề nghị được xem danh sách nhận gạo cứu trợ của thôn Văn Hóa 1 và của xã Hồng Hóa thì ông Binh khước từ, cho rằng “cán bộ chính sách lên phòng LĐ-TB&XH huyện làm việc”.
 
Để xác minh thông tin này, PV gọi điện cho phòng LĐ-TB&XH huyện và nhận được câu trả lời: cán bộ chính sách xã Hồng Hóa không hề có lịch làm việc tại phòng.
 
Cực chẳng đã, ông Binh vớt vát: “Chắc có nhầm lẫn, chứ ai lại phát gạo cho người có lương”. Nói là vậy, nhưng ông Phó Chủ tịch vẫn sang phòng bên “hội ý nội bộ” ít phút rồi quay lại với thái độ mềm mỏng hơn hẳn: “Có thể cán bộ thôn và người dân thôn Văn Hóa 1 đã bình xét cho anh Khánh vì gia đình anh Khánh khó khăn”.
 
Trong danh sách những người nhận gạo, chúng tôi nhận thấy không chỉ có anh Khánh mà còn nhiều người khác có lương, có mức sống vượt xa chuẩn nghèo và cận nghèo song đều được nhận hơn 18 kg gạo/khẩu.
 
“Có những hộ bình thường không nghèo đói nhưng họ gặp rủi ro bất thường”, ông Binh trần tình. Nhưng ông cũng không ngừng trách móc cán bộ thôn vì sơ suất, thiếu kiểm tra.
 
Để tận mục yếu tố “rủi ro bất thường” mà ông Binh đưa ra, PV đề nghị đi đến một số hộ trong danh sách, trong đó có hộ ông Cao Văn Hoan thì mới “tá hỏa” khi biết rằng ông Hoan chính là… Chủ tịch UBND xã này.
 
“Sai đến đâu, xử lý đến đó”
 
Ngoài những sai phạm điển hình mà Dân trí đã nêu ở Thị trấn Quy Đạt, xã Hồng Hóa… PV còn nhận được phản ánh của người dân nhiều xã về các sai phạm tương tự. Tuy nhiên, trách nhiệm kiểm tra, làm rõ xin dành cho các cơ quan hữu trách huyện Minh Hóa.
 
Ngày 13/7, trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Diện - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Tôi vừa nắm thông tin qua phản ánh của báo, đang viết công văn gửi báo đây”.
 
Ông Diện cho hay: sáng 14/7 sẽ tiến hành kiểm tra, yêu cầu các xã báo cáo tình hình. “Huyện sẽ xử lý rốt ráo, sai đâu sẽ kiểm điểm, xử lý đến đó”, ông Diện cho biết nhưng cũng bày tỏ thêm rằng việc thu hồi gạo là rất khó khăn vì… “đã chia hết rồi”.
 
Theo quan điểm của lãnh đạo huyện và phòng LĐ-TB&XH huyện Minh Hóa, huyện và phòng đã có công văn hướng dẫn cụ thể, nên những sai phạm ở đây là trách nhiệm của các xã.
 
Tuy nhiên, căn cứ danh sách phân bổ gạo về các xã cho thấy: Thị trấn Quy Đạt - nơi có mức sống cao nhất huyện cũng là nơi nhận được nhiều gạo nhất - 71 tấn. Ngược lại, có những xã thuần nông vốn bị mất mùa nặng như Hóa Phúc, Tân Hóa… chỉ nhận được từ vài tấn đến vài chục tấn.
 
Dư luận cho rằng nếu huyện và phòng LĐ-TB&XH đánh giá tình hình và chỉ đạo sâu sát hơn thì câu chuyện gạo cứu đói ở Minh Hóa không rơi vào cảnh “người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”.
 
Hồng Kỹ