Vụ 2 máy bay mất liên lạc:

Kiểm soát viên không lưu có tầm quan trọng như thế nào?

(Dân trí) - Đài Kiểm soát không lưu là cơ quan hướng dẫn cho máy bay cất cánh và hạ cánh, đây là 2 giai đoạn rất quan trọng của một chuyến bay. Giờ khởi hành, phi công phải chờ kiểm soát viên không lưu ra huấn lệnh mới được nổ máy lăn bánh ra đường băng...

Đặc thù của ngành hàng không là hoạt động 24/24h, vì vậy hoạt động kiểm soát không lưu (KSKL) cũng tương ứng điều hành bay 24/24h. Khác với các ngành nghề khác, lịch làm việc mỗi ngày/đêm của kiểm soát viên không lưu (KSVKL) chỉ có 2 ca, mỗi ca kéo dài 12 tiếng.

Trong quy trình khai thác, Đài KSKL là cơ quan hướng dẫn cho máy bay cất cánh và hạ cánh, đây là 2 giai đoạn rất quan trọng của một chuyến bay.

Cụ thể, với một chuyến bay cất cánh, phi công nhận huấn lệnh đường dài từ đài KSKL sân bay đi với các thông tin về hành trình bay như: Vị trí đường lăn, đường băng, tọa độ cất cánh, tình hình khí tượng tại thời điểm cất cánh của cả sân bay đi và đến... Các thông tin này sau đó được phi công đọc lại để KSVKL xác nhận.

Đến giờ khởi hành, phi công phải chờ KSVKL ra huấn lệnh rồi mới được nổ máy lăn bánh ra đường băng. Phi công cho máy bay cất cánh theo sự điều khiển của tháp điều khiển không lưu. Sau khi cất cánh, máy bay chịu sự kiểm soát của bộ phận kiểm soát tiếp cận sân bay, tới khi máy bay đã lấy được độ cao thích hợp (khoảng 3.000 m), Đài KSKL sẽ chuyển điều khiển máy bay cho Trung tâm kiểm soát đường dài điều hành trên hành trình.

KSVKL có vai trò rất quan trọng trong hoạt động điều hành các chuyến bay
KSVKL có vai trò rất quan trọng trong hoạt động điều hành các chuyến bay

Khi sắp đến đích, phi công sẽ thiết lập liên lạc với Đài KSKL để thực hiện các thông báo cần thiết, Trung tâm Kiểm soát đường dài sẽ chuyển giao máy bay cho sân bay đến hướng dẫn giảm độ cao và tiếp cận đường băng. Tháp điều khiển không lưu ở sân bay đến điều khiển máy bay hạ cánh và di chuyển trên đường lăn vào sân đậu, kết thúc hành trình của một chuyến bay.

Ngoài nhiệm vụ điều hành bay theo kế hoạch tại sân bay chính thì Đài KSKL còn phải trực dự bị cho các sân bay khác nhằm đề phòng trường hợp máy bay trục trặc kỹ thuật hoặc máy bay hạ cánh khẩn cấp… Vì vậy, máy bay tuyệt đối không được mất liên lạc với Đài KSKL tại sân bay.

Trở lại với sự cố KSVKL sân bay Cát Bi - Hải Phòng ngủ quên trong khi điều hành bay vào đêm 9/3 khiến 2 máy bay bị mất liên lạc trong 30 phút, khi phi công không nhận được huấn lệnh của KSVKL, quy trình chuyển giao máy bay cho Đài KSKL sân bay đến cũng không được thực hiện.

Điều hành không lưu bị gián đoạn kéo dài trong suốt hơn 30 phút đồng hồ, đồng nghĩa với việc máy bay phải bay lòng vòng để chờ trên trời chứ không được hạ cánh.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, trong hoạt động khai thác, cũng có trường hợp máy bay mất liên lạc với Đài KSKL, nhưng đó là do vấn đề kỹ thuật. Riêng việc KSVKL ngủ quên gây gián đoạn điều hành không lưu là việc chưa từng có tiền lệ, đây là sự cố nghiêm trọng cần làm rõ và điều tra kỹ lưỡng.

Máy bay mất liên lạc

Đài KSKL sân bay Cát Bi - Hải Phòng

Được biết, trước đây, Cát Bi là sân bay địa phương có tần suất hoạt động bay thấp. Năm 2016, sân bay Cát Bi được nâng cấp thành sân bay quốc tế, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã xây dựng Đài KSKL mới cùng hạ tầng bảo đảm năng lực điều hành bay đạt 30 lần chuyến/giờ, tuy nhiên điều hành hiện tại ở sân bay này chỉ khoảng 20 chuyến bay khứ hồi/ngày và tần suất thưa dần sau 18h.

Châu Như Quỳnh