1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Kiểm lâm không thể ngồi trụ sở, ôm barie mà giữ được rừng"

(Dân trí) - "Kiểm lâm phải "chốt" hiện trường, vào rừng chứ không thể ngồi ôm barie, ôm trụ sở để bảo vệ rừng. Việc mất gỗ, rừng bị tàn phá ngay trong lòng khu bảo tồn, vườn quốc gia thực sự rất xót xa" - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Kiểm lâm phân tích.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2017/Lam-tac-tan-sat-rung-nghien-o-Thai-guyen.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Lâm tặc tàn sát rừng nghiến ở Thái Nguyên</b></a>

Sau khi báo điện tử Dân trí liên tiếp đăng tải loạt phóng sự phản ánh tình trạng nghiến tặc lộng hành, “tàn sát” rừng già tại vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng (Thái Nguyên), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Hoàng Xuân Trinh - Trưởng phòng thanh tra pháp chế, Cục Kiểm Lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm cũng như những giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng lâm tặc phá rừng.

"Không thể tiếp tục "thả tay" với kiểm lâm"
Tiếp nhận những thông tin về nạn “chảy máu” rừng già xảy ra tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng, ông Trinh nhấn mạnh: “Hình thức kỷ luận khiển trách, cảnh cáo hay luân chuyển cán bộ kiểm lâm sai phạm dường như đã “nhờn thuốc”. Chúng ta phải có cơ chế xử lý thật mạnh với những người vi phạm".

Ông
Ông Hoàng Xuân Trinh - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục kiểm lâm.

Ông Trinh nêu quan điểm, những trường hợp kiểm lâm, kể cả do thiếu tinh thần trách nhiệm, cũng phải có hình thức kỷ luật không chỉ cảnh cáo mà phải cách chức, hạ bậc lương. Trong trường hợp nếu có cơ sở khẳng định cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, phải buộc thôi việc, đuổi khỏi ngành. Việc kỷ luật cán bộ sai phạm phải làm mạnh, siết chặt, không thể năm nay vi phạm, năm sau vi phạm mà chỉ thực hiện luân chuyển là xong.

Bên cạnh đó, ông Trinh cũng thừa nhận một thực tế đáng buồn, việc bảo vệ rừng hiện quá kém và không có hiệu quả. Theo ông Trinh, chính quyền các địa phương phải vào cuộc ngay, không thể tiếp tục “thả tay” cho kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng phải thay đổi cách làm việc. “Các anh phải ra hiện trường vào rừng chứ không thể ngồi ôm barie, ôm trụ sở để bảo vệ rừng. Phải về cơ sở, tham mưu cho xã cách làm, cách quản lý rừng. Việc mất gỗ, rừng bị tàn phá ngay trong lòng khu bảo tồn, vườn quốc gia - nơi lẽ ra phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, thực sự rất xót xa” - ông Trinh nói. 

Đặc biệt, ngoài chế tài xử phạt thật nghiêm đối với bộ phận kiểm lâm thoái hóa biến chất, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế đặt vấn đề, chính lực lượng kiểm lâm cũng phải kiểm điểm lại chữ “tâm” của mình. Làm công việc cũng cần có "tâm", không thể biện minh do lực lượng mỏng mà lơ là nhiệm vụ hay ngấm ngầm tiếp tay cho lâm tặc.

Những cánh rừng gỗ nghiến bị tận diệt trong KBT Thần Sa Phượng Hoàng tại Võ Nhai (Thái Nguyên).
Những cánh rừng gỗ nghiến bị tận diệt trong KBT Thần Sa Phượng Hoàng tại Võ Nhai (Thái Nguyên).

Ông Hoàng Xuân Trinh dẫn chứng, ngày trước, một cây gỗ nghiến phải chặt cả tuần, đốt cả tuần mới đổ nhưng với cưa xăng, chỉ khoảng 10 phút có thể hạ một cây nghiến to tới vài mét. Với cưa xăng, lâm tặc đã tiến hành phá rừng rầm rộ. Vì vậy, năm 2010, Cục kiểm lâm đã ban hành văn bản quản lý cưa xăng. Lẽ ra khi thấy lâm tặc mang cưa vào rừng, kiểm lâm phải xử lý ngay. Nhưng thực tế, ông Trình đặt câu hỏi, đến nay, đã có bao nhiêu vụ mang cưa vào rừng bị xử lý?.
Ông Trinh thẳng thắn nhìn nhận: "Kiểm lâm vẫn chưa làm được điều đó. Thực ra, nếu làm việc có tâm, quyết tâm làm và có cách làm, đồng sức đồng lòng thì vẫn sẽ kiểm soát, ngăn chặn được nạn phá rừng. Chúng ta cần phải kiểm điểm lại chữ “tâm” của lực lượng kiểm lâm".
"Quy tội" kiểm lâm cũng... không oan

Ông Trinh kể lại chuyến công tác dài ngày tại Bắc Kạn sau vụ VQG Ba Bể bị tàn phá. Đến nay, Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn đã tổ chức chốt trên đường 254 và đường 57B. Riêng trên đường 254, kể cả điểm chốt của vườn với kiểm lâm khu vực, ít nhất từ Bắc Kạn về Chợ Đồn có 5 điểm chốt. “Tôi đã làm việc với VQG, Hạt kiểm lâm chợ Đồn và các điểm chốt trên đường, được phản ánh hiện nay tình hình đã yên ắng hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là tình hình yên ắng thế nào, có được lâu dài không, kiểm lâm còn phải làm những gì nữa?” - Lãnh đạo phòng Thanh tra, pháp chế băn khoăn.

Tuy nhiên, vị trưởng phòng Thanh tra pháp chế Cục kiểm lâm cũng nêu những bất cập hiện nay trong cơ cấu điều hành của ngành, dẫn đến sự khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng. Cục kiểm lâm chỉ có chức năng kiểm tra đôn đốc kiểm lâm địa bàn thực hiện đúng luật. Điều bất cập là Cục kiểm lâm không được giao chức năng xử lý kiểm lâm địa bàn do kiểm lâm địa bàn lại trực thuộc quản lý của Sở NN&PTNT tỉnh hoặc của vườn quốc gia.  

Tại mỗi tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm do tỉnh bổ nhiệm, trực tiếp thuộc quản lý của Sở NN&PTNT. Thông thường Chi cục trưởng lại kiêm Phó giám đốc Sở NN&PTNT và có quyền điều hành các hạt kiểm lâm trong khi Cục không có quyền điều động. Vì vậy, trách nhiệm trước hết phải thuộc về lực lượng kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương.  

Công văn Lãnh đạo Cục Kiểm lâm gửi yêu cầu Chi cục Kiểm lâm làm rõ
Công văn Lãnh đạo Cục Kiểm lâm gửi, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm làm rõ nội dung báo Dân trí nêu.

Ngành kiểm lâm hiện tại không có sự thống nhất về mặt tổ chức, giữa kiểm lâm rừng đặc dụng, kiểm lâm rừng phòng hộ, kiểm lâm 119…Với việc điều hành của kiểm lâm như vậy, việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần đặt vấn đề "cả một lực lượng lớn kiếm lâm không báo được một tin phá rừng nào", theo ông Trinh là... không oan. Lực lượng kiểm lâm địa bàn thực sự thiếu nhạy bén và thiếu tính phát hiện.

Ông Trinh trăn trở, trước thực trạng rừng bị tàn phá như hiện nay, trước sự bất lực của lực lượng kiểm lâm, muốn "gỡ" lại hình ảnh của ngành, chính lực lượng kiểm lâm phải hoạt động có hiệu quả thực sự. Kiểm lâm phải có giải pháp để giữ rừng. Đặc biệt, những hạt kiểm lâm địa bàn phải xử lý tốt các đầu nậu, phải kiểm soát được trên địa bàn của mình có bao nhiêu trâu kéo, xe thồ…chuyên vận chuyển gỗ lậu. 

“Loạt phóng sự nghiến tặc bị tàn sát tại KBT Thần Sa Thái Nguyên mà báo điện tử Dân trí đăng tải là sự lên tiếng hết sức cần thiết cho lãnh đạo ngành lâm nghiệp và các cấp ủy, chính quyền địa phương, không chỉ riêng 2 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên mà còn trên phạm vi cả nước - một lời cảnh tỉnh về trách nhiệm để làm sao cứu được rừng”, ông Trinh kết lại.

Anh Thế - Quốc Đô