1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Không hình dung nổi 5-7 cán bộ cùng tham gia nhục hình can phạm”

(Dân trí) - “Tại sao có những vụ cả 5-7 cán bộ tham gia vụ ép cung, nhục hình? Tôi không thể hình dung nổi sao xảy ra chuyện này. Có sự sắp xếp, bắt tay, bao che cho nhau để làm sai như vậy?” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói trước UB Thường vụ Quốc hội.

Sắp xếp, bắt tay, bao che việc bức cung?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước.

Dự thảo Nghị quyết Về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự của Quốc hội nêu nhận định, việc phòng chống oan, sai chưa đáp ứng yêu cầu. Còn có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, để xảy ra một số trường hợp làm oan người vô tội; có một số vụ oan, sai rất nghiêm trọng gây bức xúc dư luận.

Để tạo bước chuyển biến căn bản, triệt để khắc phục các trường hợp làm oan người vô tội, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm khác trong việc áp dụng pháp luật, bảo đảm việc bồi thường thiệt hại kịp thời cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, Quốc hội yêu cầu CQĐT, VKS, TA các cấp không tiếp tục để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội.

Với những vụ án oan đã làm rõ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Phan Văn Lá (Long an), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường trước 1/1/2015, Quốc hội yêu cầu khẩn trương giải quyết bồi thường.

Trong năm 2015, 2016, các cơ quan cũng phải chỉ đạo giải quyết xong 11 vụ án kéo dài trên 5 năm và các vụ án khác dư luận quan tâm. Quốc hội yêu cầu sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại đối với vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) và vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng); đồng thời, có biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để xử lý dứt điểm vụ án Hồ Duy Hải (Long An), vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), vụ Vi Văn Phượng (Bắc Giang). Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng).

Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ trong năm 2015 xem xét biên chế, ưu tiên đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, các thiết bị ghi âm, ghi hình để chống bức cung, nhục hình và các phương tiện phục vụ công tác giám định tư pháp; kinh phí và quỹ đất để nâng cấp các cơ sở giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc quá tải về giam giữ.

Thảo luận về kết quả giám sát án oan, sai, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi, việc xử lý vi phạm đối với các vi phạm trong hoạt động điều tra truy tố xét xử, các cơ quan chức năng đã có cố gắng gì? Có hiện tượng bao che không, có phải vì thành tích nào đó mà che giấu, không xử lý nghiêm để bảo vệ thành tích của mình?

Theo ông Lý, việc vi phạm trong tố tụng dẫn đến bức cung nhục hình chết người rõ ràng chứng tỏ có việc xử lý chưa nghiêm minh và dấu hiệu bao che cho nhau của cán bộ các cơ quan pháp luật. Tại sao chỉ khi báo chí vào cuộc, có lệnh của cấp trên chỉ đạo xuống thì mới xem xét nghiêm túc sự việc theo hướng quy lỗi cho người thừa hành (ban đầu, cơ quan tố tụng ở địa phương chỉ nhăm nhăm bào chữa cho mình).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định, dù số lượng người bị oan sai không lớn (71 trường hợp trên tổng số 220.000 vụ án, chiếm tỷ lệ 0,02%) nhưng phải thấy dù chỉ 1 mạng người thôi cũng rất quý. Nguyên tắc đặt ra với các cơ quan pháp luật là phải làm đúng hiến pháp, luật để bảo vệ tính mạng, quyền lợi của người dân nên không thể lập luận vì số lượng ít mà bỏ qua.

Đề cập vấn đề bức xúc là tình trạng vi phạm trong quá trình bắt, tạm giam, lấy cung bị can bị cáo, ông Phước cho rằng, để giảm được hiện tượng này thì phải làm đúng quy trình. Lãnh đạo các ngành phải làm tốt vai trò giám sát, kiểm tra.

“Ngày xưa khi tôi làm trong ngành công an, luật còn sơ sài nên việc oan sai hay xảy ra nhưng giờ không thể cho phép để xảy ra việc đó nữa. Tại sao có những vụ cả 5-7 cán bộ tham gia vụ ép cung, nhục hình? Tôi không thể hình dung nổi sao xảy ra chuyện này. Rõ ràng có sự sắp xếp, bắt tay, bao che cho nhau để làm sai như vậy” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bức xúc cho rằng, cần xem xét lại vai trò của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong ngành.

Tán thành quan điểm của ông Phước, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nhận xét, trong 3 năm có 71 vụ làm oan người vô tội – tỷ lệ không lớn nhưng tác động xã hội của việc này lại rất lớn. Vụ 5 công an dùng nhục hình tại Phú Yên đang được xét xử hay vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đều gây hoang mang xã hội, hệ quả tác động tới niềm tin của người dân rất lớn.

Chánh án than “bó tay”, Thứ trưởng Công an kêu “oan ức”
 
Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, trong số 71 vụ án oan, chỉ 15 vụ do trách nhiệm của CQĐT.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, trong số 71 vụ án oan, chỉ 15 vụ do trách nhiệm của CQĐT.

Nói về những yêu cầu Quốc hội đặt ra với ngành toà án, Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình báo cáo về việc bồi thường cho ông Chấn, ông Lá, ông Phi. Nêu nguyên tắc giải quyết nhanh nhưng vẫn phải đúng pháp luật, với vụ ông Chấn, Chánh án tối cao cho rằng, phải chứng minh được đúng thiệt hại gây ra thì mới giải quyết được vì tiền bồi thường cũng là tiền thuế của dân. Vụ của ông Phi, toà đã giải quyết bồi thường trên 600 triệu đồng nhưng ông này còn yêu cầu bồi thường về thiệt hại tài sản lên đến 22 tỷ đồng mà toà phúc thẩm cho là chưa đủ căn cứ, đã huỷ án nên toà tối cao cũng chưa thể làm gì được.

Chánh án Trương Hoà Bình cũng đề cập 2 vụ án “bất khả thi” khi Quốc hội yêu cầu người đứng đầu ngành toà án phải xử lý.

Với vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đã không kháng nghị, Chủ tịch nước sau đó đã bác đơn xin ân giảm án tử hình của bị án. Theo ông Bình, về pháp luật như thế là đã hết cấp giải quyết nhưng vì gia đình Hải phản ứng, để thận trọng, Chủ tịch nước mới yêu cầu xem xét lại. Dù thế, đến giờ các cơ quan vẫn thống nhất nhận định, chưa có căn cứ khác để kháng nghị.

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Viện trưởng VKSND tối cao có kháng nghị nhưng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị này. Qua phân tích, toà tối cao nhận định, Chưởng là người cầm đầu vụ giết người, cũng là 1 trong những người chém nạn nhân. Quyết định của Hội đồng là cao nhất, là sau cùng, Chánh án cũng không thể làm gì được.

“Vậy giao Chánh án giải quyết lại thì tôi chịu thua, không có cách nào làm được” – ông Trương Hoà Bình đề nghị sửa dự thảo Nghị quyết về phần yêu cầu đối với Chánh án tối cao.

Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cũng than là ngành bị “quy trách nhiệm oan”. Theo ông Vương, các khâu khởi tố, bắt giam… cá nhân của CQĐT đều phải được VKS phê chuẩn. Vậy nên Đoàn giám sát kết luận 43/71 vụ oan sai là do trách nhiệm của CQĐT, thực chất ngành rà soát lại chỉ xác định 15 trường hợp, số còn lại có cả trách nhiệm của VKS.

Ông Vương cũng không tán thành với nhận định, tình trạng quá tải giam giữ dẫn đến hiện tượng người bị giam giữ tự sát. Thứ trưởng Công an phân trần, đó là do cơ sở giam giữ thiếu thiết bị giám sát vì những trường hợp án đặc biệt như bị án tử hình, kể cả có người nằm bên cạnh để trông coi nhưng trong đêm, đối tượng dậy xé quần, xé áo lấy dây tự siết cổ chết (không hẳn là treo cổ) thì quản giáo cũng chịu.

Bị Đoàn giám sát “quy” lỗi là nhiều trường hợp, cán bộ điều tra đã áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội thay cho nguyên tắc suy đoán vô tội, tướng Vương phản ứng cho là chưa bao giờ có nguyên tắc điều tra gọi là “suy đoán có tội”, Bộ Công an cũng chưa bao giờ có tư tưởng, tinh thần làm vậy nên không nên kết luận chúng tôi như vậy. Theo ông Vương, nguyên nhân án oan sai chủ yếu là do các yếu tố chủ quan nhưng cũng không thể phủ nhận có những nguyên nhân khách quan quan trọng tác động.

P.Thảo