1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không dám diệt “ma ngón”!

(Dân trí) - Trong suy nghĩ của người dân H’Mông, cây lá ngón là con ma rừng, nếu giết nó thì nó sẽ trở về trả thù và sẽ có một người trong gia đình phải tìm đến “ma ngón” mà chết.

Bao đời nay, không biết bao nhiêu người con dân tộc H’Mông phải bỏ mạng vì loài cây có tên lá ngón này. Người chết thì cứ chết, cây vẫn cứ mọc lan dài khắp núi đồi vùng cao. Người H’Mông mê muội coi nó là con ma, là tội ác.

Mường Lát có 91 bản thì trong số đó phải quá nửa địa bàn có cây lá ngón mọc. Khoảng hơn chục năm trở về trước, người ta sờ đâu cũng thấy cây lá ngón, góc bản nào cũng từng có người ăn lá ngón đứt ruột mà chết. Những năm gần đây, việc tự tử bằng lá ngón có giảm đi nhưng tình trạng người H’Mông tìm đến cái chết bằng lá ngón vẫn còn không ít.

Ma ngón có thể mọc khắp các bản ở núi rừng vùng cao
"Ma ngón" có thể mọc khắp các bản ở núi rừng vùng cao

Một điều vô cùng kỳ lạ là người ta không biết loài “ma ngón” này sinh sôi như thế nào. Tuy chúng thường đâm trổ những đóa hoa vàng rực rỡ nhưng lại không có hạt. Tuy chúng có những chùm rễ sum suê nhưng ngay cả khi đã loại bỏ tất cả gốc rễ của nó, chính tại vị trí đó, một thời gian sau, cây vẫn mọc lên như một phép màu. Bởi thế mà phần lớn người H’Mông tin rằng đó là giống cây của thần linh, ma quỷ, đã bị ám một lời nguyền rùng rợn về những cái chết, chuyên dụ dỗ con người đến gần rồi bằng một thứ sức mạnh đen tối, xui khiến người ta tìm đến cái chết (!).

Sau khi nghe những câu chuyện khó tin về việc người H’Mông tìm đến lá ngón để quyên sinh, tôi hỏi Trưởng Công an xã Pù Nhi Hơ Văn Tho rằng có khi nào người H’Mông nghĩ đến việc diệt, phá thứ cây “tội ác” này không? Ông Tho lắc đầu buồn bã.

Ông Tho bảo, có một cách mà người H’Mông biết để diệt tận gốc cây này đó là dùng nước tiểu, chỉ cần tưới nước tiểu lên nó sau một đêm sẽ chết ngay. Nhưng trong tâm tưởng người H’Mông, cây lá ngón chính là con ma nên nếu diệt nó chết thì nó sẽ trả thù và trong gia đình đó sau này sẽ có một người tìm đến lá ngón để chết. Vì thế mà người H’Mông không dám đến gần “ma ngón”.

Mặc dù bị nhổ tận gốc nhưng một thời gian sau, cây lá ngón mới lại mọc lên
Mặc dù bị nhổ tận gốc nhưng một thời gian sau, cây lá ngón mới lại mọc lên

Cách đây vài năm, tại bản Pù Nhi có gia đình ông Hơ Tho Pó A. Hai vợ chồng ông giận nhau, bà vợ đã ăn lá ngón để tự tử nhưng sau đó được cứu sống. Ông Pó A tức giận dùng nước tiểu đổ vào cây cho cây chết. Nhưng một thời gian sau, bà vợ tiếp tục ăn lá ngón chết. Những câu chuyện ngẫu nhiêu ấy khiến người dân tin rằng cây lá ngón có thể... trả thù  người diệt cây.

Đúng như lời Trưởng Công an xã Pù Nhi nói, chúng tôi gặp chị Thao Thị Pa, người đã từng tìm đến cái chết bằng lá ngón nhưng được cứu sống, chị Pa nói: “Biết cây lá ngón là “con ma chết” thật nhưng sợ lắm, không dám giết nó đâu. Giết nó sợ lại về nó rủ đi”.

Những năm gần đây, năm nào huyện Mường Lát cũng cho cán bộ xuống tận xã, vào tận bản tuyên truyền cho bà con nhưng dường như cán bộ nói rồi cán bộ nghe, niềm tin vào sự linh thiêng, thần thánh của loài “cây chết” ấy vẫn ám ảnh bà con nơi đây.

Ông Lâu Dị Lênh, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, chua xót: “Bản thân tôi cũng là người H’Mông, cũng luôn sâu sát bên dân, tuyên truyền để cho dân hiểu và thoát khỏi những hủ tục, đặc biệt là những câu chuyện ma mãnh hoang đường từ cây lá ngón nhưng dường như dân chưa nhận thức được điều đó. Để thay đổi được cách nghĩ của người H’Mông không phải một sớm một chiều”.

Mặc dù bị nhổ tận gốc nhưng một thời gian sau, cây lá ngón mới lại mọc lên
Những phụ nữ H'Mông có thể lầm lũi làm đến chết vì chồng con nhưng chỉ cần một câu nói nặng lời cũng có thể khiến họ tìm đến lá ngón để "giải thoát"

Ông Mai Văn Châu, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Mường Lát cho biết: “Tình trạng ăn lá ngón tự tử ở người H’Mông đã có từ xa xưa. Mặc dù năm nào cũng có rất nhiều đợt huyện cho cán bộ về tận bản tổ chức tuyên truyền nhưng chỉ đỡ đi chứ chưa thể dứt điểm được. Cho đến bây giờ, ở đâu có người Mông thì ở đó có tình trạng ăn lá ngón”.

Cũng theo ông Châu thì năm 2010, huyện đã triển khai 5 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình nhằm tuyên truyền cho dân bởi hầu hết những nạn nhân chết bằng lá ngón là phụ nữ. Những phụ nữ H’Mông suốt đời lầm lũi, làm việc đến chết vì chồng vì con nhưng chỉ cần những câu nói nặng lời của chồng là tìm đến lá ngón.

“Việc phá cây lá ngón ở các bản vùng cao như Mường Lát cũng vô cùng khó khăn do cây rất dễ mọc lại và nhận thức của bà con chưa cao” – ông Châu nói.

Đi, quan sát và tiếp xúc với những con người ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh ấy, tôi cảm nhận dường như có một sự phản kháng luôn âm ỉ bên trong cái sự lầm lũi, chịu đựng của những phụ nữ H’Mông giữa núi rừng. Chồng chết, có thể họ sẽ phải làm vợ của em chồng theo tục “nối dây” nghiệt ngã hoặc bị đám trai trong bản tán tỉnh, trêu ghẹo lúc rượu say. Họ lầm lũi sống một cuộc đời với sự phục tùng vô điều kiện. Vậy nên, họ chính là những thân phận rất dễ bị tổn thương, rất dễ tự ái. Những lúc đó họ sẽ có phản ứng tiêu cực và bồng bột, tìm đến cái chết bằng lá ngón... Bởi thế, việc phá, diệt cây lá ngón là biện pháp cấp bách cần làm ngay. Để người dân nơi đây không thể cứ buồn là đi ăn cây lá ngón, để bà con dân tộc thiểu số hiểu rằng không hề có sức mạnh ma quỷ nào ám trong loài cây vô tri đó.

Nguyễn Thùy