Thanh Hóa:

“Ma ngón” và những cái chết đau lòng giữa núi rừng

(Dân trí) - Chỉ là một thứ cây mọc ở sườn núi nhưng lại là nỗi ám ảnh của không biết bao thế hệ người H’Mông. Nhắc đến lá ngón, người ta ám ảnh đến rùng mình...

Mường Lát là huyện miền núi xa nhất của xứ Thanh. Từ thành phố Thanh Hóa vượt quãng đường gần 300 km dọc tỉnh lộ 520, qua cổng trời mới đến được vùng đất này. Huyện Mường Lát hiện có nhiều người dân tộc sinh sống như Dao, Thái, Mường, Kinh, H’Mông. Trong đó, người H’Mông chiếm 70% dân số.

Thoạt nhìn những bản làng, những ngôi nhà sàn dựng dưới chân đồi, nhìn những đứa trẻ mặt lấm lem, chân trần chạy nhảy nô đùa, những tưởng cuộc sống nơi này bình yên. Nhưng câu chuyện về “ma lá ngón” luôn là điều gì đó ám ảnh núi rừng nơi đây. Đồng bào dân tộc H’Mông gọi cây lá ngón là “cua tùa nhủ”, nghĩa là “cây giết ruột”. 

Theo chỉ dẫn của cán bộ huyện, chúng tôi tìm đến xã Pù Nhi – nơi người ta quyên sinh bằng lá ngón được thống kê con số nhiều nhất. Gặp chúng tôi, Trưởng Công an xã Hơ Văn Tho buồn rầu cho biết, những năm gần đây, năm nào Pù Nhi cũng có người chết bằng lá ngón. Đặc biệt xảy ra ở các bản như bản Cơm, Pha Đén, Cá Nọi, Pù Ngùa… Từ đầu năm đến nay cả xã có 2 trường hợp chết bằng lá ngón, 4 trường hợp ăn lá ngón được cứu sống.

Cây lá ngón cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng người H'Mông
Cây lá ngón cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng người H'Mông

Rồi ông bảo người H’Mông thường có tính tự trọng, tự ái cao trong khi học hành ít, nhận thức kém nên họ tìm đến cái chết cũng vô cùng ấu trĩ. Những câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng cũng ăn lá ngón để tự tử như vợ chồng giận nhau, nghèo khổ không chịu được, hay không được mua xe máy, điện thoại… chỉ cần buồn rầu là họ cho rằng đó đã là bước đường cùng và chỉ chết mới có thể giải thoát hoặc chết để người sống phải ân hận day dứt.

Theo chân ông Tho, chúng tôi vào bản Cơm, địa bàn có nhiều “ma ngón” mọc nhất và cũng là nơi nạn nhân ăn lá ngón tự tử nhiều nhất. Đường xa lại khó đi nên mãi tận lúc mặt trời lặn qua núi, bóng tối nhập nhoạng mới đặt chân vào được với bản. Gặp chúng tôi, Bí thư chi bộ bản Cơm Hơ Văn Dế buồn bã không muốn nhắc về những cái chết từ lá ngón. Ông bảo, người ở đây chỉ cần nói nặng lời với nhau thôi cũng đủ để họ tìm đến lá ngón.

Rồi ông chua xót cho biết mới đây thôi vào ngày mùng 2/9 - ngày Tết Độc lập - chị Thao Thị Pa cũng đã dùng lá ngón tự tử nhưng may mắn được cứu sống.

“Nhà tôi ở cách nhà chị Pa không xa nên khi nghe mọi người gọi, tôi chạy vào thì thấy Pa nằm trên giường và chỉ khóc, mắt Pa sưng húp, lá ngón còn xanh lè hai bên mép, tôi biết ngay là lại ăn lá ngón nên đã bảo mọi người nhanh chóng đưa Pa đi bệnh viện” – ông Dế kể lại

Nguyên nhân sau đó được biết hai vợ chồng chị Pa đi chơi. Thấy phụ nữ H’Mông ai cũng mặc đẹp lại tự nhiên không thấy chồng đâu, chị Pa ghen tuông rồi bỏ về nhà. Cho rằng chồng mình đã đi chơi với cô gái nào đó nên chị Pa buồn chán, lên đồi tìm lá ngón ăn.

Trong căn nhà sàn cheo leo trên sườn đồi, chị Pa đang ở nhà cùng hai con. Không biết tiếng Kinh, Bí thư chi bộ bản Cơm phải dịch cho tôi nghe chị Pa kể lại chuyện chị ăn lá ngón. Chị bảo lúc đó giận quá nên ăn cho chết quách đi để cho chồng phải ân hận nhưng giờ sống lại được thì sợ rồi, không dám ăn nữa.

Chị Pa cho biết lúc tức thì ăn lá ngón cho chết quách đi để giải thoát
Chị Pa cho biết lúc tức thì ăn lá ngón cho chết quách đi để giải thoát

Bí thư chị bộ Dế bảo bây giờ thì nói thế, nhưng sau này tức lên thì lại chẳng biết thế nào, như trường hợp của bà Thao Thị Chá ở bản này cũng vậy. Bà Chá tức với chồng nên lên núi tìm lá ngón ăn nhưng sau đó bà được cứu sống. Không bao lâu sau đó, hai vợ chồng cãi nhau, bà Chá lại tìm đến lá ngón và chết.

Trước đó, vào cuối năm 2013, Lâu Thị Dua (16 tuổi) cũng ở bản Cơm vì giận người yêu mà dại dột dùng lá ngón để tự tử.  16 tuổi - cái tuổi trăng tròn của đời người con gái, Dua đã biết yêu. Người yêu của Dua là một thanh niên cùng bản nhưng đang đi học ở dưới Thành phố. Sợ người yêu đi học ở thành phố sẽ không còn yêu mình nữa, hôm người yêu về, Dua nói người yêu đừng đi học nữa, nhưng người yêu không nghe. Một hôm, Dua lên nương tìm lá ngón ăn để người yêu phải ân hận vì không nghe mình.

Kể về đứa con gái dại dột, ông Lâu Dống Ly, bố của Dua nghẹn ngào: “Hôm đó, Dua đi cả ngày không về, tôi nghĩ nó đi chơi phố huyện với người yêu. Lúc cả nhà đang ăn cơm chiều thì thấy Dua chạy về, rồi nằm gục xuống, mắt trợn trừng, miệng sùi bọt mép. Tôi biết ngay là nó vừa ăn lá ngón, nhưng không cứu được nữa”. Cái chết của Dua đã để lại nỗi đau cho cha mẹ, người thân. Chỉ một phút suy nghĩ nông cạn, thiếu bình tĩnh, Lâu Thị Dua đã kết thúc cuộc đời mình một cách đau đớn ở cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái.

Chị Pa cho biết lúc tức thì ăn lá ngón cho chết quách đi để giải thoát
Phía sau sự bình yên của những ngôi nhà sàn nằm dưới chân núi kia là rất nhiều những cái chết đau lòng từ lá ngón

Ngày trước ở vùng cao, chỉ ai làm cán bộ mới dùng điện thoại di động chứ giờ cái điện thoại cầm tay là vật không thể thiếu đối với mỗi người dân miền núi rồi. Đi nương, đi rừng, có điện thoại như có người bạn bên cạnh, thoải mái nghe nhạc, nghe hát và muốn tâm sự, hò hẹn với người yêu cũng thông qua nó, không phải hát ướm, ra ám hiệu nữa. Con trai, con gái đi chợ là để nhìn nhau xem có điện thoại hay không còn dễ bề xin số, hò hẹn. Thấy các anh các chị có điện thoại, những đứa trẻ mới lớn ở đây cũng không muốn thua kém. Chúng muốn có một cái máy biết hát di động bên người và tìm mọi cách để đạt được mục đích kể cả việc đem lá ngón ra để dọa bố mẹ. Vài cái chết thương tâm do dọa quá đà đã xảy ra mà điển hình như tại bản Kéo Té xã Nhi Sơn, vào ngày 26/2/2013, Thao Văn Di (SN 1997) thấy đám bạn có điện thoại, thoải mái nghe nhạc, Di liền xin bố là ông Thao Văn Sinh mua cho mình nhưng ông Sinh không đồng ý với lý do cái ăn còn chạy từng bữa thì tiền đâu sắm điện thoại. Di dọa nếu không mua điện thoại sẽ ăn lá ngón tự tử. Tưởng chỉ dọa thôi, ai ngờ Di đi tìm lá ngón ăn để chết thật.

Từ đầu năm 2013 đến nay, số vụ tự tử bằng lá ngón ở đồng bào Mông tại Mường Lát có xu hướng “nóng” trở lại, với hàng chục vụ. Điều đáng buồn là tỷ lệ người chết do lá ngón không giảm, mà lại có xu hướng tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, hay đình đám tại các bản người dân tộc Mông trong huyện. Thống kê của Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát thì từ năm 2013 đến nay có tới hàng chục ca cấp cứu do tự tử, trong đó có gần 20 ca tự tử bằng lá ngón. Hầu hết các ca đưa đến bệnh viện đều được cứu sống.

Nguyễn Thùy