1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

“Hơn 2.000 tỷ đồng giảm ùn tắc chỉ là giải pháp chữa cháy”

(Dân trí) - “Chương trình giải quyết ùn tắc giao thông của Hà Nội chỉ giải quyết theo kiểu chữa cháy cho những sai lầm trước đây. Để giải quyết ùn tắc nhưng không lãng phí thì phải có giải pháp mang tính dài hơi, chứ không chỉ chữa hết cháy là thôi”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, kiến trúc sư Trần Huy Ánh chỉ rõ nhiều vấn đề bất cập liên quan đến Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, tiêu tốn hơn 2.000 tỷ đồng vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua.

Trong khi Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội chỉ rõ hàng loạt bất cập trong Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô, tiêu tốn hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng không một đại biểu nào cho ý kiến mà tất cả đều nhấn nút thông qua. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Theo tôi trước khi đưa ra chương trình đó, UBND TP Hà Nội phải công bố bản thảo từ nhiều tháng trước để đại biểu đọc, nghiên cứu từng vấn đề cụ thể. Đại biểu lấy thông tin đó để tham khảo các chuyên gia để rõ thêm nhiều vấn đề. Khi đó đại biểu mới có thông tin, dữ liệu để tranh luận, đưa ra ý kiến đóng góp vào chương trình có gì đúng hay sai, cần thiết hay không.

Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội
Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội

Còn Chương trình giảm ùn tắc của Hà Nội nếu trình các đại biểu để họ đọc trên hội trường hoặc chỉ có điều kiện nghiên cứu ít ngày thì không phân tích được hết các vấn đề liên quan. Nghịch lý ở đây là, khi đại biểu không có ý kiến nhưng họ cũng không dám từ chối vì giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội là vấn đề cấp bách, nên họ nhấn nút thông qua.

Đó là vấn đề bất cập, người tham gia nhưng chẳng biết cái gì. Bản thân chuyên gia như chúng tôi mà đọc tài liệu gấp gáp như vậy thì cũng chẳng hiểu vấn đề thế nào nên làm sao biết được mà nói chương trình đúng hay sai được. Họ làm đúng mà phê phán là mình có lỗi, còn nếu họ làm sai nhưng mình không biết cụ thể ở chỗ nào để mà chỉ rõ.

Theo tôi những việc quan trọng như vậy không thể làm qua loa được. Chương trình một đống tiền mà làm cái đề án có cũng như không thì làm để làm gì? Người trực tiếp xây dựng đề án mà có tinh thần cầu thị thì phải hỏi han xã hội, chuyên gia một cách chân thực.

Nhưng đại biểu HĐND TP Hà Nội có quyền “bác” Chương trình giảm thiểu ùn tắc giao thông nếu thấy nó chưa đạt yêu cầu?

Như tôi đã nói, sức ép giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đang rất cấp bách như vậy, đại biểu HĐND nào dám phủ quyết. Tức là người trình Chương trình này có ý rằng muốn giải quyết ùn tắc phải cho tôi tiền. Còn đại biểu bị đưa vào một tình thế không thể từ chối được.

Nếu bảo đại biểu vô trách nhiệm cũng không đúng vì họ quá lo cho việc giải quyết ùn tắc giao thông nên họ biểu quyết. Tuy nhiên, họ biểu quyết nhưng trong lòng không hài lòng. Như đại biểu Trần Du Lịch nói, bấm nút thông qua ngân sách nhưng trong lòng vẫn băn khoăn.

Nhiều người lo ngại những tháng cuối năm ùn tắc còn nghiêm trọng hơn
Nhiều người lo ngại những tháng cuối năm ùn tắc còn nghiêm trọng hơn

Theo ông việc Hà Nội đưa ra Chương trình hơn 2.000 tỷ đồng để giảm thiểu ùn tắc giao thông có phải là cách làm theo kiểu “chữa cháy” cho những sai lầm về quy hoạch đô thị của Hà Nội trong những năm qua?

Quy hoạch có tốt mấy thì vẫn phải điều chỉnh, vì không có quy hoạch nào lường hết mọi tình huống. Tuy nhiên, tôi thấy Chương trình này giải quyết ùn tắc theo kiểu chữa cháy nhiều hơn. Còn để giải quyết ùn tắc kéo dài nhưng không lãng phí thì phải có những giải pháp mang tính lâu dài, chứ không phải chữa hết cháy thì thôi. Người dân mong muốn khi hết cháy thì nó phải có ích lợi gì đó.

Vậy theo ông vấn đề quan trọng nhất trong việc giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội ở đây là gì?

Vấn đến quan trọng nhất ở đây là các Bộ ngành, cơ quan đã nhận đất, xây trụ sở ở ngoại ô phải trả lại đất cũ cho Hà Nội. Từ đó, Hà Nội có thể lấy các trụ sở đó làm khu vực công ích hoặc tạo nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Còn việc di dời các trường đại học là cầu chuyện dài, dù hơn 20 trường đang tìm mọi cách để đi nhưng phải mất đến 5 đến 10 năm nữa họ mới làm được.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)