1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hình thức tố cáo bằng email còn gây nhiều tranh cãi

(Dân trí) - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ tháng 10, hình thức tố cáo mới bằng thư điện tử, điện thoại đã được thống nhất đưa vào dự thảo Luật tố cáo. Tuy nhiên, tại Quốc hội ngày 25/10, Ủy ban Thường vụ lại đề nghị chưa nên thừa nhận “công cụ” tố cáo này.

Hình thức tố cáo bằng email còn gây nhiều tranh cãi - 1
Ủy ban Thường vụ đề nghị chưa nên thừa nhận hình thức tố cáo qua email. (Ảnh minh họa)

Phiên thảo luận tại hội trường ghi nhận nhiều quan điểm trái ngược về vấn đề này. Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) cho rằng chỉ nên chấp nhận các hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn. Với hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, ông Thành băn khoăn, dù chưa tổng kết đầy đủ trong thực tế nhưng việc tố giác tội phạm qua hòm thư của các website cũng như qua các hộp thư tố giác treo ở các cơ quan, đơn vị hiệu quả rất hạn chế. Đại biểu phân tích thêm, việc tố giác bằng tin nhắn điện thoại trong các kỳ họp, bầu cử… hiệu quả chưa thấy đâu mà tác hại cũng không lường trước được.  

Đồng tình với những phân tích này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, nếu mở rộng thêm các cách thức mới như vậy e sẽ dẫn đến không thể kiểm soát được thông tin. Nhất là trong bối cảnh đơn thư tố cáo thường dồn dập vào thời điểm bầu cử hoặc các kỳ Đại hội. Nếu chấp nhận con đường tố cáo qua email, điện thoại có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình.

Đối lập với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lập luận, bấy lâu nay, nhiều cơ quan hành chính đã xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận tố cáo cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật. Tại bệnh viện, trên xe buýt cũng đều in rất lớn số điện thoại đường dây nóng như vậy.

“Thực tế, đây chính là tố cáo qua điện thoại và tôi nghĩ đó là việc làm rất hữu ích. Không công nhận các hình thức tố cáo đó đồng nghĩa với việc không công nhận một thực tế tồn tại bấy lâu, tức là phủ nhận một việc làm thực tế đang mang lại hữu ích cho xã hội” - ông Cương nói.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cũng nhận định, đường dây nóng đang phát huy trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng. Đấy là “tiền lệ” của việc tố cáo bằng email, fax… Đại biểu cho rằng nhất thiết phải bổ sung hình thức này vào luật, tuy nhiên nên quy định chặt chẽ hơn.  

Báo cáo giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên thừa nhận các hình thức tố cáo mới này, lý do là để tránh bị lợi dụng, vu khống, xuyên tạc, nhất là trên các trang mạng điện tử, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác.

Đây là một điểm mới vì chỉ một tuần trước, tại buổi thảo luận trong phiên họp tháng 10, Ủy ban Thường vụ đã nêu quan điểm ủng hộ các hình thức tố cáo này khi nghe báo cáo thẩm tra dự thảo luật Chính phủ xây dựng.  

Nội dung bảo vệ người tố cáo tiêu cực, nhiều đại biểu kiến nghị, ngoài quy định về quyền được giữ bí mật các thông tin cá nhân của người tố cáo, trong dự thảo Luật cần có quy định về việc người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật, an toàn cho người tố cáo như áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho người tố cáo; việc gửi kết luận nội dung tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo, bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phê phán các quy định trong dự thảo luật vẫn thiên về hình thức, không toát lên được cơ chế để bảo vệ một cách hữu hiệu đối với người tố cáo. Ý tưởng đưa ra trong luật rất hay nhưng trong thực tế khó khả thi.

Bà Thúy lấy ví dụ Điều 37 quy định đảm bảo vị trí công tác cũng như không phân biệt, đối xử ở nơi công tác với người tố cáo tiêu cực. Tuy nhiên, nếu một cán bộ tố cáo lãnh đạo lên cấp trên, trong lúc còn đang chờ xem xét giải quyết việc tố cáo, cán bộ đó vẫn phải làm việc dưới quyền của người mình tố cáo. Lãnh đạo đó có thể có rất nhiều lý do để thực hiện việc điều chuyển công tác hoặc không phân công hay phân công công tác “hành” cấp dưới. Nếu làm kín đáo, rất khó để có thể xác định, quy kết đấy là hành vi trù dập, cô lập người tố cáo.

Dự thảo luật sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi đưa ra Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

P.Thảo