Tai nạn, ùn tắc giao thông ngang với tiêu chí tình trạng khẩn cấp

(Dân trí) - “Yếu kém trong quản lý về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí nhiều mặt còn trầm trọng hơn. Dù vậy chưa có lãnh đạo nào từ chức, không cán bộ nào bị kỷ luật, chưa Bộ trưởng nào bị miễn nhiệm”.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật, Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên) dành trọn phần phát biểu của mình nói về thực trạng tai nạn, ùn tắc giao thông và những nguyên nhân, hệ lụy trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội.

“Người nhà nước” không nghiêm, người dân “nhờn” luật
 
Tai nạn, ùn tắc giao thông ngang với tiêu chí tình trạng khẩn cấp - 1

Theo bà Nga, ách tắc đã tương đương tiêu chí tình trạng khẩn cấp

Bà Nga phân tích, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông hiện quá nghiêm trọng, hậu quả đã tương đương với tiêu chí phải ban hành tình trạng khẩn cấp.

Đại biểu nhìn nhận nguyên nhân đầu tiên là ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông quá kém. Việc này đã trở thành thói quen cố hữu của một bộ phận không nhỏ người dân. Trên 80% tai nạn do lỗi của người điều khiển phương tiện, phổ biến là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, vì vậy kể cả những đoạn đường tốt mới làm vẫn xảy ra rất nhiều tai nạn.

Để nâng cao ý thức của người dân, bên cạnh tuyên truyền giáo dục, theo Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật, việc phạt là vô cùng quan trọng nhưng hiện thực hiện không tốt. Nhiều người cho rằng vi phạm luật giao thông không có gì đáng xấu hổ, cần lên án, thậm chí nhiều trường hợp đã chống lại, gây thương vong cho lực lượng cảnh sát giao thông.

Ngược lại, một bộ phận không nhỏ cảnh sát, thanh tra lại nhận tiền mãi lộ hoặc thiếu trách nhiệm bỏ qua vi phạm. Điều này lý giải cho việc cũng con người ấy nhưng khi đi ra nước ngoài, người dân chúng ta chấp hành luật giao thông của nước bạn rất nghiêm túc.

“Khi bản thân người đại diện cho nhà nước còn thực hiện luật không nghiêm thì người dân nhờn pháp luật là tất yếu” – bà Nga cho rằng, cần nghiêm túc chấn chỉnh hiện tượng ở cả 2 phía - nhà nước và công dân

“Công kích” thẳng, bà Nga cho rằng, nguyên nhân quyết định nhất dẫn đến tình trạng trên là do yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có nhiều mặt còn trầm trọng hơn. Đại biểu loại trừ, luật không thiếu, Chính phủ đưa ra không ít giải pháp nhưng các quy định không được thực hiện cũng không ai phải chịu kỷ luật.

“3 khóa gần đây, có trên 150.000 người chết vì tai nạn nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ chức, không cán bộ nào từ cơ sở tới TƯ bị kỷ luật do để xảy ra tai nạn. Quốc hội  cũng chưa miễn nhiệm bộ trưởng nào vì lý do này” - bà Nga nêu thực tế.

Đại biểu nêu nghịch lý, tình hình như vậy nhưng hàng năm đại đa số cán bộ công chức các đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn giao thông đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật khái quát, nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế, khó có thể giải quyết tình trạng này.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hạ tầng và phương tiện. Vấn đề này xuất phát từ chính sách. Việc cho phép phát triển ồ ạt phương tiện trong 10 năm qua đã vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng.

Đại biểu vạch ra, việc này đi ngược với chủ trương quản lý nhà nước khi năm 2002 trong Nghị quyết 12 Chính phủ đã đưa ra chủ trương tăng cường phương tiện vận tải công cộng, kìm chế sự gia tăng của mô tô xe máy, hạn chế thấp nhất phương tiện cá nhân ở Hà Nội, TPHCM. Nhưng thực tế, trong khi tăng cường phương tiện công cộng, phát triển ở các thành phố lớn, Chính phủ cũng đồng thời cho phép sản xuất, nhập khẩu, lưu thông xe cá nhân như ôtô, xe máy, phát triển rầm rộ taxi. Tai nạn và ùn tắc giao thông, theo đó, bà Nga cho là hệ quả tất yếu. Đại biểu yêu cầu Chính phủ giải trình rõ hướng giải quyết vấn đề.

Không làm mạnh, tiếp tục nhìn… 11.000 người chết năm tới
 
Tai nạn, ùn tắc giao thông ngang với tiêu chí tình trạng khẩn cấp - 2
Đại biểu Lê Thị Nga: "Nhiều giải pháp thực hiện nửa vời, đầu voi đuôi chuột, thậm chí có tiêu cực nên hiệu quả kém".

Vấn đề thời sự nhất hiện nay - tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng tai nạn, ùn tắc, bà Nga phân tích 2 xu hướng đối lập. Một số giải pháp như bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cấm xe lôi xe lam được thực hiện rất tốt. Đó là do chúng ta nói đi đôi với làm, làm kiên trì, xử phạt nghiêm túc, dù ban đầu vấp không ít phản ứng.

Ngược lại nhiều giải pháp như hạn chế phương tiện cá nhân, giải phóng vỉa hè ở Hà Nội, TPHCM, chống mãi lộ… lại không thành công. Nguyên nhân, theo bà Nga, do “nói mà không làm” hoặc tổ chức thực hiện nửa vời, đầu voi đuôi chuột, thậm chí có cả tiêu cực nên hiệu quả kém, tạo thói quen “nhờn”, coi thường pháp luật và tinh thần đối phó trong dư luận.

“Muốn giải quyết triệt để  vấn đề, phải thực hiện quyết liệt chứ không thể làm theo phong trào, triển khai những tháng an toàn, năm an toàn, đợt cao điểm với tổng hợp các lực lượng tham gia rồi sau đó mọi việc lại nguyên như cũ” – bà Nga nêu quan điểm.

Hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực giao thông được Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật “chỉ mặt” như một vấn nạn dẫn đến nhiều hệ quả hiện tại. Dẫn chứng lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bà Nga “kể tội” học chơi bằng thật, mua bán, làm giả bằng lái.

Hàng nghìn lái xe “ra lò” mỗi năm, theo đó, là mối nguy tiềm tàng về tai nạn, mất an toàn giao thông, nguy hiểm hơn trong đó có nhiều người là lái xe khách.

Đại biểu không giấu bức xúc: “Tiêu cực trong lĩnh vực giao thông có mặt ở hầu như tất cả các mặt, kéo dài, gây bức xúc hàng chục năm nay nhưng rất chậm được khắc phục. Những vụ việc được phát hiện chi là một phần nhỏ của sự thật, góp phần làm cho giao thông ngày càng hỗn loạn trong khi các ngành đều có bộ máy thanh tra hùng hậu nhưng khả năng tự phát hiện rất kém”.

Kiến nghị giải pháp “gỡ” tình trạng… rối beng hiện tại, nữ đại biểu Thái Nguyên cho rằng cần triển khai những biện pháp hành chính mạnh, cho phép Hà Nội, TPHCM được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết giao thông của 2 thành phố lớn này.

Với những quan ngại về việc “làm mạnh” sẽ bị phản ứng, bà Nga phân tích, không thể có một giải pháp làm hài lòng tất cả các đối tượng trong xã hội nên lợi ích thiểu số phải nhường cho lợi ích cộng đồng.

“Nếu không làm ngay tất cả những gì có thể làm, chúng ta sẽ lại đành bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết vào năm sau” - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật kết lại.

P.Thảo