1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ chìm trong khói bụi

Xuyên qua lớp khói trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, những chiếc xe phải giảm tốc độ chỉ còn 50-60km/h. Đang bon bon, anh Cường, lái xe khách Giáp Bát - Đò Quan (Nam Định) phanh cháy đường tránh chiếc xe trước mặt, hành khách đang gà gật bừng tỉnh.

Anh Cường (Công ty cổ phần xe khách 27-7), mồ hôi rịn trên trán, thốt lên: "Đi kiểu này thì chết. Khói mù trời sao mà nhìn thấy đường". Anh cho hay, suốt dọc đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, rồi đoạn từ Phủ Lý về Nam Định, đều gặp cảnh khói đen bay che khuất tầm nhìn, trời càng tối khói càng nhiều. Tình trạng này là do bà con nông dân hai bên đường chất rơm thành đống rồi đốt từ chiều đến nửa đêm.

 

Trời sẩm tối, những đống rơm bên đường thi nhau toả khói, cứ cách mấy chục mét lại gặp một đám khói khiến tài xế liên tục phải giảm tốc độ vì không nhìn thấy đường. Nhiều lái xe cho biết, ôtô đi trên đoạn đường này vào mùa gặt rất nguy hiểm, họ luôn căng thẳng, phải giảm tốc độ và phanh liên tục để tránh các xe khác.

 

Dọc theo nhiều quốc lộ lớn như Láng - Hoà Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường 1B, thường diễn ra cảnh đốt rơm gây khói bụi. Song nghiêm trọng hơn cả là tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, bởi nông dân khu vực này thu hoạch sớm, họ thường sử dụng luôn hệ thống đường gom, taluy sát quốc lộ để tập kết rơm rạ rồi đốt luôn tại đây.

 

Theo chị Ngô Thị Vượng, nông dân xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, trước đây, nông dân thường mang rơm rạ về nhà để lợp mái hoặc đun nấu, song hiện nay các hộ đã có nhà mái bằng và sử dụng bếp than, gas. Không thể để rơm bừa bãi, họ đành đốt đi vừa làm sạch ruộng lại có gio bón. "Sân, vườn các nhà đều chật, không đủ chỗ tích trữ nên đành phải đốt đi", bà Vượng nói.

 

"Chúng tôi chỉ biết đốt rơm làm phân chứ không biết để làm gì khác. Chính quyền xã không nhắc nhở, cấm đoán nên bà con vẫn tự do đốt đi. Tôi nghĩ khói tan thì không gây ô nhiễm môi trường hay tác hại gì", anh Quang, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Tây hồn nhiên nói.

 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Hạt trưởng Quản lý đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, trước mùa gặt nửa tháng, Hạt đã gửi công văn đến các địa phương dọc trên tuyến, yêu cầu chính quyền vận động bà con không phơi rơm rạ trên đường cao tốc, taluy hay đốt rơm gây khói làm ảnh hưởng giao thông. Tuy nhiên, càng vào vụ gặt việc đốt rơm càng nghiêm trọng, dễ nảy sinh tai nạn giao thông. "Đơn vị phải liên tục cho người đi dọn rơm ở đường cao tốc. Tuy nhiên, tuyến cao tốc dài tới 32 km có hàng trăm điểm gặt nên không thể ngăn chặn được", ông Hưng nói.

 

Cho đến nay, đơn vị quản lý đường vẫn chưa xử phạt các lỗi như lấn chiếm hành lang, taluy đường cao tốc hoặc đưa các vật dễ cháy nổ vào hành lang đường theo Luật Giao thông đường bộ, việc xử lý mới dừng lại ở biện pháp nhắc nhở người vi phạm.

 

Theo VnExpress