1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn, nhưng người dân rất bất an

(Dân trí) - Ngày 16/11, sau khi trận động đất lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực Sông Tranh 2 xảy ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát đập Sông Tranh 2 và làm việc với các đơn vị liên quan cùng lãnh đạo địa phương.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời PV báo chí ngay trên thân đập Sông Tranh 2
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời PV báo chí ngay trên thân đập Sông Tranh 2
 
Báo cáo với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng về trận động đất ngày 15/11 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Đặng Phong cho biết, trận động đất này lớn hơn rất nhiều các trận động đất trước đây, khiến người dân trên địa bàn huyện vô cùng lo lắng, hoang mang. 
 

Trong thời gian diễn ra buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp gọi điện thăm hỏi Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam; đặc biệt là đồng bào khu vực Bắc Trà My – nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của động đất. Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bắc Trà My nhanh chóng khắc phục các thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất. Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ đồng bào và nhân dân vượt qua khó khăn.

Ngay sau khi xảy ra động đất, cán bộ bỏ chạy khỏi cơ quan, người dân bỏ chạy khỏi nhà ở; hàng trăm hộ dân quá sợ hãi đã bỏ chạy vào rừng để trú ẩn. Sau đó, các cấp ngành địa phương đã tiến hành vận động người dân quay trở lại nhà, nhưng tình hình chưa ổn định. 

Ông Phong cho biết, vào chiều ngày 15/11, tuy trong giờ học nhưng nhiều phụ huynh đã đến trường để đưa con em về nhà vì lo sợ trước những rung chấn mạnh. Thậm chí buổi tối, nhiều hộ dân không dám ngủ trong nhà mà che bạt ngoài sân để ngủ…

Thực tế trong ngày 16/11, tại thị trấn Bắc Trà My và các khu vực quanh thủy điện Sông Tranh 2, nhiều người dân vẫn còn cảm thấy lo sợ với trận động đất xảy ra vào chiều 15/11. Ở các quán cà phê tại thị trấn Bắc Trà My, nhiều nhóm người vẫn còn túm ba tụm bảy bàn tán xôn xao.
 
Trong buổi làm việc với Bộ Trưởng xây dựng, UBND huyện Bắc Trà My đã báo cáo với Bộ về công tác sửa chữa nhà và công trình công cộng bị hư hỏng do động đất. Theo đó, đến ngày 5/11, có tất cả 864 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó có 8 công trình công cộng. Huyện Bắc Trà My đề nghị hỗ trợ tổng cộng hơn 12,7 tỉ để sửa chữa nhà dân, công trình công cộng và đường giao thông nông thôn.
 
Bộ trưởng thị sát trong thân đập thủy điện Sông Tranh 2
Bộ trưởng thị sát trong thân đập thủy điện Sông Tranh 2

Tại buổi làm việc, đại diện BQL dự án thủy điện 3 – ông Trần Văn Hải cũng thông báo, sau trận động đất mạnh ngày 15/11, đập thủy điện Sông Tranh 2 không có gì bất thường, lưu lượng thấm bình thường (2,77 l/s), không có điểm thấm mới, công trình an toàn.

Đại diện Hội đồng nghiệm thu nhà nước là PGS.TS. Phạm Hữu Si khẳng định: "Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ đập và xác nhận hoàn toàn không có dấu hiệu gì bất thường, giao động của khe nhiệt cũng vậy".

Các nhà khoa học cũng thông báo, khi đưa vào vận hành và xảy ra động đất, kiểm tra lại thì thấy đập hoàn toàn thỏa mãn các tổ hợp tải trọng, tiêu chuẩn động đất vượt 2,5 lần, gia tốc nền cực đại có thể đến 250cm/s2. Tại cao độ ngưỡng tràn (161m) công trình có thể chịu đến 350cm/s2 - mức chịu đựng rất lớn (tương đương cỡ động đất cấp 9 theo thang MSK và mức 6,5 độ richter). Trận động đất chiều qua mạnh 4,7 độ richter, không có tác động gì bất thường. Đây là trận động đất có gia tốc nhỏ hơn nhiều gia tốc thiết kế nên hoàn toàn yên tâm.
 
Trao quà hỗ trợ nhà hư hỏng do động đất đến anh Hồ Văn Xéo (thôn 6, xã Trà Sơn, Bắc Trà My)
Trao quà hỗ trợ nhà hư hỏng do động đất đến anh Hồ Văn Xéo (thôn 6, xã Trà Sơn, Bắc Trà My)
 
Theo ông Lê Tử Sơn – chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, thì trận động đất vừa qua với tâm chấn nằm trong khu vực lòng hồ. Việc dịch xuống lòng hồ như vậy nên rung động đến đập ngắn hơn, vì vậy gia tốc nền và trên mặt đập đều có mức độ lớn hơn các lần trước nhưng các thông số này là các số liệu tốt và đúng, còn việc quy ra cấp mấy còn phụ thuộc máy gia tốc đặt ở đâu, đo như thế nào. “Tất cả đều đặt ở trong lòng đập, chỉ thể hiện phản ứng của đập với động đất chứ không phải mức độ mạnh của động đất. Chúng tôi cho là chấn động gây ra do động đất ở khu vực xung quanh đập ở cấp 7 thang MSK”, ông Sơn nói.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là tâm lý lo lắng của người dân, đặc biệt những hộ dân ở Bắc Trà My. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng thông báo là mức gia tốc nền 268cm/s2 làm mọi người rất hoang mang, đề nghị cơ quan khoa học có phản biện, thông tin lại cụ thể.

Ông Thu phân vân, câu hỏi là tới đây còn những gì nữa, nhiều người dân lo động đất sẽ đến 5,5 độ richter. Mấy chục ngàn hộ dân ở Quảng Nam chắc chắn không công trình nào chịu được mức động đất đó. Chỉ có đập là an toàn trong tình huống này? Các nhà khoa học cần nghiên cứu, giúp thêm vấn đề này.
 
Trao quà hỗ trợ nhà hư hỏng do động đất đến anh Hồ Văn Xéo (thôn 6, xã Trà Sơn, Bắc Trà My)
Bộ trưởng thăm một nhà dân bị hư hỏng ở thôn 6 (xã Trà Tân, Bắc Trà My) bị nứt do động đất ngày 15/11

Ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN cho rằng, việc xây dựng các dự án thủy điện đều phải đảm bảo 5 nguyên tắc. Sự cố động đất kích thích không ai mong muốn, kể cả chủ đầu tư công trình và người dân vùng dự án. Các cơ quan chức năng đều đã vào cuộc theo yêu cầu của Thủ tướng. Dù tất cả khẳng định đập an toàn nhưng đảm bảo an dân, nghiêm túc thực hiện việc chưa tích nước.

Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư tỉnh Quảng Nam nói: "Chúng tôi hết sức lo lắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng không yên tâm ngồi họp nên tối qua tôi về ngay để xử lý, an dân. Trận động đất hôm qua tác động rất lớn, lan tới tận Tam Kỳ, Đà Nẵng và Cù lao Chàm. Lo lắng bất an vì phạm vi động đất ngày một lớn. Người ta không chỉ lo cho dân lân cận khu vực thủy điện mà còn cho người dân khu vực khác."
 
“Vấn đề ko phải là an toàn đập nữa, mà là an toàn của hàng nghìn ngôi nhà. Những ngôi nhà đang nứt dần ra, tối dân cũng không dám ngủ trong nhà nữa. Vấn đề là cần khắc phục ngay để an dân”, ông Hải nói tiếp. Ông Hải khuyên người dân hết sức bình tĩnh, nhưng theo ông, cũng không thể để dân chờ quá lâu được.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng chưa cho tích nước, có thể không cho vĩnh viễn hoặc đến lúc người dân yên tâm hay chỉ tích đến mức độ nào đó phải tính toán thêm. Ngoài ra, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện lắp ráp, sửa chữa thiết bị quan trắc liên quan đến an toàn đập mà tư vấn Thụy Sỹ đã nêu, đặc biệt các thiết bị quan trắc gia tốc nền.

Người dân Bắc Trà My vẫn chưa hết bất an sau những gì đã xảy ra
Người dân Bắc Trà My vẫn chưa hết bất an sau những gì đã xảy ra

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Viện Vật lý địa cầu (Bộ KH-CN) khẩn trương mời chuyên gia nước ngoài đến đánh giá toàn diện an toàn đập. Tư vấn trong nước đã tiến bộ rất nhiều nhưng kinh nghiệm xử lý công trình có sự cố, dự báo, nhận định tương lai vẫn còn hạn chế.

“Phải trả lời được câu hỏi khu vực Sông Tranh 2 này động đất như thế nào, mức cực đại là bao nhiêu. Hiện tôi cũng chưa có ý định nào về việc tích nước nên tôi nhắc lại có thể là vĩnh viễn không tích nước, vấn đề an toàn là số 1. Khi đó, chỉ cần một đường thông để nước thoát bình thường, không cần làm cửa xả đáy. Tiếp tục thành lập đoàn nghiên cứu, phối hợp với chủ đầu tư vì đây là một nhiệm vụ, khi nào hoàn thành thì thôi”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chương trình hỗ trợ như đã cam kết hoặc phát sinh. Việc đầu tư đường bê tông với bà con tái định cư là hợp lý. Đề nghị địa phương kiểm tra phối hợp chủ đầu tư và các bộ ngành liên quan kịp thời xử lý những tình huống đột xuất. Cần nghiên cứu việc điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp của bà con.

C.Bính – P.Thảo