1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Nhân và thầy Khoa

(Dân trí) - Cuộc <a href="http://www9.dantri.com.vn/Sukien/2006/7/129223.vip">viếng thăm bất ngờ</a> của người đứng đầu ngành giáo dục với “một giáo viên quê mùa ở Vân Tảo” đã dấy lên trong dư luận niềm phấn khích đặc biệt. 40 phút gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã cùng trao đổi với thầy giáo Đỗ Việt Khoa những gì?

Sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe và gia cảnh thầy Khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đứng suốt gần 1 giờ đồng hồ thân mật trò chuyện cùng thầy giáo dũng cảm tố cáo tiêu cực - Đỗ Việt Khoa.

Dân trí xin giới thiệu cuộc trò chuyện đặc biệt này:

 

Bộ trưởng Ngyễn Thiện Nhân: Thầy tổ chức dạy thêm đã được phép của địa phương hay chưa?

 

Giám thị Đỗ Việt Khoa: Việc dạy thêm, học thêm là do nhu cầu của các em. Và việc dạy thêm ở nhà tôi là không bắt ép, mà hoàn toàn do các em tự nguyện.

 

Thầy có thấy hiện tượng thầy cô giáo nào tìm cách bắt ép các em phải đi học thêm hay không?

 

Có lẽ không có một thầy cô nào có hành vi bắt ép các em phải học thêm. Bởi học sinh bây giờ khác trước nhiều, nếu ai bắt ép thì các em sẽ lên tiếng ngay lập tức.

 

Các em sẽ lên tiếng với ai?

 

Sẽ lên tiếng với những thầy cô mà các em tin tưởng. Học sinh sẽ gặp ban giám hiệu để phản ánh.

 

Lớp học thêm của thầy có tỉ lệ đỗ đại học cao không? Và học phí buổi học là bao nhiêu?

 

Hiện tại chưa chấm điểm kì thi đại học năm nay nên chưa có kết quả, nhưng hàng năm, tại lớp học thêm của tôi có khoảng 2/3 các em đỗ đại học và 1/3 còn lại đỗ cao đẳng.

 

Thường luyện thi đại học một buổi tôi thu học phí từ 3.000đ đến 4.000đ/em. Tôi cũng có tổ chức các buổi thi thử để cho các em làm quen với môi trường thi đại học.

 

Thầy có phân ra học sinh hay hoàn cảnh gia đình học sinh để giảng dạy không?

 

Thường chỉ có em học khá, giỏi mới có thể theo học lớp luyện thi này của tôi. Các em học lực trung bình thì không thể theo học.

 

Thầy đánh giá thế nào về đề thi đại học từ khi thực hiện 3 chung?

 

Đề ra hiện nay là công bằng cho các em, hiện tượng các em không làm được là do các em chưa có khả năng tự học tốt.

 

Nếu giáo viên dạy đến nơi đến chốn thì các em phải làm được chứ? Ví dụ như các thầy giảng dạy kiến thức và tập kĩ năng làm bài cho các em thật tốt bằng cách cho các em làm nhiều bài tập.

 

Để làm được điều đó thì cần phải thay đổi cách học và cách dạy hiện nay. Ví dụ như bên Mỹ học sinh không cần bắt ép học thêm mà họ vẫn tự học được tốt.

 

Cái này cần có sự hỗ trợ của công nghệ thật tốt thì mới có khả năng ấy.

 

Trò chuyện đến đây, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đột ngột chuyển đề tài:

 

Thầy có nhận được thư hay điện thoại đe doạ không?

 

Có hai lá thư đe doạ tôi, một lá thư được gửi ở bưu điện Phú Xuyên doạ rằng sẽ “làm thịt” con tôi. Một gửi từ bưu điện Vạn Điểm - Phú Xuyên với lời đe “hãy coi chừng”. Còn về thư điện tử thì nhiều vô kể không liệt kê nổi.

 

Thầy đã báo với chính quyền địa phương chưa?

 

Tôi đã báo với chính quyền địa phương nhưng với hình thức thư điện tử thì chính quyền mình chịu. Ở thư điện tử thì số người ủng hộ là chính nhưng có một số người gửi tin đến nói đại loại như: “Thầy làm xấu hổ ngành giáo dục Hà Tây, vì thầy sĩ diện muốn nổi tiếng nên bà con khổ vì thầy, do đó thầy phải trả giá”.

 

Chính quyền địa phương đã xử lý ra sao?

 

Tôi đã báo lên và nộp hai lá thư lên đó lên chính quyền địa phương và nhờ họ so chữ để truy tìm người viết.

 

Mấy ngày qua nhà trường có gặp gỡ và trao đổi thêm gì với thầy không, về công việc chẳng hạn?

 

Không, chỉ có sau khi thanh tra liên ngành về làm việc với Sở Giáo dục Hà Tây. Khoảng 11h30 kết thúc thì thầy hiệu trưởng có nói chuyện với tôi bảo: “Thôi, để chúng ta rút kinh nghiệm và năm sau sẽ thay đổi”. Nhưng với những sai phạm của thầy hiệu trưởng, tôi phải tiếp tục đấu tranh. Ví dụ như chuyện cấy điểm ở trường, thầy hiệu trưởng bắt thực hiện chỉ tiêu 47,8% học lực yếu, 0,2% học lực kém, 30% học lực khá giỏi, cứ thế mà cho vào sổ. Do trường chủ yếu là giáo viên trẻ nên họ đều răm rắp thực hiện, không ai dám chống lại. Chỉ có tôi dám đấu tranh.

 

Cũng trong cuộc thanh tra liên ngành họ có nói: nơi khác họ làm thế thì tôi mới bắt anh làm như thế. Chính vì chuyện cấy điểm này nên các em không chịu học. Đặc biệt có hai lớp các em không biết một cái gì, đến nỗi làm phép tính cộng phân số cũng không làm nổi trong khi các em học lớp 11, có em còn viết sai lỗi chính tả nghiêm trọng.

 

Nếu như có cuộc thanh tra của Bộ sẽ thấy họ bắt giáo viên cấy điểm rất nhiều không chỉ ở trung học mà còn cả ở tiểu học và cơ sở. Đây cũng là căn nguyên họ bắt ép những giám thị chúng tôi làm ngơ cho các em quay cóp. Vừa rồi thông qua trang web cá nhân mà tôi thấy tình hình rất phổ biến trong cả nước chứ không chỉ riêng gì Hà Tây.

 

Họ gửi về cho thầy à?

 

Vâng, họ gửi về và đó là sự thật. Bộ trưởng có thể xem trên trang web cá nhân của tôi. Hàng nghìn ý kiến trên cả nước được gửi về đây và tôi rất đau lòng. Tôi chỉ biết cảm ơn bạn đọc đã trao đổi những ý kiến đó với tôi. Qua đây tôi cũng mong Bộ trưởng và các cấp ngành kết hợp với chúng tôi để giải quyết triệt để tình trạng này.

 

Nghe đến đây, Bộ trưởng đề nghị: Thầy có thể gửi những thông tin phản ánh này vào địa chỉ email của tôi để chúng tôi kiểm tra lại. Sáng nay, Hội đồng giáo dục quốc gia có họp với sự hiện diện của Thủ tướng bàn về vấn đề tiêu cực giáo dục và Thủ tướng sẽ kiên quyết đấu tranh để dẹp bỏ những tiêu cực thi cử. Bộ Giáo dục sẽ có một phong trào đặc biệt để cả nước sẽ nói không với tiêu cực thi cử trong năm học sắp tới. Đây là chủ trương lớn của ngành giáo dục và sẽ công bố chi tiết vào ngày 31/7 tới, khi cả nước tổng kết năm học 2005-2006 và chuẩn bị công tác cho năm học mới.

 

Như chợt nhớ điều gì, thầy Khoa hỏi thêm: Nếu một Chủ tịch hội đồng thi mà khi tôi đang coi thi bắt ép tôi ra ngoài  để cho thí sinh quay cóp thì sẽ xử lý ra sao?

 

Cái này Sở Giáo dục Hà Tây đang xem xét và sẽ xử lý kỉ luật với những người liên quan. Khi nào có kết quả Sở sẽ công bố. Tôi tin rằng Hà Tây sẽ làm nghiêm túc.

 

Việc thanh tra này có vẻ như chưa trung thực, ví dụ như xử lý Chủ tịch hội đồng là chưa thoả đáng.

 

Cái này tỉnh Hà Tây đã biết rồi, và tỉnh sẽ làm triệt để việc này.

 

Có rất nhiều ý kiến của bạn đọc cả nước muốn trao đổi vấn đề tiêu cực và họ muốn nhờ tôi chuyển lời tới Bộ trưởng.

 

Tôi rất hoan nghênh và mong mọi người có thông tin rõ ràng, có cái địa chỉ để cần thì mình liên hệ lại, trao đổi thêm. Tôi đã làm việc Sở GD-ĐT TPHCM, Hà Tây và sắp tới là một số tỉnh khác để nắm vững thực tiễn hơn, để cùng triển khai chống tiêu cực trong thi cử trong năm tới.

 

Mai Minh - Trần Huy (ghi)

Dòng sự kiện: Giám thị tố giám thị