1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện những "hiệp sĩ" luôn túc trực cứu người... tự tử

(Dân trí) - Từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, cầu Cần Thơ bất đắc dĩ trở thành “chứng nhân” cho những người… chán sống. Có người nhảy xuống sông đã bị tử thần “đón đi” nhưng cũng có người may mắn được những “hiệp sĩ đường sông” cứu sống kịp thời.

Cầu Cần Thơ được khánh thành vào tháng 4/2010, đến nay đã hơn 2 năm đi vào sử dụng. Cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á này đã chứng kiến biết bao nhiêu niềm vui của người dân khi việc đi lại của họ trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Nhưng cây cầu này cũng trở thành “chứng nhân” bất đắc dĩ của bao nỗi buồn tủi khi nhiều người… chán sống tìm đến đây để quyên sinh.

Từ ngày khánh thành đến nay, cầu Cần Thơ bất đắc dĩ phải chứng kiến nhiều cái chết đau lòng.
Từ ngày khánh thành đến nay, cầu Cần Thơ bất đắc dĩ phải chứng kiến nhiều cái chết đau lòng.

Những người chọn cái chết nhưng may mắn sống sót

Về xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) dưới chân cầu Cần Thơ, hỏi đội dân phòng “hiệp sĩ đường sông” xã Mỹ Hòa có lẽ ai cũng biết. Chỉ huy đội dân phòng này là một “hiệp sĩ” đã có tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, đủ sức để cùng Đội dân phòng đường sông Mỹ Hòa tuần tra ngày đêm trên khúc sông Hậu chảy qua địa bàn để kịp thời bắt cướp hay ứng cứu những trường hợp bị tai nạn trên sông.

Tiếp xúc với chúng tôi, “hiệp sĩ” Dương Công To cho biết, đã có nhiều vụ nhảy cầu Cần Thơ mà đội dân phòng của ông kịp thời phối hợp ứng cứu giành lại sự sống cho các trường hợp… chán sống.

Ông To kể lại, đó là sáng sớm ngày 5/5/2011, một người dân lưới cá trên sông cứu được một người nhảy cầu Cần Thơ tự tử trong tình trạng bị thương nhẹ tên là N.H.H.T., sinh viên một trường ĐH ở Cần Thơ. Ông To và anh em trong đội liền đưa T. về nhà sơ cứu tỉnh lại, sau đó mới đưa T. vào bệnh viện điều trị thêm.

Bốn ngày sau đó, một người phụ nữ tên P.T.H (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) do buồn chuyện làm ăn nên cũng lên cầu Cần Thơ tự tử. Nạn nhân may mắn được anh Bùi Minh Tâm (đội phó đội dân phòng) phát hiện cứu kịp thời. Thông tin được báo lên ông To, ngay tức thì, ông To cùng anh em trong đội sơ cứu ban đầu rồi đưa chị H. đến bệnh viện gần đó cấp cứu.

Từ ngày khánh thành đến nay, cầu Cần Thơ bất đắc dĩ phải chứng kiến nhiều cái chết đau lòng.
Với độ cao 40m từ trên cầu xuống mặt sông, người nhảy cầu tự tử khó sống nếu không có sự ứng cứu kịp thời của ai đó

Một trường hợp khác là vào ngày 4/2/2012, chị N.T.L.L ở tận huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đi từ nhà lên cầu Cần Thơ để… tự tử giữa đêm khuya. Chị L. may mắn được người dân đi lưới cá phát hiện vớt kịp và đưa về đội dân phòng sơ cứu. Chị L. sau đó được đội dân phòng của ông To đưa đi điều trị ở bệnh viện, một thời gian hồi phục sức khỏe và trở về nhà.

Rồi 2 tháng sau, một nam thanh niên tên N.H.G (26 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cũng lên cầu Cần Thơ tự tử vào đúng 2 năm ngày khánh thành cầu 24/4/2012. Theo ông To cho biết, nam thanh niên này nhảy cầu lúc 2 giờ sáng và rất may vào thời điểm đó, anh Bùi Minh Tâm có công việc thức dậy sớm đã kịp thời hô hoán anh em chèo ghe ra cứu.

Một trường hợp gần đây nhất là vào ngày 3/5/2012, lúc 12h trưa, một người đàn ông tên P.M.H (ngụ quận Bình Thủy, Cần Thơ) đã nhảy cầu và được lực lượng của ông To phát hiện cứu kịp thời.

Cứu người từ cái tâm

“Hiệp sĩ” Dương Công To kể, từng có những trường hợp nhảy cầu xảy ra trong hoàn cảnh “cười ra nước mắt”. Đó là mấy ngày sau ngày khánh thành cầu (24/4/2012), một đôi thanh niên nam nữ ngụ quận Bình Thủy tên là L.T.S và N.T.B.Đ cùng lên cầu với ý định tự tử. Nghe đâu vì đôi trai gái này buồn chuyện tình cảm nên muốn “sống cùng sống, chết cùng chết”. Nhưng khi chàng trai đã lao mình xuống sông, cô gái vì quá sợ đã ngất xỉu ngay ở trên cầu và được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hậu quả chàng trai chết mà cô gái may mắn sống sót.

Theo “hiệp sĩ” Dương Công To, từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, đã có khoảng 16 trường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử. Trong đó có 5 trường hợp được cứu sống, còn lại đều bị tử thần mang đi. Cầu Cần Thơ là một trong những cây cầu có độ cao nhất ở Việt Nam với độ cao từ cầu đến mặt sông là 40m, những trường hợp nhảy cầu nếu may mắn thoát chết thì cũng bị ảnh hưởng ít nhiều về thể trạng và tinh thần. Ông To cho hay, qua những trường hợp cứu sống sau khi ổn định lại sức khỏe và tinh thần thì họ đều thấy rất sợ… cái chết. Do đó, nhiều người đã bày tỏ rằng, họ nhận ra được sự sống quý báu đến nhường nào và tự tử là điều dại dột nhất.  

Chia sẻ với chúng tôi, “hiệp sĩ” Dương Công To cho biết, sau khi biết có những trường hợp nhảy cầu mà không chết là do được cứu kịp thời, ông đã phân công anh em trong đội dân phòng thường xuyên phối hợp túc trực để sẵn sàng ứng phó với những trường hợp xấu nhất.

Đội hiệp sĩ đường sông đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử.
Đội "hiệp sĩ đường sông" đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử.
 

Được biết, Đội dân phòng đường sông Mỹ Hòa của “hiệp sĩ” Dương Công To hoạt động chủ yếu từ sự đóng góp sức lực của anh em ở địa phương. Đa phần anh em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và dù hàng ngày tất bật với công việc mưu sinh nhưng họ luôn sẵn sàng có mặt kịp thời khi nhận được thông tin có trộm cướp trên sông hay ai đó nhảy cầu tự tử.

 

“Chúng tôi hoạt động cho đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ gì của Nhà nước mà chỉ chủ yếu bằng tất cả sự nhiệt tình của anh em trong địa phương. Bởi với chúng tôi, cứu người là trên hết và xuất phát từ cái tâm, đó cũng là việc làm mà anh em chúng tôi có thể làm được cho người dân, cho quê hương đất nước”- anh em Đội dân phòng đường sông Mỹ Hòa chia sẻ.

 

Huỳnh Hải