1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Các “ông lớn” hứa không để công nhân mất việc làm

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng nay, 16/12, nhiều tập đoàn, TCty đã thể hiện quyết tâm tâm không để công nhân mất việc làm. Các tập đoàn cũng đề đạt những giải pháp “nóng” để thực hiện gói giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết của Chính phủ về Chống suy giảm kinh tế với các tập đoàn, TCty nhà nước.

Phải giảm mạnh lãi suất

Trong phát biểu mào đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự báo năm 2009, tăng trưởng của Mỹ sẽ âm 0,7%, châu Âu âm 0,5%, Nhật Bản âm 0,2%. Trong nước, suy giảm kinh tế đã biểu hiện rất rõ, nếu không ngăn chặn để suy giảm sâu, với mức tăng trưởng chỉ 1 - 2% sẽ rất gay go…

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV), Trần Bắc Hà góp ý, để tăng trưởng đạt 6 - 6,5% tăng trưởng tín dụng của năm 2009 phải từ 25 - 30%. Cùng đó, thực hiện công khai minh bạch các dự án bất động sản, cho vay các dự án đang hoàn hoàn thiện, những dự án có kế hoạch hợp lí. Trong đó, việc xây khách sạn, văn phòng cho thuê và nhà ở xã hội cần được ưu tiên.

Về việc cho cán bộ, công nhân viên vay mua nhà trả góp, theo ông Hà nên cho vay trong 20 - 25 năm thay vì 10 - 15 năm như hiện nay.

Với thị trường chứng khoán, ông Hà nhìn nhận “hình như đang buông thị trường này”. Ông đề nghị lùi thời điểm thực thi luật Thuế Thu nhập cá nhân nói chung, khoản thu từ chứng khoán nói riêng đến năm 2010. Theo ông Hà, nguồn thu từ chứng khoán hiện không lớn, trong khi nếu trì hoãn khoản thu này sẽ có giá trị tinh thần rất lớn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân đề nghị tiếp tục hạ lãi suất xuống khoảng 8%, bởi theo ông lãi suất cơ bản 10% như hiện nay không phù hợp với bối cảnh chung của thế giới và sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Trước đó, Thủ tướng cũng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng đang giảm, tháng 12 có thể âm nên lãi suất phải tiếp tục giảm, giảm mạnh hơn nữa. “Ngân hàng khó khăn thanh khoản, nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách khác và đây chính là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, nguồn vốn từ chứng khoán đang khó khăn, vốn tự có của doanh nghiệp ít, nguồn vốn lúc này phải dựa nhiều vào ngân hàng.

Liên quan đến việc kích cầu, đại diện Tập đoàn lắp máy hiến kế, nên tận dụng sắt, xi măng để làm đường. Chia sẻ với ý kiến này Thủ tướng cho rằng, nhiều đường xi măng đã làm trước đây chất lượng rất tốt, nhưng hiện chúng ta chưa có tiêu chí về đường này nên Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT ban hành tiêu chí.

Cũng về kích cầu đầu tư, ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than, Khoáng sản cho biết, tập đoàn đã đầu tư một số dự án cho Tây Nguyên, dự kiến lãi không nhiều, nhưng tập đoàn cũng đã đầu tư xây dựng một số trường học tại đây.

Theo ông Kiển, HĐQT của tập đoàn coi đây hạng mục của dự án nhằm chuẩn bị nhân lực cho tương lai và cũng là biện pháp kích cầu, nhưng làm xong vẫn thấy… thấp thỏm. Ông mong Chính phủ sớm có văn bản để tập đoàn có thể thực hiện tốt việc này.

Không để công nhân mất việc làm

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà nêu ý kiến, khoản 1 tỉ USD của Chính phủ chỉ nên bố trí cho 15 - 20 dự án, không nên bố trí dàn trải. Với những dự án này, nguồn vốn tự có chiếm 15 - 20%, khoản “mồi” của Chính phủ sẽ chiếm khoảng 20 -30%, trong khi với phần còn lại, Ngân hàng sẽ thực hiện cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp.

Chủ tịch tập đoàn Dệt may, ông Lê Quốc Ân, lại cho rằng nếu cấp nguồn tiền này cho các dự án lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được hưởng. Tuy nhiên, ông Ân cũng “đề đạt”, tập đoàn của ông đang có những dự án sản xuất vải, may mặc cao cấp và đề nghị được hưởng nguồn hỗ trợ này. Nếu được bù lãi suất từ nguồn này, tập đoàn thực hiện ngay một số dự án bị đình do lãi suất cao.

Ông Nguyễn Hữu Bằng, Tổng Giám đốc TCty đường sắt Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp nhỏ có cái khó của doanh nghiệp nhỏ, nhưng doanh nghiệp lớn cũng có cái khó của mình, ông đề nghị hỗ trợ cho tất cả. Về dãn, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Bằng đề nghị thực hiện chung, bởi nếu không “chúng tôi cũng xem mình nhỏ để đi xin”.

Về các giải pháp an sinh xã hội, ông Trần Bắc Hà áng chừng trong hai năm các Tập đoàn, TCty nhà nước có thể đóng góp 4 ngàn tỉ đồng. Ông Hà đề nghị, nên giao cho mỗi đơn vị hoặc một vài đơn vị đảm nhận hỗ trợ một huyện nghèo, thực hiện từ đầu đến cuối.

Ông Lê Quốc Ân đề nghị cấp thẳng hỗ trợ cho các hộ nghèo ở các vùng khó khăn. “Nếu làm như thế chắc rằng, ngành dệt may sẽ bán được cho các hộ này một số sản phẩm trong dịp Tết”, ông Ân phân tích.

Ông Ân cũng cho biết, tập đoàn sẽ cố gắng duy trì công ăn việc làm của cán bộ, công nhân viên trong ngành và coi đây là mục tiêu hàng đầu. Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than, Khoáng sản cũng tự tin, tập đoàn sẽ “không để một công nhân nào mất việc làm”.

Cấn Cường