1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Tư pháp tiếp tục “bắt lỗi” văn bản của Bộ Tài chính

(Dân trí) - Sau khi “tuýt còi” các văn bản của Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hồ Chí Minh, Cục kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tiếp tục chỉ ra bất cập trong văn bản điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu của Bộ Tài chính.

Ngày 4/9, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - đã có công văn gửi Bộ Tài Chính yêu cầu Bộ này khẩn trương kiểm tra, xử lý các nội dung không phù hợp với quy định pháp luật của quyết định số 123/2008/QĐ-BTC (ngày 26/12/2008) về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng.

Theo ông Lê Hồng Sơn, quyết định số 123 được đăng công báo ngày 18/1/2009 và theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002, quyết định 123 phải có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Điều này có nghĩa, mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu điều chỉnh tại quyết định số 123 cần được áp dụng đối với đối tượng đăng ký tờ khai hải quan với cơ quan hải quan kể từ ngày 2/2/2009 trở về sau mới chuẩn xác.

Thế nhưng, điều 3 của quyết định số 123 lại quy định “quyết định 123 áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 1/1/2009”.
Bộ Tư pháp tiếp tục “bắt lỗi” văn bản của Bộ Tài chính  - 1
Một số doanh nghiệp thép cho rằng, họ đã bị thiệt từ qui định về thời điểm có hiệu lực của văn bản 123

Như vậy, văn bản của Bộ Tài chính không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hiệu lực của văn bản. Từ quy định hiệu lực của quyết định 123 như vậy đã khiến một số mặt hàng, trong đó có thép Bo, bị điều chỉnh theo hướng tăng thuế và sẽ bị truy thu thuế.

Trước đó, Bộ Tư pháp đã có các buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Công an để thảo luận về nội dung nêu trên.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn khẳng định nội dung quy định về hiệu lực văn bản tại quyết định số 123 là phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong phạm vi thẩm quyền được giao, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc điều hành chính sách thuế suất nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước và kiềm chế nhập siêu.

Như vậy, trong khoảng thời gian ngắn gần đây, Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã liên tục “tuýt còi” các văn bản của 2 Bộ và 1 thành phố.

Đầu tiên, cơ quan này bác lại đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc áp dụng mức phạt cao gấp đôi đối với các hành vi vi phạm giao thông tại Hà Nội và TPHCM. Cách thời điểm văn bản của Bộ Tài chính bị “thổi còi” 5 ngày (31/8), một văn bản qui định về kinh doanh nông sản, thực phẩm của UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã bị “bắt lỗi”.  

Tân Thảo