1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Tư pháp “tuýt còi” đề xuất tăng mức phạt giao thông

(Dân trí) - Do không phù hợp với Hiến pháp hiện hành, văn bản đề xuất tăng mức phạt vi phạm an toàn giao thông tại Hà Nội, TPHCM cao hơn các địa phương khác của Bộ GTVT đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”.

Bất bình đẳng và không khả thi

Theo dự thảo Nghị định qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ GTVT xây dựng, mức phạt được áp dụng tại hai địa phương là Hà Nội và TPHCM có thể cao hơn đến 100% so với mức quy định chung.


Tuy nhiên, Bộ Tư pháp không tán thành quy định  này bởi theo lập luận của Bộ Tư pháp, Điều 52 Hiến pháp năm 1992 quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên theo đó người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng đều bình đẳng trước các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chế tài. Nguyên tắc bình đẳng này đòi hỏi cơ chế áp dụng pháp luật thống nhất trên toàn quốc, tránh việc cùng một hành vi vi phạm nhưng chủ thể thực hiện ở mỗi nơi lại bị áp dụng quy định xử phạt khác nhau.


Theo Bộ Tư pháp, việc phân biệt mức xử phạt tiền khác nhau nói trên không phù hợp với điều kiện kinh tế của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do số lượng khá lớn người có thu nhập thấp, thậm chí là thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó số lượng người ngoại tỉnh tham gia giao thông ở 2 thành phố này là rất lớn nên do vậy, mức phạt cao sẽ được áp dụng đối với cả đối tượng này sẽ gây ra sự bất bình đẳng và không khả thi.
 

Bộ Tư pháp “tuýt còi” đề xuất tăng mức phạt giao thông - 1

Hành vi "trốn" đội MBH vẫn đang diễn ra rất phổ biến tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Phúc Hưng)

Chủ phương tiện có bị “phạt trách nhiệm”?

Bộ Tư pháp cũng phản đối việc quy định chủ sở hữu phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ chấp hành hình thức xử phạt bằng tiền đối với hành vi vi phạm không do họ thực hiện. Theo Bộ Tư pháp, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước, trong khi đó, đối tượng là chủ sở hữu phương tiện chưa xác định được có phải là người thực hiện hành vi vi phạm hay không.

Việc xác định trách nhiệm hành chính phải trên cơ sở hành vi vi phạm của một chủ thể nhất định chứ không thể căn cứ vào phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Bộ Tư pháp khẳng định, trên thực tế việc xử phạt sẽ không khả thi đối với những phương tiện đã được chuyện nhượng qua nhiều chủ sở hữu khác nhau mà không làm thủ tục sang tên. Điều này xuất phát từ việc quản lý đăng ký phương tiện hiện nay chưa tốt nên đối với các phương tiện, đặc biệt là xe máy, trong nhiều trường hợp, cơ quan quản lý thường không thể nhanh chóng xác định được chủ sở hữu phương tiện dẫn đến kéo dài thời hạn xử lý vụ việc.

Trao đổi với Dân trí, bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cho biết: “Bộ GTVT đã nhận được văn bản của Bộ Tư pháp. Hiện Bộ đang xem xét điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp với các quy định và kiến nghị của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ”. Về đề xuất cho phép TP Hà Nội và TP.HCM tăng mức xử phạt, bà Hiền cho biết Bộ GTVT sẽ có văn bản giải trình cụ thể những ý kiến khác nhau. 

 

Liên quan đến quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm, Bộ Tư pháp nhất trí với quy định này nhưng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cách thức xác định đội tuổi của trẻ em để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng khi thi hành quy định này.

Phúc Hưng