Bộ trưởng Nội vụ: Không phải ngẫu nhiên cải cách công vụ trở thành xu thế

Thế Kha

(Dân trí) - "Không phải ngẫu nhiên, cải cách công vụ trở thành xu thế, nội dung trọng tâm trong đổi mới quản trị công ở mọi quốc gia như một giải pháp cho phát triển bền vững", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Tại Hội nghị EROPA 2023 với chủ đề "Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững" do Học viện Hành chính Quốc gia đăng cai tổ chức sáng 17/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với không ít thách thức về phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nội vụ: Không phải ngẫu nhiên cải cách công vụ trở thành xu thế - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Văn Thủy).

"Các cú sốc nặng nề, đa chiều do tác động của Covid-19, cùng với biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, những xung đột với nhiều cấp độ khác nhau tại một số quốc gia, diễn biến phức tạp của đời sống quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, theo bà Trà, đang phải đối mặt với không ít hệ lụy trong thời kỳ hậu đại dịch. Do đó, việc lựa chọn vấn đề quản trị công với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cho thấy vai trò, trách nhiệm của EROPA trước các vấn đề cần giải quyết của khu vực và toàn cầu.

Quản trị công trong thời đại ngày nay phải thực sự là quản trị phát triển, có khả năng kiến tạo các viễn cảnh và tìm ra con đường để đi đến viễn cảnh tươi sáng đó.

Để kiến tạo phát triển bền vững, vai trò của nền quản trị công, nền công vụ ở mỗi quốc gia cần được khẳng định và thể hiện đầy đủ hơn.

"Không phải ngẫu nhiên, cải cách công vụ đã trở thành xu thế, nội dung trọng tâm trong đổi mới quản trị công ở mọi quốc gia như một giải pháp cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai", Bộ trưởng Nội vụ nhận định.

Với nỗ lực phục hồi và thúc đẩy phát triển bền vững, bà Trà thông tin, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách đột phá. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế số, xã hội số…

Việt Nam đồng thời tập trung các nguồn lực cho mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Sự nỗ lực của nền công vụ, quản trị công ở Việt Nam đã được ghi nhận bằng thành tựu duy trì tăng trưởng tốc độ trong giai đoạn dài và năm 2022, Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng 8,02%.

Năm 2023, điều kiện phát triển toàn cầu có không ít khó khăn làm cho kinh tế của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Nhưng những dự báo của các tổ chức kinh tế có uy tín, tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam vẫn rất khả quan ở mức trên 5%.

"Điều đáng ghi nhận là giá trị tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và môi trường sinh thái, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Thành tựu tăng trưởng ấn tượng đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có sự đóng góp của nền công vụ", nữ Bộ trưởng thông tin tại hội nghị. 

Bộ trưởng Nội vụ: Không phải ngẫu nhiên cải cách công vụ trở thành xu thế - 2

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, không phải ngẫu nhiên, cải cách công vụ đã trở thành xu thế, nội dung trọng tâm trong đổi mới quản trị công ở mọi quốc gia (Ảnh: Văn Thủy).

Từ thực tiễn đó, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng nền công vụ cần có khả năng nhận diện ra cơ hội phát triển và nhìn nhận sâu sắc những rủi ro tiềm ẩn có thể phương hại đến phát triển bền vững, đưa ra lựa chọn chính sách hài hòa giữa các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Nền công vụ cũng cần khả năng kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, tin tưởng hội nghị EROPA 2023 sẽ thêm một lần nữa chứng tỏ tinh thần hợp tác chặt chẽ, sự thống nhất ý chí của các nhà hành chính công, các tổ chức và cá nhân thành viên của EROPA.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu hóa, đa cực hóa, phát triển hòa bình đã thể hiện đặc biệt rõ nét tại châu Á-Thái Bình Dương, đưa Châu Á- Thái Bình Dương trở thành khu vực năng động và có tiềm năng lớn nhất trên thế giới.

Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) chính thức thành lập năm 1960, bao gồm thành viên từ các quốc gia, các tổ chức và cá nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 thành viên cấp nhà nước, 58 thành viên là các viện, học viện hay các trường hành chính công, trường đại học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị nhà nước và hành chính công được công nhận. Ngoài ra, EROPA còn có 229 thành viên tham gia với tư cách cá nhân.

Đây là tổ chức đầu tiên trong khu vực đặc biệt coi trọng việc phát triển nền hành chính công nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong các nước khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Trong hơn 30 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia đã tham gia tích cực và khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín trong các hoạt động của tổ chức này.