1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng LĐ,TB&XH: Nâng chuẩn để đảm bảo mức sống của người nghèo

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ đang xây dựng chuẩn nghèo mới, thực hiện từ 1/1/2016 cao hơn để đảm bảo giá trị đồng tiền, mức sống của người nghèo. Ngoài ra, người nghèo phải tiếp cận được những dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục…

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định chuẩn nghèo của Việt Nam đã được nâng dần từng bước.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định chuẩn nghèo của Việt Nam đã được nâng dần từng bước.

Đăng đàn trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối qua, 19/10, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc mới đây có khẳng định Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm so với cam kết với cộng đồng quốc tế. Nói cách khác Việt Nam là một trong 6 quốc gia thực hiện sớm nhất mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo.

Khẳng định đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Bộ trưởng Hải Chuyền dẫn chứng, Ban Chấp hành Trung ương đã có một Nghị quyết riêng về công tác an sinh xã hội trong đó lấy giảm nghèo là một trong những mục tiêu phấn đấu để đạt được với thời gian sớm nhất.

Chính vì vậy, Chính phủ đã triển khai và ban hành nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ người nghèo, ví dụ về thực hiện đất sản xuất, vay vốn, kinh phí đồng bào vùng sâu vùng xa với mức cao để bảo vệ rừng, thoát nghèo bền vững. Nhà nước cũng hỗ trợ về y tế, hộ nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế toàn bộ mệnh giá, hộ cận nghèo được 70% thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, nước sạch.

“Và trong mỗi chương trình Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng Bộ và các Bộ thực hiện với quyết tâm cao, dành nguồn lực lớn cho các chương trình hỗ trợ này” – bà Chuyền nói.

Ngoài ra, nhà nước cũng có Chương trình 30A hỗ trợ 64 huyện nghèo đầu tư hạ tầng thiết yếu, công trình thủy lợi, giao thông phục vụ đời sống dân sinh vùng đồng bào khó khăn, cùng với đó những huyện còn khó khăn cũng hỗ trợ 30 huyện nữa với mức 70% đầu tư cho cơ sở hạ tầng của huyện đó, giúp cho người nghèo phát triển sản xuất và đời sống khá hơn.

Theo xu hướng nâng mức chuẩn nghèo quốc tế (lần đầu tiên trong 10 năm, Ngân hàng Thế giới quyết định điều chỉnh chuẩn nghèo từ mức 1,25 USD/người/ngày lên 1,9 USD, tương đương mức 40.000 đồng/người/ngày), Bộ trưởng LĐ,TB&XH cho biết, Việt Nam cũng từng bước nâng chuẩn nghèo của mình lên. Giai đoạn 2006-2010, chuẩn của Việt Nam ở vùng nông thôn là 200.000/người/tháng và thành thị là 260.000/người/tháng; Giai đoạn 2011-2015 nông thôn là 400.000 đồng, thành thị là 500.000/người/tháng.

Đến giai đoạn tới 2016-2020, theo nữ Bộ trưởng, chuẩn nghèo sẽ phải nâng cao hơn nữa để đảm bảo giá trị đồng tiền, mức sống của người nghèo và cải thiện đời sống cho người dân (thời gian thực hiện là từ 1/1/2016).

Và theo chuẩn thế giới, xoá nghèo không chỉ là lo cho người nghèo đủ ăn mà phải có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tối thiểu. Chính vì vậy xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ LĐ,TB&XH đã nghiên cứu đề xuất làm chuẩn nghèo đa chiều. Theo đó, chuẩn nghèo mới vẫn bao gồm tiêu chí về mức thu nhập (cao hơn mức hiện nay) và tính tới việc để người nghèo phải tiếp cận được những dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin…

Về lo ngại với tình trạng phân tán, chia lẻ và chồng chéo các nguồn lực của chính sách giảm nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ rà soát lại tất cả chính sách đối với người nghèo, trên cơ sở đó phân công lại trách nhiệm của từng ngành trong từng lĩnh vực.

“Chẳng hạn như, về chăm sóc sức khỏe, ngành y tế, giáo dục phân cho ngành giáo dục về đất nhà ở, chăm sóc bảo vệ rừng thuộc ngành nông nghiệp. Nói tóm lại, mỗi ngành phải có trách nhiệm cụ thể trong từng chỉ tiêu giảm nghèo, đồng thời là chuyển từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia nói chung còn 2 chương trình. Trong đó là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, như vậy nguồn lực sẽ tập trung hơn vào những đối tượng địa phương còn khó khăn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo” – người đứng đầu ngành LĐ,TB&XH chỉ rõ.

P.Thảo