1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bảo hiểm y tế không có quyền “kén” bệnh viện

(Dân trí)- Quy định đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là nội dung gây nhiều tranh cãi nhất trong buổi thảo luận về luật bảo hiểm y tế tại QH sáng 21/10. 46 đại biểu đăng ký phát biểu, vẫn còn 19 người chưa được nói. Ít dự thảo luật “hút” chú ý đến vậy!

“Khó” từ cơ sở y tế ban đầu

Quy định về việc người tham gia BHYT phải đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là bức xúc hầu như không bỏ qua trong tất cả các phát biểu, góp ý tại hội trường. Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) “tung” vấn đề đầu tiên. Đại biểu Lợi tỏ ý cảm thông quy định “trói” người bệnh này là để tránh quá tải tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng chỉ có thể “thỏa hiệp” trong phạm vi, người sử dụng thẻ có thể khám chữa bệnh ở tất cả các bệnh viên đa khoa cấp huyện.

Đại biểu Bá Thanh Kiên (Phú Yên) không giấu phản ứng: “Quy định phải đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là bất bình đẳng, gây khó khăn cho người sử dụng thẻ BHYT về việc đúng tuyến hay trái tuyến”. Ông Kiên đặt giả thiết, người có thẻ BHYT ốm bệnh và cần khám chữa khi đang đi công tác thì phải quay về địa phương, khám đúng cơ sở ghi trên thẻ thì mới được bảo hiểm chi trả? Quy định này tạo cho cơ sở y tế ban đầu “quyền”… gây khó dễ mà người bệnh vẫn ca thán lâu nay.

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) “nhắm” trúng điểm hở sườn trong quy định. Ông Việt phân tích, Điều 26, đọc qua có vẻ đề cao dân chủ: “người tham gia BHYT được lựa chọn một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để đăng ký khám, chữa bệnh thuận tiện với nơi cư trú hoặc nơi làm việc”, nhưng lại “đèo” thêm nội dung: “nhưng phải theo quy định của Bộ Y tế”. Ông Việt làm điệu bộ nhún vai, phân trần: “Như vậy thì đâu còn là ý chí của tôi nữa”.

“Ông nghị” Việt cũng quả quyết, Bộ Y tế không có quy định nào về việc chọn bệnh viện như vậy. Theo ông, cũng không người bệnh nào sống ở Hậu Giang như ông là lại muốn đăng ký một bệnh viện ở Hà Nội để khám chữa bệnh ban đầu.

Đại biểu tỉnh Kiên Giang, Bùi Quang Bình “xuống nước” đôi chút, nêu ý kiến để người tham gia bảo hiểm được lựa chọn nhiều cơ sở y tế ban đầu mà họ tín nhiệm, rồi tiến tới bỏ quy định phải đăng ký trước. Theo ông Bình, làm thế cũng là một cách tạo động lực để tất cả các đơn vị, cơ sở y tế phải làm tốt hơn để hút khách.

Bác sĩ Trần Đông A (đại biểu TPHCM) lại nêu những câu chuyện thực tế nghề nghiệp của mình liên quan đến vấn đề này. Đại biểu này cho biết, không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra do tình trạng quá tải ở các bện viện cấp TƯ từ việc miễn phí khám chữa bệnh hoàn toàn cho trẻ dưới 6 tuổi. Không phải vô lý mà ban soạn thảo đưa ra quy định như vậy. Tâm lý chọn bệnh viện cấp tỉnh, TƯ khiến nhiều trường hợp cấp cứu khẩn mà “kén chọn” thì “gọi xe nhà thương là xe nhà đòn chạy đến”.

“Đóng bảo hiểm 30 năm, không được viên thuốc”

Cùng với mục đích “kiềm giữ” khả năng lạm dụng, kiểm soát mức chi phí khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, dự thảo luật đề ra quy định “cùng chi trả”. Báo cáo giải trình, tiếp thu của UB thường vụ QH cho rằng, thực hiện cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT là giải pháp đa số các quốc gia đang áp dụng. Các đối tượng ưu đãi cũng được miễn cùng chi trả nên quy định này là cần thiết.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Bá Thanh Kiên bày tỏ ý đồng tình với quan điểm cùng chi trả là giải pháp hữu hiệu nhất đảm bảo mức chi. Ông Kiên chỉ kiến nghị không chia làm 3 mức chi trả (0%, 5% và 20%) như dự thảo mà chỉ quy định cùng chi trả ở 2 mức 0% và 20%, chuyển những đối tượng phải chi 5% với nhóm đối tượng được hưởng 100% chi phí.

Đại biểu Trần Hồng Việt lại cho rằng, lý luận theo kiểu “có đóng tiền mới hạn chế lạm dụng” không thuyết phục vì việc lạm dụng BHYT là do các nguyên nhân khác nhau, không thể bắt người bệnh phải gánh chịu, gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh.

Đại biểu Trương Thị Thanh Hằng (Đồng Nai) băn khoăn về phép tính ngược. Theo quy định cùng chi trả, những đối tượng chịu mức đóng bảo hiểm cao hơn lại là những người được hưởng mức chi trả thấp hơn. Đại biểu QH của đoàn Bình Định, Nguyễn Thị Thanh Thúy đề nghị xem xét, quy định cùng chi trả 5% với những người hưu trí không phù hợp vì đó là thế hệ những người có thời gian đóng bảo hiếm liên tục 20 năm trở lên mà rất ít sử dụng. Bà Thúy kiến nghị, nhóm đối tượng này phải được hưởng chi trả 100% vì thực tế, mức đóng bảo hiểm của họ (6% lương) cao hơn nhiều những nhóm khác chỉ phải đóng 6% mức lương tối thiểu.

Mức đóng bảo hiểm nâng lên 6% theo dự thảo luật cũng nhận được không ít ý kiến lo ngại khi tình hình suy thoái kinh tế, người dân đã chịu không ít khó khăn, bảo hiểm lại “nhảy” gấp đôi (mức quy định hiện tại 3%).

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) trở lại với vấn đề tuyên truyền, nhận thức về việc tham gia BHYT. Đại biểu Dũng kể, không ít người phàn nàn với ông kiểu “đóng bảo hiểm 30 năm mà đến giờ vẫn chưa được viên thuốc nào”. Những nhận thức sai lầm đó, theo ông Dũng là “không giống ai”.

Đại biểu Trần Đông A tỏ ý đồng tình khi nêu nghịch lý, ở nhiều nước tiến bộ, thậm chí không có bảo hiểm thì không vào viện được trong khi ở ta vẫn phổ biến tư duy vào viện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT thì được đối xử không bằng người khám chữa tự nguyện.

Luật bảo hiểm y tế dự kiến sẽ được thông qua và có hiệu lực vào tháng 7 năm sau, 2009.

P.Thảo