1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

5 dự án đường bộ nào ở TPHCM được ưu tiên đầu tư sau Nghị quyết 98?

Tâm Linh

(Dân trí) - Sở GTVT TPHCM đã đề xuất 5 dự án nâng cấp, mở rộng, cải tạo các tuyến đường trục chính, cửa ngõ của thành phố, dựa trên bộ tiêu chí mới.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TPHCM về đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) theo cơ chế, chính sách đặc thù sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực.

Trước đó, ngày 11/8, Sở GTVT tham gia hội nghị tham vấn về các tiêu chí lựa chọn danh mục dự án. Tại hội nghị, Sở tiếp nhận góp ý từ các cơ quan giao thông đô thị như Viện Nghiên cứu phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Cầu - Đường - Cảng TP, các sở ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học...

Sở GTVT đánh giá, các dự án BOT có thể giải quyết được yêu cầu về vốn đầu tư trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công. Thực tế, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu đầu tư ngành giao thông.

5 dự án đường bộ nào ở TPHCM được ưu tiên đầu tư sau Nghị quyết 98? - 1

Hiện trạng giao thông đường bộ TPHCM tính đến năm 2023 (Đồ họa: Tuấn Huy).

Vì vậy, các loại đường phố chính đô thị, đường trên cao thực sự cấp thiết được thành phố cân nhắc lựa chọn dựa trên nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT cho công trình giao thông đường bộ hiện hữu, phù hợp quy hoạch được duyệt.

Từ đó, Sở GTVT xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn dự án BOT trên đường hiện hữu để trình HĐND xem xét, gồm 5 tiêu chí.

Tiêu chí 1 dựa trên tính chất và vai trò quan trọng của tuyến đường. Cụ thể, tuyến đường là trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc) và kết nối các đầu mối kinh tế lớn (cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, công trình đầu mối giao thông).

Tiêu chí 2 phải giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Dự án sau khi hoàn thành phải cải thiện mức độ phục vụ giao thông lên 1-2 bậc so với hiện trạng.

3 tiêu chí còn lại là căn cứ vào đánh giá sơ bộ tính khả thi về phương án tài chính dự án; khả năng huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư tham gia vào dự án BOT; khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách.

Trên cơ sở kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí, Sở GTVT đề xuất 5 dự án đầu tư áp dụng hợp đồng BOT cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023-2030 theo thứ tự ưu tiên dưới đây.

Đầu tiên là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu dài gần 5km), có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. 

5 dự án đường bộ nào ở TPHCM được ưu tiên đầu tư sau Nghị quyết 98? - 2

Hiện trạng quốc lộ 13 thuộc TPHCM chạy xuyên giữa khu dân cư đông đúc, nhà dân sát mặt đường, có vài đoạn thắt lại 4 làn trên con đường 6 làn (Ảnh: Nam Anh).

Thứ hai là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An), có tổng chiều dài 9,66km, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Thứ ba là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) khoảng 1.200 tỷ đồng.

Kế tiếp là dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh - nút giao Cầu Bà Chiêm). Và cuối cùng là xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét thông qua và trình HĐND TP ban hành danh mục dự án nêu trên, bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2024 để thực hiện chuẩn bị đầu tư. 

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi).