1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

2 cán bộ khiến ông Chấn tù oan có thể phải bồi hoàn 7,2 tỷ đồng?

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Công Long - Phó vụ trưởng Vụ Tư pháp (Văn phòng Quốc hội), nếu bị kết án về “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” (có lỗi là cố ý), hai cán bộ khiến ông Chấn ngồi tù oan sẽ phải bồi hoàn Nhà nước toàn bộ số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường cho ông Chấn (?!).

Trong khuôn khổ Chương trình đối tác tư pháp giai đoạn 2014-2015 do Liên minh Châu Âu, Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Thụy Điển (JPP) tài trợ, Bộ Tư pháp vừa tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, cá nhân, tổ chức về thực tiễn thi hành, những bất cập của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đề xuất, kiến nghị”.

Tại hội thảo này, ông Nguyễn Công Long - Phó vụ trưởng Vụ Tư pháp (Văn phòng Quốc hội) đã có bài phân tích đáng chú ý xung quanh những bất cập trong công tác bồi thường oan sai hiện nay nhìn từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn.

2 cán bộ khiến ông Chấn tù oan có thể phải bồi hoàn 7,2 tỷ đồng?
Chưa rõ khi nào ông Nguyễn Thanh Chấn mới nhận được số tiền bồi thường oan sai 7,2 tỷ đồng.

Theo ông Long, Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 quy định việc hoàn trả khoản tiền bồi thường trên cơ sở phân biệt lỗi: Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không hoàn trả.

Về cơ chế đánh giá lỗi, Nghị định 16/2010 và Thông tư liên tịch 04/2014 của Bộ Tư pháp- TAND Tối cao- VKSND Tối cao quy định: Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả xác định lỗi của người thi hành công vụ trên cơ sở nội dung văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; trường hợp các văn bản chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp và các tình tiết của vụ việc để xác định lỗi của người có trách nhiệm hoàn trả trên cơ sở áp dụng quy định của pháp luật dân sự và giải thích về lỗi tại chính Thông tư 04.

Ngoài ra, căn cứ xác định mức hoàn trả bao gồm: Mức độ lỗi của người thi hành công vụ; mức độ thiệt hại đã gây ra; điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ. Trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì các cơ quan quản lý thống nhất xác định mức hoàn trả cho từng cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 04, mức bồi thường được phân thành 2 trường hợp: Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì mức bồi hoàn tối đa không quá 3 tháng lương; người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức bồi hoàn tối đa 36 tháng lương.

Ông Long cho rằng quy định về cơ quan bồi thường còn phân tán, dẫn đến người bị oan gặp khó khăn trong việc xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Đặc biệt việc giao cho cơ quan tố tụng đã làm oan lại có trách nhiệm giải quyết bồi thường, tạo ra tâm lý né tránh, đùn đẩy, kéo dài việc giải quyết bồi thường.

Thực tế áp dụng cho thấy một số quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dân về bồi thường và hoàn lại số tiền bồi thường cũng đã bộc lộ sự bất hợp lý cần được xem xét sửa đổi.

“Cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 56 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa hợp lý, tạo ra sự thiếu thống nhất giữa các đối tượng. Theo đó người thi hành công vụ (không phải là người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự) gây ra thiệt hại kể cả do vô ý hay cố ý thì đều phải hoàn trả một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường. Trong khi đó người thi hành công vụ trong tố tụng hình sự gây ra thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hoàn trả nếu họ được xác định lỗi vô ý. Quy định này dẫn đến trong cùng một vụ việc, quá trình tố tụng có sai phạm qua tất cả các giai đoạn nhưng việc xử lý trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể lại rất khác nhau và không đảm bảo công bằng”- ông Long nhận định.

Ông Nguyễn Công Long lấy ví dụ về vụ kết án oan ông Nguyễn Thanh Chấn mà đến nay ông Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang - nguyên điều tra viên chính trong vụ án) và ông Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang - nguyên là kiểm sát viên thụ lý chính vụ án) cùng bị khởi tố về hành vi “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 300 Bộ luật Hình sự; ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, đã về hưu trú tại Gia Lâm, Hà Nội - nguyên là Thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, nguyên là chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử ông Nguyễn Thanh Chấn) bị khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Đối chiếu với Bộ luật Hình sự thì tội làm sai lệch hồ sơ vụ án về chủ quan có lỗi là “cố ý”, còn tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng về mặt chủ quan, lỗi được xác định là “vô ý”.

“Giả sử các bị can trên bị kết án về các tội danh đã khởi tố thì ông Chiêm không thuộc diện phải hoàn trả tiền bồi thường, còn ông Vinh và ông Luật sẽ phải bồi hoàn. Trong khi đó trách nhiệm bồi thường 7,2 tỷ đồng trong vụ án này là thuộc TAND Tối cao - tức là trách nhiệm chính là ông Chiêm (!)”- ông Long phân tích.

2 cán bộ khiến ông Chấn tù oan có thể phải bồi hoàn 7,2 tỷ đồng?
Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tổ chức xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn tại hội trường UBND xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) giữa tháng 4 vừa qua (Ảnh: Thái Cường).

Theo phân tích của ông Nguyễn Công Long, việc bồi hoàn sẽ thiếu hiệu quả do chính cơ chế xử lý đối với người gây thiệt hại. Các vụ việc gây ra thiệt hại phải bồi thường hầu hết thuộc các trường hợp rất nghiêm trọng, người vi phạm thường bị xử lý hình sự. Theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật Công an nhân dân, người thi hành công vụ sẽ bị buộc thôi việc hoặc tước danh hiệu Công an nhân dân. Do đó việc khấu trừ thu nhập để thu hồi khoản bồi hoàn (10-30% thu nhập) sẽ không thể thực hiện được.

Qua kết quả giám sát, để khắc phục những bất cập hiện nay trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bị oan, bị thiệt hại, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước theo hướng giao cho cơ quan khác độc lập (có thể là Bộ Tư pháp) thực hiện việc bồi thường; mở rộng phạm vi các trường hợp được bồi thường thiệt hại theo hướng không chỉ đối với người bị oan, kể cả người khác bị thiệt hại do người có thẩm quyền tố tụng gây ra, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới về quyền con người, quyền công dân.
Riêng việc hoàn trả khoản bồi thường của người thi hành công vụ, người tiến hành tố tụng, ông Long cho rằng cần thiết phải cân nhắc lại. Cơ chế đánh giá lỗi làm căn cứ xác định khoản bồi hoàn vừa rắc rối, phức tạp, vừa bất hợp lý, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc truy cứu trách nhiệm của người gây ra thiệt hại.

“Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 16/2010 thì trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự. Như vậy trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, tổng số tiền mà TAND Tối cao bồi thường cho ông Chấn là 7,2 tỷ đồng. Nếu ông Trần Nhật Luật và Đặng Thế Vinh bị kế án về “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” (có lỗi là cố ý) thì hai ông này sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền 7,2 tỷ đồng. Đây là điều không hợp lý và bất khả thi”- ông Long khẳng định.

Tham khảo quy định của Mỹ - một trong các quốc gia có nhiều trường hợp bị kết án oan, ông Long cho biết ngoài luật Liên bang, quận Columbia và 30 tiểu bang có luật bồi thường cho người bị oan thì có tới 20 bang không quy định về vấn đề này. Đồng thời ở các bang có quy định về bồi thường cho người bị oan đều không đặt ra vấn đề bồi hoàn lại số tiền bồi thường (mức bồi thường từ 50.000-80.000 USD/năm tù oan, tối đa 2 triệu USD).

“Từ các lý do đó, chúng tôi cho rằng nên cân nhắc việc bỏ quy định về trách nhiệm bồi hoàn (có thể xem xét việc bảo hiểm trách nhiệm công vụ cho cán bộ, công chức). Trường hợp vẫn giữ cơ chế này thì không nên quy định việc xác định lỗi như hiện nay”- ông Long kiến nghị.

Chưa có cán bộ nào ở lĩnh vực tố tụng hình sự hoàn trả

Theo ông Lê Thanh Thảo (đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính), từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (1/1/2010) đến 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 50 hồ sơ yêu cầu cấp phát kinh phí bồi thường với số tiền trên 22,87 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2015 TAND Tối cao có 1 vụ với kinh phí cấp phát trên 185,6 triệu đồng (chưa tính vụ việc bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn - PV); VKSND Tối cao 1 vụ với kinh phí cấp phát là 64,47 triệu đồng. Trước đó, năm 2014, TAND Tối cao có 6 vụ với kinh phí cấp phát trên 8,97 tỷ đồng; VKSND Tối cao 12 vụ với số kinh phí cấp phát gần 1,9 tỷ đồng; thi hành án dân sự 4 vụ với trên 1,74 tỷ đồng. Năm 2013, VKSND Tối cao có 18 vụ với số kinh phí cấp phát trên 3,9 tỷ đồng; thi hành án dân sự 3 vụ với kinh phí cấp phát trên 4,77 tỷ đồng; TAND Tối cao 1 vụ với kinh phí cấp phát trên 254 triệu đồng….

Công tác hoàn trả kinh phí bồi thường thời gian qua chủ yếu là việc giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với cán bộ, công chức của cơ quan đó. Theo báo cáo, số vụ việc bồi thường, kinh phí bồi thường tăng nhưng số tiền thu hoàn trả từ trách nhiệm của công chức theo báo cáo 15 vụ việc với hơn 572 triệu đồng. Cụ thể, lĩnh vực quản lý hành chính có 6 vụ việc với tổng số tiền hoàn trả hơn 354 triệu đồng; lĩnh vực thi hành án dân sự có 9 vụ việc với tổng số tiền hoàn trả hơn 208 triệu đồng.

“Lĩnh vực tố tụng hình sự chưa có trường hợp nào phải hoàn trả”- ông Thảo nói.

Ông Thảo cho biết báo cáo của Chính phủ năm 2014 và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nhìn chung việc thực hiện bồi thường cho người được bồi thường từ khi thụ lý đơn bồi thường đến khi chi trả kinh phí cho người được bồi thường còn chậm. Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trình tự thủ tục giải quyết bồi thường được giao cho chính cơ quan quản lý lĩnh vực gây ra thiệt hại. “Do đó có ý kiến cho rằng việc giao cơ quan đó thụ lý, lập hồ sơ, thương lượng bồi thường sẽ không khách quan, dẫn đến kéo dài thời gian bồi thường”- ông Thảo nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Long cũng cho rằng việc giải quyết bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự cũng như việc hoàn trả của người gây thiệt hại thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

“Việc giải quyết còn chậm, có vụ kéo dài 9 năm như vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, giá trị đòi bồi thường trên 22 tỷ đồng; có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan như trường hợp ông Phan Văn Lá (Long An) đã 21 năm là “bị can” đến nay chưa được bồi thường. Bên cạnh đó số đơn đề nghị bồi thường nhiều, có trường hợp gay gắt, kéo dài nhưng chậm được cơ quan có trách nhiệm xem xét, trả lời”- ông Long cho biết.

Theo ông Long, đối với các trường hợp đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm thì có trường hợp được bồi thường, có trường hợp không được bồi thường. “Nhìn chung, số đơn đề nghị bồi thường chưa phản ánh đúng thực tế các trường hợp phải bồi thường”- ông khẳng định.

Thế Kha