1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngân sách có thể phải “gánh” toàn bộ 7,2 tỷ đồng bồi thường ông Chấn

(Dân trí) - Ngân sách Nhà nước có thể phải “gánh” toàn bộ số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn nếu sau này tòa án xác định các cán bộ khiến ông Chấn ngồi tù oan 10 năm trời mắc lỗi “vô ý”.

Ông Trần Việt Hưng.
Ông Trần Việt Hưng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) - cho biết, cách đây không lâu, TAND Tối cao đã kháng nghị hủy án, xét xử lại vụ việc của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) được bồi thường 21 tỷ đồng. Chính vì thế, nếu sắp tới ông Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang) nhận được số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, đó sẽ là vụ việc ngân sách Nhà nước phải bồi thường lớn nhất từ trước tới nay.

Thưa ông, dựa theo thông tin mà Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời trước Quốc hội, đến khi nào ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ nhận được số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng?

Sau khi thỏa thuận xong về mức tiền bồi thường, cơ quan bồi thường là Tòa phúc thẩm TAND Tối cao sẽ ra quyết định giải quyết bồi thường và chuyển giao quyết định đó cho ông Chấn. Sau 15 ngày kể từ khi ông Chấn nhận quyết định giải quyết bồi thường, nếu ông Chấn và gia đình không có khiếu nại, thắc mắc gì nữa thì quyết định bồi thường sẽ có hiệu lực pháp luật. Lúc đó Tòa phúc thẩm TAND Tối cao sẽ lập hồ sơ để cấp kinh phí bồi thường. Theo tôi được biết thì Vụ Kế hoạch - Tài chính của TAND Tối cao sẽ thẩm định mức chi bồi thường đó xem đã ổn chưa, đúng luật chưa và sau đó sẽ trình lên Chánh án TAND Tối cao. Sau khi Chánh án TAND Tối cao đồng ý thì sẽ chuyển sang Bộ Tài chính. Bộ phận chức năng ở Bộ Tài chính sẽ làm tiếp quy trình thẩm định như vậy, xem thiệt hại bồi thường đã đầy đủ, đúng chưa rồi mới trình lãnh đạo Bộ này ký duyệt và chuyển số tiền đó về Tòa phúc thẩm TAND Tối cao để chi trả tiền cho ông Chấn.

Vậy sau khi quyết định giải quyết bồi thường của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao có hiệu lực pháp luật thì bao lâu ông Chấn sẽ nhận được số tiền đó?

Trong vòng 10-15 ngày Tòa phúc thẩm TAND Tối cao phải lập hồ sơ. Còn quy định cụ thể thì được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 71/2012 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Ông Trần Việt Hưng.
Chưa rõ đến khi nào gia đình ông Chấn mới nhận được tiền bồi thường oan sai của TAND Tối cao.

Những cán bộ vi phạm pháp luật khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan 10 năm trời sẽ hoàn trả khoản tiền này cho nhà nước như thế nào?

Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn được áp dụng bồi thường theo Khoản 2 Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự: “Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.

Tuy nhiên Khoản 2 Điều 56 của luật này lại quy định: “Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả”.

Điều đó có nghĩa là nếu sau này xác định các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đã cố ý làm sai lệch bản chất vụ án, khiến ông Chấn phải ngồi tù oan thì họ mới phải hoàn trả. Còn nếu bản án của tòa án cho rằng họ đã “vô ý” dẫn đến vụ việc này thì sẽ không phải bồi thường gì cả, ngân sách nhà nước sẽ phải gánh hết.

Trong các lĩnh vực khác thì người thi hành công vụ mắc lỗi cố ý hay vô ý đều phải hoàn trả cho nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã phải bồi thường oan sai. Riêng trong lĩnh vực hình sự thì trước đây quy định như vậy vì không muốn họ chịu sức ép, nên chỉ quy định khi chứng minh được người thi hành công vụ cố ý điều tra, kết luận sai, ra bản án trái pháp luật, sai trái thì mới hoàn trả.

Theo thống kê của chúng tôi, từ khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (1/1/2010) đến nay, trong tố tụng hình sự chưa có ai phải hoàn trả tiền này cả, bởi đều xác định là lỗi vô ý của các đồng chí ấy.

Theo ông hiện nay quy định như vậy có còn phù hợp không?

Qua các cuộc tọa đàm, hội thảo với chuyên gia Nhật Bản hoặc như anh Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp và một số đồng chí khác nữa đều nói là cùng là công chức, cùng thực thi công vụ thì khi đã làm sai thì phải đảm bảo sự công bằng trong trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách Nhà nước một khoản tiền đã phải bỏ ra để bồi thường. Không thể tách riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự thì lỗi vô ý không phải bồi thường được.  

Tuần này Quốc hội sẽ thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sắp tới. Nếu Quốc hội đồng ý thông qua, đưa vào chương trình việc sửa Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì mới có cơ sở để nghiên cứu, xem xét về những bất cập hiện nay công tác bồi thường được.

Xin cảm ơn ông!

      Những ai sẽ bị xem xét hoàn trả số tiền Nhà nước bồi thường cho ông Chấn?

Tháng 5/2014, VKSND Tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” của ông Nguyễn Thanh Chấn hơn 10 năm trước.

Mở rộng điều tra vụ án, ngày 30/9/2014, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiếp tục tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuối, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nguyên thẩm phán Toà phúc thẩm TAND tối cao về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ toạ phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27/7/2004. Ông Chiêm được cơ quan điều tra cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tới đây khi đưa ra xét xử vụ án này, nếu bản án của tòa cho rằng 3 cán bộ trên “vô ý” gây ra nỗi oan khuất cho ông Nguyễn Thanh Chấn thì có nghĩa rằng ngân sách Nhà nước sẽ phải chịu hoàn toàn số tiền bồi thường.


    Ông Chấn sẽ phải chờ nhiều cấp xét duyệt

Theo Thông tư liên tịch số 71/2012, trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã ứng dự toán để chi trả cho người bị thiệt hại thì trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày hoàn thành việc bồi thường theo quy định tại bản án, quyết định giải quyết bồi thường), cơ quan có trách nhiệm bồi thường tập hợp các hồ sơ liên quan gửi cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thẩm định, bổ sung kinh phí.

Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ứng dự toán để ứng trả cho người bị thiệt hại thì trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật), cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải lập hồ sơ đề nghị bồi thường gửi cơ quan tài chính có trách nhiệm đảm bảo kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để xem xét cấp bổ sung kinh phí bồi thường. Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường có cơ quan quản lý cấp trên thì phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên để thẩm định.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường, thẩm định kinh phí bồi thường để có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để xem xét cấp bổ sung kinh phí bồi thường.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan nhận được hồ sơ hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường cho phù hợp. Thời hạn bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ, cơ quan tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí (Bộ Tài chính đối với cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường - PV) có trách nhiệm cấp bổ sung kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại. Trường hợp đối với những vụ việc phức tạp, có số tiền lớn cần phải kiểm tra xem xét, cơ quan tài chính trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường và cơ quan liên quan để tạm ứng kinh phí chi trả tiền bồi thường. Sau khi cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả của cá nhân, tổ chức thì có văn bản gửi cơ quan tài chính để thẩm tra và thông báo dự toán ngân sách bổ sung. 


Thế Kha (thực hiện)