1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tình bạn công sở

(Dân trí) - Trong công ty, luôn có những đồng nghiệp cởi mở, dễ gần. Họ là người mà bạn có thể chia sẽ những email vui nhộn, ăn trưa, uống cafe và đôi khi là cùng nhau đi nghỉ cuối tuần.

Bạn bè trong công việc sẽ tạo môi trường công sở thoải mái,  thú vị và những tình bạn này có thể tồn tại mãi mãi. Nhưng, giống như tất cả các mối quan hệ khác, tình bạn nơi công sở cũng có những mặt trái của nó. Nó có thể dẫn tới sự thiên vị và những bất đồng trong công việc.

 

Vì vậy hãy tự hỏi bản thân mình xem tình bạn nơi công sở có đáng để đầu tư không và trước khi kết bạn hãy để mắt tới những kiểu đồng nghiệp sau:

 

- Những người đối xử rất thân mật với bạn nhưng thực chất lại lợi dụng tình bạn với bạn để phục vụ cho mục đích công việc trước mắt của họ. Bạn hãy học cách phân biệt người chân thành thực sự và người lợi dụng.

 

- Những người thường nói đùa một cách dí dỏm, hóm hỉnh về người khác nhưng thực chất là giếu cợt họ. Cô/ anh ấy không phải là đồng minh thích hợp của bạn bởi 2 lí do: thứ nhất họ không thực lòng với bạn, thứ hai là những người làm việc cùng bạn sẽ nghĩ rằng bạn cũng chỉ giống người kia mà thôi và bắt đầu xa lánh bạn.

 

- Những người không đứng đắn là người bạn không muốn gặp trong thang máy hay phòng làm việc vắng người. Quấy rối tình dục rất nguy hiểm, hãy tránh gặp họ trong mọi trường hợp và nói cho mọi người biết.

 

- Những người thường chọn người mới vào công ty để than vãn về thất bại trong hôn nhân của mình. Với những người như vậy, bạn nên giữ khoảng cách công việc chứ không nên thân thiết quá.

 

- Những người không muốn bạn thân thiết với ai ngoài họ. Hãy cẩn thận bởi nếu vậy đồng nghiệp và sếp sẽ không hiểu bạn, cho rằng bạn là người không hoà đồng. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không được tham gia những dự án quan trọng hay khó được thăng tiến.

 

Làm thế nào để có tình bạn và tình đồng nghiệp tốt nơi công sở?

 

1. Là một thành viên trong nhóm nhưng không phải là cái bóng của một ai khác. Bạn biết lắng nghe và đưa ra những ý kiến của riêng mình.

 

2. Tập trung vào những công việc liên quan đến bạn và không được tham gia vào những mâu thuẫn cục bộ hay câu chuyện phiếm ở công ty.

 

3. Đừng để những vấn đề cá nhân ảnh hưởng tới công việc của bạn.

 

4. Không khoa trương, khoác lác.

 

5. Thận trọng với đồng nghiệp xấu tinh hoặc hay buôn chuyện ở văn phòng.

 

6. Ngăn nắp, sạch sẽ và biết quản lí thời gian.

 

Nếu bạn là quản lí, hãy giữ khoảng cách công việc với mọi người. Đừng phàn nàn với cấp dưới về sếp của bạn hoặc xin họ lời khuyên khi phải quyết định việc gì. Nếu bạn làm như vậy, nhân viên sẽ kết luận rằng bạn không có năng lực làm việc và người ghen tị với bạn sẽ lợi dụng điều đó để chống lại bạn.

 

Tóm lại những rắc rối trong công ty có thể tránh được nếu bạn cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống riêng. Bạn nên nuôi dưỡng một tình bạn lành mạnh, thân thiết ngoài công sở hơn là phải đối mặt với những rắc rối mà tình bạn trong công việc có thể đem lại.

 

Vũ Vũ

Theo FabJob