1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người lao động “khát” việc, nhà tuyển dụng “thèm” người

(Dân trí) - Tính tới thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, số người thất nghiệp trên địa bàn tỉnh TT-Huế lên tới 1.800 lao động, trong khi các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn liên tục kêu thiếu nhân lực và ra sức tuyển dụng.

Người lao động “khát” việc, nhà tuyển dụng “thèm” người - 1
Rất nhiều lao động tham gia sàn giao dịch việc làm nhưng hiếm lắm mới có người được tuyển dụng

 

Đôi bên đều kén

 

Cứ vào ngày 20 hàng tháng, tại trung tâm giao dịch việc làm tỉnh TT-Huế, hàng ngàn lao động lại đổ về mong kiếm cho mình được một công việc phù hợp. Nhưng không phải ai tới đây cũng tìm được việc, đơn giản không chỉ vì các doanh nghiệp sơ tuyển quá kỹ càng mà ngay cả lao động đi tìm việc cũng rất kén chọn công việc cho mình.

 

Như phiên giao dịch việc làm lần thứ 9 - tháng 6/2008, có 62 đơn vị đăng ký tuyển lao động, trong đó có 41 doanh nghiệp tham gia trực tiếp tại sàn, nhu cầu tuyển là hơn 1.800 lao động nhưng cuối cùng chỉ sơ tuyển được hơn 400 lao động.

 

Những phiên giao dịch việc làm đầu năm 2009, tình hình xem ra cũng không khả quan hơn. Phiên giao dịch việc làm lần thứ 16 tổ chức ngày 20/3/2009 có 22 doanh nghiệp trực tiếp đến phỏng vấn, tuyển chọn lao động với gần 1.700 chỗ làm việc. Kết quả chỉ có hơn 340 lượt lao động được sơ tuyển, không ít doanh nghiệp đã phải ngồi “cầm hơi” trọn ngày vẫn không có một lao động nào tới đăng ký thi tuyển vào.

 

Chị Bạch Thị Diệu Châu, Công ty may XNK TT- Huế cho biết: “Hầu hết trong các phiên giao dịch hàng tháng, công ty chúng tôi đều tham gia tuyển dụng với nhu cầu lao động khá lớn và phong phú các ngành nghề như may, chuyền trưởng... Song, chưa lần nào chúng tôi tìm đủ lao động cho các vị trí. Việc cần người nhưng người lao động mình cũng kén chọn việc lắm”.

 

Công ty Cung ứng nhân lực Quốc tế - Thương mại TPHCM cả buổi sáng vẫn không có cơ hội phỏng vấn một lao động nào. Trong khi đó, không ít lao động trí thức trẻ là các sinh viên mới ra trường đến giao dịch tại sàn mà không tìm được việc làm mong muốn.

 

“Không có lao động dở mà chỉ có lãnh đạo dở”

 

Đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới thực trạng trái khoáy trên mới hiểu, thực chất của vấn đề nằm ở chỗ, trong khi các doanh nghiệp, công ty lên sàn giao dịch với hy vọng kiếm tìm cho mình được những “nhân tố mới” vừa có tài, vừa có bằng cấp lại vừa có năng lực, có kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu, áp lực trong công việc thì ngược lại, phần đa người lao động là những người non yếu thiếu về tay nghề và cái họ thiếu nhất vẫn là kinh nghiệm - cái mà các doanh nghiệp cần nhất.

 

Số lượng sinh viên tại các sàn phiên giao dịch việc làm chiếm không nhỏ, chủ yếu là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ở các nghành như: Kinh tế, Kế Toán, Công nghệ Sinh học, Hóa Học, Tin học, kiến Trúc… những nghành thuộc dạng “hot” trong xã hội. Nhưng khi sơ tuyển hiếm lắm mới có một người lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng.

 

Trương Anh Kiệt - vừa tốt nghiệp nghành Toán - tin cho hay: “Đến với sàn giao dịch việc làm mong kiếm một cơ hội thử sức tìm việc làm nhưng đi tới đâu doanh nghiệp, công ty nào cũng đòi hỏi phải có 2 năm kinh nghiệm trở lên! Bọn em mới ra trường lấy đâu ra 2 năm kinh nghiệm?”.

 

Chỉ vì “kinh nghiệm” mà có rất nhiều lao động không được tuyển dụng. Đồng cảm trước những khó khăn này với người lao động, tại diễn đàn “Định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên” do Tỉnh đoàn Thừa Thiên- Huế tổ chức vào ngày 15/3, đại diện Trung tâm đào tạo và Xuất khẩu lao động Transmeco Hà Nội (thuộc Bộ LĐTB&XH) nhấn mạnh: “Không có lao động dở, mà chỉ có lãnh đạo của chúng ta dở”.

 

Lý giải điều này, đại diện công ty cho rằng, chúng ta làm lãnh đạo, trực tiếp tham gia tuyển dụng lao động nhưng lại đi tìm những mặt chưa được ở người lao động để soi xét, rồi khi không được lại gạt bỏ họ ra chứ không chịu tạo điều kiện cho các lao động làm việc.

 

“Các nhà tuyển dụng hãy khoan đưa ra yêu cầu về số năm kinh nghiệm cho các lao động tham gia tuyển dụng, bởi chúng ta có tạo điều kiện cho họ làm việc đâu mà đòi hỏi ở họ… kinh nghiệm. Có tạo điều kiện cho họ làm việc, thì họ mới có kinh nghiệm. Làm được điều này trước, khi đó những nhà tuyển dụng hãy đưa ra tiêu chuẩn “mấy năm kinh nghiệm” để xét tuyển lao động vào các vị trí”, vị đại diện này phát biểu.

 

Phan Bá Mạnh