1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Vì sao cả 12 cụm công trình nghiên cứu về văn học bị loại?

(Dân trí) - Thật bất ngờ. Đó là tâm trạng của hầu hết các thành viên Hội đồng chuyên ngành lĩnh vực khoa học nghiên cứu văn học và 12 nhà khoa học ở lĩnh vực này (đã được Hội đồng chuyên ngành đề nghị Hội đồng Nhà nước xét tặng giải thưởng, trong đó nhiều người được 100% số phiếu bầu), khi đọc được Thông báo đăng tải trên báo Nhân dân về kết quả của Hội đồng Nhà nước đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các công trình/ cụm công trình (CT/CCT).

Bất ngờ vì, cả 12 cụm công trình mà Hội đồng chuyên ngành đề cử Hội đồng Nhà nước xét tặng giải thưởng đều bị loại, trong khi kết quả đề nghị của Hội đồng Nhà nước chủ yếu là các CT/CCT ở lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng, vắng bóng các CT/CCT ở lĩnh vực khoa học nghiên cứu văn học?

Bất ngờ vì, cả 12 nhà khoa học ở lĩnh vực nghiên cứu văn học đều đã hoạt động, cống hiến cho khoa học xã hội nhân văn từ 40 đến 60 năm. Và có nhiều công trình khoa học đã được công bố.

Việc Hội đồng Nhà nước loại cả 12 nhà khoa học ở lĩnh vực nghiên cứu văn học sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ mà còn phần nào tác động tiêu cực đến cả đội ngũ, lực lượng hoạt động trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Bất ngờ vì, trong 23 thành viên Hội đồng Nhà nước có tới 19 thành viên là cán bộ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, chỉ có 4 thành viên là đại diện cho lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, là chủ tịch Hội đồng ngành.

Theo ý kiến nhận xét của một nhà khoa học thì, các thành viên của Hội đồng Nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ… phần lớn đều là các nhà khoa học có uy tín, song về khách quan và do nghề nghiệp chuyên sâu nên có lẽ, nhiều thành viên của hội đồng đã không nắm được tính đặc thù và sự cống hiến của khoa học xã hội và nhân văn.

Một số ý kiến cho rằng, lấy tiêu chí của khoa học tự nhiên để áp đặt cho khoa học xã hội, chẳng hạn như yêu cầu phải có bản dịch công trình ra tiếng nước ngoài để nước ngoài đánh giá… là không thực tế và khách quan.

Việc Hội đồng Nhà nước phủ nhận toàn bộ kết quả bỏ phiếu của ba cấp (cơ sở, viện hàn lâm khoa học xã hội VN, chuyên ngành) là không tôn trọng kết quả từ ba cấp, nơi am hiểu giá trị của những cụm công trình. Hơn nữa, nếu lấy theo kết quả bỏ phiếu của các thành viên Hội đồng Nhà nước, e rằng, chỉ với 4 thành viên đại diện cho lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chiếm thiểu số), khó có được sự công bằng, khách quan trong đánh giá.

12 cụm công trình bị Hội đồng Nhà nước loại đều tập trung ở lĩnh vực nghiên cứu văn học. Như cụm công trình của PGS Vũ Đức Phúc với “Những vấn đề về tư tưởng về lịch sử văn học Việt Nam”; PGS,TS Đinh Xuân Dũng với “ Văn học và văn hóa: Tiếp nhận và suy nghĩ”; PGS,TS Nguyễn Ngọc Thiện với “Lý luận phê bình và đời sống văn chương”…

Đặc biệt có hai nhà khoa học nữ đã có nhiều cống hiến, đã có những công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố, như PGS,TS Lê Thị Đức Hạnh với cụm công trình: “Văn học hiện đại Việt Nam và Nguyễn Công Hoan”; PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Vân với “ Văn học thiếu nhi Việt Nam”…

Thật đáng tiếc, nếu như các cụm công trình nghiên cứu về lĩnh vực văn học bị Hội đồng Nhà nước loại lần này, trong khi các nhà khoa học đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, liệu rằng, thế hệ nhà khoa học trẻ có đủ bề dày để tập trung chuyên sâu nghiên cứu về lĩnh vực văn học?

Nhìn vào kết quả tuyển sinh đại học hàng năm thì chúng ta không thể không lo ngại sự mai một ở lĩnh vực nghiên cứu văn học?

Không thể phủ nhận hiệu quả của những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, nhưng những giá trị của công trình nghiên cứu ở lĩnh vực văn học thì không thể “1 cộng 1 là bằng 2” được.

Không thể không lo ngại như nhà lý luận phê bình văn học Trần Đình Sử đã đặt câu hỏi rằng “Nghiên cứu văn học Việt Nam đã và đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu”?. Ông nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của nhà nghiên cứu văn học.

Đó là “Sự giao lưu nghiên cứu văn học dù rộng rãi thế nào, tự nó cũng không thể làm nên được nền nghiên cứu văn học, nếu thiếu đi vai trò của nhà nghiên cứu. Muốn có nghiên cứu văn học thì phải có người nghiên cứu văn học.

Nhà nghiên cứu văn học phải là nhà chuyên môn, chuyên nghiệp chứ không phải là những người làm công tác tư tưởng, một ca sĩ trong dàn đồng ca. Muốn thế, họ phải chuẩn bị, được tự chủ xây dựng cho mình một hành trang, tìm cho mình một chỗ đứng, một lối đi. Đó là những tiền đề cần thiết làm nên một nền nghiên cứu văn học đáp ứng những nhu cầu mới…”.

Với thực tế này, rất cần một phương án hợp lý để kịp thời xem xét lại 12 trường hợp nêu trên.

GS.TS Lê Văn Lân (Mã Giang Lân) dự xét giải với Cụm công trình: -Thơ- Hình thành và tiếp nhận. Văn học hiện đại VN:Vấn đề và Tác giả; Những cấu trúc của Thơ.

Tôi cho là bất hợp lý khi Hội đồng cấp Nhà nước có 23 người thì lại chỉ có 19 là khoa học tự nhiên, họ làm sao biết được những đặc thù của ngành khoa học xã hội. Hội đồng chuyên ngành khoa học nghiên cứu văn học đã bầu chọn nghiêm túc, xong xuôi, Hội đồng cấp Nhà nước có duyệt cũng chỉ nên xem có trường hợp nào kiện cáo gì không thôi, chứ sao lại bỏ hết ra như thế?

GS.TS Trần Ngọc Vương dự xét giải với Cụm công trình: - văn học VN dòng riêng giữa nguồn chung, Nhà nho tài tử và văn học VN:

Hội đồng Nhà nước coi thường quá sự nghiêm túc của Hội đồng chuyên ngành khi toàn bộ ngành văn cũng như phần lớn ngành ngôn ngữ bị loại hết.

Ở đây có sự khác nhau trong cách quan niệm về kết quả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Gần đây nói nhiều đến công bố quốc tế, nhưng chuẩn mực công bố quốc tế thực ra không áp dụng vớich khoa học xã hội do đặc thù của ngành này. Số tác giả dự xét giải phần lớn đều cao tuổi, như tôi là trẻ nhất còn số ngoài 80 đông lắm,có thày trên 90.

Vì có thời gian dài có quan niệm khoa học xã hội VN không đi nước ngoài, không học ở nước ngoài vì sợ ảnh hưởng lập trường tư sản. Và đáng khâm phục những người đã vượt qua ý thức hệ để có những tác phẩm khoa học xã hội giá trị. Việc áp dung quy chế quốc tế hóa, không biên giới là làm nhục với giới khoa học xã hội.

Hơn nữa quy chế của giải thưởng là nộp công trình xét giải chứ không xét toàn bộ sự nghiệp khoa học.Tôi có những bài công bố nước ngoài, nhưng nằm ở bình diện khác, nên tôi không đưa vào khung đăng ký xét giải. Ở ngành khoa học lịch sử cũng xét đợt này có những người đóng góp cả đời, như GS Đinh Xuân Lâm, năm nay 92 tuổi, đang nằm bệnh viện mà Hội đồng cũng bác bỏ đơn giản thế quả là bất nhẫn!

Linh Trần