NSƯT Quốc Tuấn: “15 năm qua tôi phải cắn răng mà vượt qua nỗi đau”

(Dân trí) - “15 năm qua thực sự là nhiều khi rất mệt mỏi, nhưng nếu tôi buông là xong. Cho nên phải cắn răng mà vượt qua nỗi đau và nuôi hy vọng. Mỗi khi mệt mỏi tôi thường lao vào tập thể dục để cân bằng lại và lấy lại năng lượng. Lúc nào cũng lo mình có vấn đề về sức khoẻ thì con mình sẽ không biết bấu víu vào đâu”, NSƯT Quốc Tuấn chia sẻ.

Đời sống của anh chị em nghệ sỹ nhiều năm qua vô cùng khó khăn

Với thực trạng của Hãng phim truyện Việt Nam, đời sống của bản thân anh và các cán bộ công nhân viên gặp khó khăn như thế nào?

Tất cả chúng tôi đều rất khổ. Nghệ sỹ có bao giờ giàu có đâu. Tất nhiên, như tôi thì có tý tên tuổi và được nhiều người biết mặt nên kiếm việc nọ việc kia cũng dễ hơn một chút nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Nhưng thực sự mà nói là thời gian qua rất khủng khiếp với mỗi người. Ngày xưa ai cũng xem Hãng phim như ngôi nhà thứ 2 của mình nhưng bây giờ đến không còn là nhà của mình nữa rồi. Chúng tôi rất chán nản nhưng vẫn phải động viên nhau đoàn kết, sát cánh cùng nhau… chứ nếu buông là đúng ý họ.

Đạo diễn, NSƯT Quốc Tuấn. Ảnh: Tùng Long.
Đạo diễn, NSƯT Quốc Tuấn. Ảnh: Tùng Long.

Tôi nói thật, để tìm được những người lành nghề như ở đây bây giờ không dễ đâu. Có thể bây giờ các bạn trẻ rất giỏi về công nghệ nhưng kinh nghiệm thì không phải một sớm một chiều mà có.

NSND Minh Châu có nói rằng việc Ban lãnh đạo đối xử với cán bộ công nhân viên chức như vừa qua là một sự sỉ nhục. Cá nhân anh thấy sao?

Chính xác đó là sự sỉ nhục, nhất là cách họ trả lương cho chúng tôi. Bây giờ khó khăn quá quá, họ có thể cho thuê mặt bằng để có nguồn thu nhưng phải ứng xử với nghệ sỹ như thế nào. Tiền lương có thể ít nhưng cách trao, cách nói với cán bộ công nhân viên sao cho họ chia sẻ. Đằng này, cách nói của họ rất phũ và rất xúc phạm.

Họ nhận mình là cổ đông chiến lược thì phải có vốn đầu tư chứ. Anh là cổ đông mà anh kêu không có tiền thì làm sao vực dậy điện ảnh được. Anh phải đầu tư và chấp nhận may rủi thời gian đầu. Nhưng đằng này họ tính vào ngay phải có lãi rồi phim gì cũng phải làm. Đó là buôn phim chứ không phải làm phim. Cái đó để mấy người chụp ảnh đám ma, đám cưới làm chứ nghệ sỹ đào tạo mấy chục năm ra sao lại làm như thế.

Tại sao đời sống kinh tế khó khăn như vậy mà anh lại không xoay sang đóng phim khi bản thân vẫn còn nhiều khán giả biết đến?

Thú thật, thời gian vừa rồi tôi cũng rất nhiều chuyện gia đình, nhất là chuyện chữa bệnh cho con trai. Thêm nữa, 8 năm trước, khi đạo diễn Vương Đức làm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam thì ông không chịu làm gì cả. Ông bắt mọi người phải kéo việc về mới chịu trả lương. Cả giai đoạn kéo dài đó làm anh em nản vô cùng bởi vậy chúng tôi rất muốn cổ phần là như thế.

8 năm qua, tôi muốn làm phim để kiếm tiền chữa bệnh cho con mà làm gì có cơ hội. Có mỗi phim “Nhà tiên tri” do Nhà nước đặt hàng thì ông Vương Đức “cướp” làm luôn.

Tôi chưa bao giờ mất cảm hứng làm phim mà rất thèm muốn nhưng lại không có cơ hội. Nhiều khi làm phim cũng giúp mình giải toả đi những bức xúc của đời sống, nhưng muốn mà không được. Bây giờ bắt nghệ sỹ phải chạy đi tìm việc thì bản thân họ có được đào tạo marketing đâu mà đòi họ làm được việc đó.

Còn về phần diễn viên thì tôi xin chia sẻ thật lòng là khi đã làm đạo diễn rồi các đạo diễn khác rất ngại mời, nhất là các nghệ sỹ trẻ. Nhiều người có cảm giác, mời đạo diễn đóng phim của mình thì sẽ bị soi nghề nên họ không thích.

Mặc dù phim tôi thì lại rất thích mời đạo diễn làm cùng vì có gì hay họ sẽ hỗ trợ mình. Ví dụ tôi mời đạo diễn Trần Lực, Bùi Cường, Cường Việt, Thảo… Nhưng ngược lại tôi không có vinh dự đấy, không thấy ai mời. Tất nhiên là với điều kịch bản phải tốt chứ kịch bản mà không tốt thì tôi không tham gia. Từ xưa tới nay tôi có cách làm việc như thế.

15 năm phải cắn răng để vượt qua nỗi đau

Việc anh tham gia nghệ thuật đã gặp không ít gian truân, vất vả, buồn phiền… Vậy tại sao anh lại cho con trai theo nghệ thuật?

Tôi hỏi Bôm (tên gọi ở nhà của con trai NSƯT Quốc Tuấn) là “Con có thích làm nghệ thuật không?”, câu trả lời “Không”. Hỏi “Bôm có thích làm đạo diễn như bố không?”, cũng không nốt, chỉ thích nhạc thôi. Tôi tôn trọng con thôi, không thể ép con được. Nhưng dù cho con học nhạc thì tôi vẫn rất thận trọng vì mình làm nghệ sỹ rồi nên mình biết, nếu không có khả năng thì không nên theo vì rất khổ con. Trước khi cho con thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia, tôi hỏi các thầy bảo được tôi mới cho cháu theo. Mà Bôm thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia “thẳng tưng” chứ không phải vì thế mà được các thầy ưu ái. Cháu vừa thi tháng 7 vừa qua và lọt vào top 5 của khoá đó.

Đạo diễn Quốc Tuấn và con trai. Ảnh: TL.
Đạo diễn Quốc Tuấn và con trai. Ảnh: TL.

Trong mắt anh dường như con trai đã thay đổi rất nhiều so với trước?

Đúng, cháu thay đổi rất nhiều. Bôm bây giờ người lớn hơn, độc lập hơn nhưng tính hồn nhiên và trẻ con thì vẫn nguyên xi, không có gì thay đổi. Đó là điều tôi mừng nhất.

Trong suốt chặng đường dài nuôi hy vọng và tìm mọi cách để chạy chữa cho con, đã bao giờ anh muốn buông xuôi tất cả?

15 năm qua thực sự là nhiều khi rất mệt mỏi, nhưng nếu tôi buông là xong. Cho nên phải cắn răng mà vượt qua nỗi đau và nuôi hy vọng. Mỗi khi mệt mỏi tôi thường lao vào tập thể dục để cân bằng lại và lấy lại năng lượng. Lúc nào cũng lo mình có vấn đề về sức khoẻ thì con mình sẽ không biết bấu víu vào đâu.

Tuy nhiên, cái sự mệt mỏi về đầu óc, tinh thần… nó mới là khủng khiếp. Có những lúc về nhà mà cảm giác rất kinh khủng. Trí óc nó khiến mình mệt mỏi gấp bội lần thể xác. Thể xác có thể nghỉ ngơi để phục hồi nhưng trí óc phục hồi lại rất khó.

Người ta thường bảo: “Đồng vợ, đồng chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Phải chăng vì vợ chồng anh luôn đồng lòng với nhau nên mới vượt qua được những thử thách khủng khiếp trong 15 năm qua?

Cái đó thì đương nhiên rồi, vợ chồng nhà nào cũng phải thế. Nhưng nói thật là không phải lúc nào vợ chồng tôi cũng đồng lòng đâu. Có những lúc hoàn toàn không tìm được tiếng nói chung. Chẳng hạn như năm 2013, tôi đưa Bôm qua Hàn Quốc phẫu thuật lần đầu tiên thì bị thất bại. Sau đó, 2015, đưa Bôm qua Australia thì các bác sỹ nói chưa làm được. Trong khi con ngày càng nặng hơn, hàm càng ngày càng bị tụt sâu vào trong.

Cuối cùng, có mấy người bạn thân làm ở Bệnh viện Nhi Trung ương mách với tôi là một số bác sỹ người Mỹ có công nghệ mới, có thể phẫu thuật cho Bôm thành công. Nhưng khi tôi hỏi vợ thì vợ lại không muốn làm vì trước đó bác sỹ Hàn Quốc và Australia chưa làm được.

Tuy nhiên, tôi vẫn cương quyết nhờ các bác sỹ Mỹ phẫu thuật cho con và tôi tin phẫu thuật sẽ thành công vì các bác sỹ Mỹ đã nói làm được nghĩa là họ sẽ làm được. Nói thật là thời gian đó rất mệt mỏi vì vừa thương con đau đớn vừa phải “chiến đấu” với sự ngăn cản của gia đình. Áp lực cũng lớn vì nếu lỡ không thành công thì không biết tội mình còn chồng chất lên bao nhiêu nữa. May mắn là ca phẫu thuật đã thành công.

Con trai NSƯT Quốc Tuấn vừa đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Con trai NSƯT Quốc Tuấn vừa đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Anh có nói đến “Điều ước thứ 7”. Vậy ước mơ của con trai anh là sau này sẽ thành?

(Cười), cu cậu ước mơ thành người nổi tiếng. Cậu muốn sau này đi ra nước ngoài du học vì của đáng tội, thời bé cậu được đi nước ngoài nhiều quá. Mỗi lần ra nước ngoài chữa bệnh, bố con thường ở từ 3 - 6 tháng nên tôi có thời gian dẫn con đi đến các trường. Nhìn thấy cơ sở vật chất và môi trường giáo dục bên đó rất tốt nên cu cậu cũng ham lắm. Ngoài ra là vì thầy của cu cậu cũng từng đi du học ở Thuỵ Điển về nên cậu cũng ước mơ muốn được như thầy.

Công việc ở Hãng phim truyện Việt Nam khó khăn mà kinh phí chữa bệnh lại vô cùng lớn. Vậy anh phải lo lắng việc này như thế nào?

Phải nói thật là việc chữa chạy cho con khiến tôi sạt nghiệp đúng nghĩa. Nhưng mà thôi, đó là câu chuyện riêng, kể ra không hay lắm. Vừa rồi sau khi trả lời bài phỏng vấn của một tờ điện tử thì tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ của độc giả. Một số người muốn góp tiền để giúp tôi đưa Bôm đi phẫu thuật thẩm mỹ nhưng tôi không nhận.

Việc tôi chia sẻ sẽ gom góp tiền để đưa con đi phẫu thuật thẩm mỹ là thật lòng nhưng tôi không muốn mọi người hiểu nhầm. Tôi không muốn mọi người nghĩ đưa câu chuyện này lên để xin tiền.

Tôi cũng nhờ bên báo nói lại với độc giả là hãy chia sẻ số tiền đó với những bạn nhỏ đang cần kíp hơn còn Bôm đằng nào cũng phải 17 - 18 tuổi mới có thể phẫu thuật thẩm mỹ được. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ bây giờ, khi cháu phát triển lên sẽ bị lệch và lại phải đi chỉnh hình. Như thế sẽ rất đau và tốn kém.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm