NSND Bạch Tuyết: Nhờ cải lương mà chân tôi lúc nào cũng “đụng đất”

(Dân trí) - “Tôi mất mẹ từ khi 8 tuổi, và bất cứ đứa trẻ mồ côi nào cũng sợ nghèo, sợ đói, sợ khổ, nên tôi luôn nhắc mình cần phải học hành, làm việc cật lực để có thể có được cuộc sống bình thường như mọi người”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

Trong nhiều nghệ sĩ cải lương hiện nay, NSND Bạch Tuyết được mệnh danh “Cải lương chi bảo” của nền cải lương Việt Nam. Ở tuổi ngoài 70, NSND Bạch Tuyết vẫn miệt mài đứng trên sân khấu, vẫn luôn bận rộn với công việc. Bà vẫn thường xuất hiện trong nhiều chương trình và luôn là hình ảnh đáng ngưỡng mộ của nhiều thế hệ nghệ sĩ.

NSND Bạch Tuyết (Sinh năm 1945), nghệ sĩ duy nhất được mệnh danh là Cải lương chi bảo của nền nghệ thuật cải lương Việt Nam.
NSND Bạch Tuyết (Sinh năm 1945), nghệ sĩ duy nhất được mệnh danh là "Cải lương chi bảo" của nền nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Mong được hát cho đến ngày ra đi

Thưa NSND Bạch Tuyết, vừa qua, tại TPHCM có cuộc triển lãm "Nghệ sĩ Sài Gòn xưa" có hình ảnh của bà từ thời trẻ, cảm giác của bà thế nào khi xem lại chân dung của mình ngày đó?

Tôi có thấy thông tin trên các báo. Tôi nghĩ, ở mỗi giai đoạn của một đời người sẽ có những việc mà nếu may mắn và có duyên lành. Sau mỗi quá khứ cho đến lúc mọi người nhìn lại và thấy những điều đó vẫn đẹp thì hết sức may mắn.

Tôi cảm ơn những người thợ chụp hình ngày xưa cũng như hôm nay, đã luôn giữ lại hình đẹp cho tất cả chúng ta! Mỗi bức ảnh là một “khoang đời” với bao kỷ niệm.

Là một trong số ít những nghệ sĩ cải lương thành danh bậc nhất, cho đến bây giờ, đã bước qua tuổi 70, bà vẫn luôn được xem là cây đại thụ của cải lương Việt Nam, bà đã làm gì để giữ vững tên tuổi của mình trong suốt mấy mươi năm?

Khán giả yêu cải lương mới là người quyết định sự tồn tại của nghệ sĩ. Ngoài ra, bản thân người nghệ sĩ cần phải liên tục học hỏi, rèn luyện kỹ năng ca hát, cập nhật thông tin, để có thể sáng tạo không ngừng nghĩ những tác phẩm nghệ thuật có ích cho mình, cho đời.

Hiện tại, hàng ngày tôi vẫn đi hát, lên lớp, đọc sách, tập thể dục nhẹ, luyện giọng... trả lời mail cho khán giả, xem hình của con trai, con dâu và ba đứa cháu nội. Tôi thường ăn rau vì thích, nên tự nuôi mình rất đơn giản, không mất nhiều tiền (cười).

Bà nổi tiếng từ lúc 18 tuổi, cho đến nay bà vẫn đi hát thường xuyên, cảm xúc của bà khi đứng trên sân khấu ngày trước và bây giờ có gì khác biệt?

Người xưa có câu “Mọi việc trong đời đều thay đổi, chỉ có sự đổi thay là không bao giờ thay đổi”. Tôi cám ơn tất cả, và học cách thích nghi với mọi thay đổi của bản thân, của thời tiết. Cảm ơn Tổ nghiệp và khán giả.

Có người nói bây giờ cải lương không còn thịnh hành nữa...?

Tôi không nghĩ như thế, hãy nhìn vào những gameshow đang diễn ra liên tục trên truyền hình, chúng ta nhận thấy khá nhiều thí sinh cũng như giám khảo yêu thích và học hát cải lương.

Ở tuổi ngoài 70 nhưng NSND Bạch Tuyết vẫn đi diễn, đi quay hình thường xuyên và bận rộn với nghề như thời hoàng kim
Ở tuổi ngoài 70 nhưng NSND Bạch Tuyết vẫn đi diễn, đi quay hình thường xuyên và bận rộn với nghề như thời hoàng kim

Về phía tình cảm của khán giả dành cho bà suốt mấy mươi năm nay, bà cảm thấy có thay đổi gì không?

Cho tới nay, những nghệ sĩ thành danh ở độ tuổi tôi, hầu như được bốn thế hệ khán giả từ ông bà, cha mẹ, con và cháu…vẫn tiếp tục thương, ủng hộ. Tôi nghĩ, nhờ cải lương, loại hình nghệ thuật dân tộc, luôn đi cùng với văn hóa dân tộc, ở đó tỏa ra một sức sống rất đẹp, rất giá trị, với nghĩa tình, và sự thủy chung.

Khán giả thương và nhớ những bài hát, những vở diễn có mình, qua đó, chia sẻ được dòng sống vui, buồn, rồi những lúc hạnh phúc hay những lúc cô đơn của mọi người…

Tất cả các nghệ sĩ cải lương đều là “cải lương chi bảo”

Bà là nghệ sĩ cải lương duy nhất được gọi bằng mỹ từ “Cải lương chi bảo”, bà nghĩ gì về sự ưu ái đặc biệt mà mọi người dành cho mình?

Cảm ơn cái nhìn và lòng tốt của mọi người. Cảm ơn tất cả các đồng nghiệp trong nghề. Tôi thấy tất cả các nghệ sĩ cải lương đều là “cải lương chi bảo”. Bởi đây là một nghệ thuật của sự tổng hợp. Một người không thể làm được gì hết.

Thầy tôi, NSND Phùng Há dạy rằng “Khi khán giả vỗ tay khen ngợi con trên sân khấu, con hãy nhớ cảm ơn những đồng nghiệp, những công nhân hậu đài sau cánh gà, các bạn là những “chiến sĩ vô danh” giúp con mang cái đẹp tới cho cuộc đời”. Tôi biết ơn nghề, biết ơn đời, biết ơn rất nhiều đối với cuộc sống.

Một người xem nghệ thuật cải lương như “hơi thở và sự sống”, bà nghĩ riêng với bản thân bà và các thế hệ nghệ sĩ kế thừa phải làm gì để cải lương vẫn mãi trong lòng khán giả như xưa?

Chúng ta ai cũng biết hai câu “Cải cách hát ca theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Là loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc bắt nguồn bởi hai từ tiến bộ và văn minh. Đó chính là sự đổi mới đuợc khơi nguồn từ trong văn hóa dân tộc, làm gạch nối cho “hôm qua - hôm nay - ngày mai” bằng âm nhạc ngũ cung Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Cải lương vẫn đi theo quy luật cuộc sống, có lúc thăng, lúc trầm. Nhưng dù thăng hay trầm vẫn nằm gọn trong lòng người dân Việt Nam, giống cơm ăn, nước uống.

Bản thân người làm nghề nhiều thế hệ lúc nào cũng cố gắng, kiên trì, học hỏi nhau để những tác phẩm cải lương giá trị tiếp tục đến với mọi người.

Bà là người hát cải lương có học vị tiến sĩ, là một điều rất đặc biệt, bà có thể chia sẻ một chút không?

Nghệ thuật cải lương đi cùng lịch sử của dân tộc, thành thử ít có người có điều kiện học đến nơi, đến chốn, để nói lại, chia sẻ với những thế hệ sau. Điều đó, khiến tôi nhắc mình cần cố gắng nhiều hơn để có thể nói được chút ít về cải lương, loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc rất bác học và văn minh mà các bậc tiền bối đã khổ công gầy dựng.

Nếu nói ngắn gọn về mình, bà sẽ nói thế nào?

Tôi mất mẹ từ khi 8 tuổi, và bất cứ đứa trẻ mồ côi nào cũng sợ nghèo, sợ đói, sợ khổ... Nên luôn nhắc mình cần phải học hành, làm việc cật lực để có thể có được cuộc sống bình thường như mọi người.

Được biết, bà từng giúp hàng 1000 trẻ mồ côi đi học và thành đạt, chuyện này thực hư ra sao, thưa nghệ sĩ?

Bắt đầu làm ra tiền tôi nuôi trẻ em nghèo đi học, nhưng không cho ai biết. Tôi thông qua một người bạn hoặc một tổ chức để giúp tôi thực hiện việc này. Tôi có cầu xin “Con lo cho các bạn kia đi học, con chỉ cầu xin cho con được học đàng hoàng, tử tế trong kiếp này”.

Tôi có nhớ một câu nói: “Hành trình của một đời người nặng đến nỗi một người chở không nổi, cho nên tôi giúp bạn, bạn giúp người khác và người khác giúp người khác nữa. Như vậy chúng ta mới có thể đi qua cuộc đời này như một người tử tế”. Ai trong chúng ta cũng đã, đang, và muốn tiếp tục làm điều này. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm “tự thân” của nhân loại.

Mặc dù là người đứng trên đỉnh cao danh vọng với cuộc sống biết bao người mơ ước, nhưng ngày xưa bà từng vài lần muốn “buông bỏ” cuộc sống của mình. Đến thời điểm này nhìn lại, bà có thấy thời điểm đó mình dại dột?

Việc tôi tự tử rất “hồn nhiên” bởi không bắt nguồn từ hoàn cảnh cá nhân. Xưa giờ, tôi không thích ai ăn hiếp ai, nhưng đi ngoài đường thấy chuyện bất công, quá quắt, mình không can thiệp được. Tôi thấy mình không làm gì được nên mới thế...

Hơn nữa, sự ra đi quá sớm của mẹ tôi khiến tôi nghĩ "sống ngắn hay sống dài không quan trọng”, lại không thuộc về mình quyết định, vậy hãy làm những việc cần làm, rồi lặng lẽ rời thế giới này, giống như đã từng lặng lẽ tới.

Nhìn lại, tôi không thấy mình dại dột, bởi vì ngày đó tôi đi hay mai này cũng thế, vẫn chỉ là những chuyến đi đời người.

Thời gian gần đây không ít những nghệ sĩ cùng thời với bà ra đi, bà cảm thấy như thế nào?

Quá sức tiếc thương, vì mình là một trong những chứng nhân nên không thể cầm được xúc cảm. Nhưng riêng với cá nhân tôi: “Đã đến thì phải đi”, chúng ta chưa thấy ai đến mà không đi nên… cần phải chuẩn bị”.

Thời Dạ Lý Hương, tôi hát vở “Tần Nương Thất - Nỗi buồn con gái” của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng. Với vở này tôi nhận được giải Thanh Tâm xuất sắc và từ đó trở thành ngôi sao.

Trong thoại có câu nói của nhân vật người anh: “Khi tao chết rồi hãy làm đám tang cho thật lớn, xe tang đi khắp Sài Gòn rồi để tao nằm trong đất thánh Tây”. Người em cười nhạo: “Khi còn sống anh đã giúp ích gì cho thiên hạ mà đến lúc lâm chung anh còn muốn cản trở sự lưu thông?”

Cải lương kinh điển dạy cho mình nhiều triết lý chân thật và hữu ích. Nhờ cải lương mà chân tôi lúc nào cũng “đụng đất”.

“Các con lên sân khấu hát đàng hoàng, tận tụy. Khán giả thương, mua vé vào xem. Cho nên “tiền nào của đó” để “cho” và “nhận” công bằng. Các thầy dạy con chưa đủ. Khán giả mới là người thầy cuối cùng nói cho con biết nhân vật con đang diễn, có đạt hay không! Còn khi rời khỏi sân khấu thì con như bao nhiêu người khác", tôi biết ơn và nhớ nằm lòng những lời dạy quý báu của NSND Năm Châu và NSND Phùng Há.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ và xin chúc bà luôn khỏe mạnh, an vui.

Băng Châu (Thực hiện)

NSND Bạch Tuyết: Nhờ cải lương mà chân tôi lúc nào cũng “đụng đất” - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm