Những kho báu có thật đang chờ được tìm thấy

(Dân trí) - Những kho báu khổng lồ này đã bị thất lạc từ lâu và đang nằm rải rác trên khắp thế giới, chỉ còn chờ được tìm thấy trở lại.

Kho báu của vua John

Thất lạc năm 1216 ở Anh. Ước tính trị giá 70 triệu đô, gồm nhiều vàng bạc, châu báu…
Thất lạc năm 1216 ở Anh. Ước tính trị giá 70 triệu đô, gồm nhiều vàng bạc, châu báu…

Vua John của nước Anh đặc biệt thích sưu tầm vàng bạc, châu báu. Năm 1216, nhà vua có lần đi qua hạt Norfolk (Anh) - nơi vốn có nhiều đầm lầy nguy hiểm. Khi đến đây, vua John bất ngờ lâm bệnh và phải quay trở về cung điện trị bệnh. Nhà vua chọn con đường dài hơn nhưng an toàn hơn, đó là đi vòng quanh khu đầm lầy.

Trong khi đó, toán lính đi theo hầu cùng các xe ngựa chở hành lý (bao gồm cả những hòm vàng bạc, châu báu quý giá của nhà vua) chọn đi con đường ngắn hơn, băng ngang qua đầm lầy. Nguy hiểm đã thực sự xảy ra khi toán lính tùy tùng bị đầm lầy nuốt chửng và những hòm châu báu của nhà vua cũng biến mất theo.

Điều đáng nói là chỉ vài ngày sau khi trở về từ chuyến hành trình tai ương, nhà vua cũng qua đời khiến những truyền thuyết về kho báu của vua John càng trở nên kỳ bí.

Thành phố vàng Paititi

Biến mất năm 1572 ở Brazil. Kho báu ước tính trị giá 10 tỉ đô, gồm vàng bạc, châu báu và cổ vật thời Đế chế Inca.
Biến mất năm 1572 ở Brazil. Kho báu ước tính trị giá 10 tỉ đô, gồm vàng bạc, châu báu và cổ vật thời Đế chế Inca.

Có một truyền thuyết về thành phố vàng Paititi - một thánh địa ngập tràn vàng - đã bị lãng quên đâu đó trong rừng già Nam Mỹ. Xa xưa, quân đội Tây Ban Nha và quân đội của Đế chế Inca thường xuyên xảy ra xung đột. Khi quân Tây Ban Nha thắng thế và đánh chiếm được thành phố giàu có Paititi của Đế chế Inca, họ đã sững sờ khi chỉ tìm thấy một thành phố bị bỏ hoang.

Người dân Paititi đã sơ tán tới nơi ở mới trong rừng già Nam Mỹ, thuộc miền nam Brazil ngày nay. Khi đi, họ mang theo tất cả kho báu vàng ròng. Thành phố mới nơi người Paititi tới sinh sống không bao giờ có thể tìm thấy, đương nhiên số vàng họ mang theo cũng biến mất bí ẩn. Câu chuyện về thành phố vàng Paititi dần dần trở thành huyền thoại.

Năm 2009, ảnh chụp vệ tinh những khu vực rừng già đã bị đốn hạ ở gần thành phố Boco do Acre (Brazil) cho thấy rằng thực sự nơi đây từng có một lượng dân cư lớn sinh sống. Phát hiện này khiến các nhà sử học và khảo cổ học nhớ về thành phố Paititi huyền thoại, có lẽ đã từng có một thành phố vàng nằm ẩn giấu đâu đó trong rừng già Nam Mỹ.

Tiền vàng của chính khách Nam Phi Paul Kruger

Thất lạc năm 1890 tại Nam Phi. Ước tính giá trị vào khoảng 250 triệu đô, gồm tiền vàng, vàng thỏi, vàng cám, thoi bạc…
Thất lạc năm 1890 tại Nam Phi. Ước tính giá trị vào khoảng 250 triệu đô, gồm tiền vàng, vàng thỏi, vàng cám, thoi bạc…

Trong cuộc chiến giữa quân đội Anh và quân đội Nam Phi diễn ra từ năm 1899-1902 trên lãnh thổ Nam Phi, con cháu của những người định cư gốc Hà Lan đã sớm nhận ra rằng vùng đất này rồi sẽ nhanh chóng bị chiếm đóng, vì vậy, họ đã trưng dụng tất cả số vàng lấy được từ kho vàng của chính phủ, của ngân hàng, và từ các mỏ vàng để đúc thành hàng ngàn đồng tiền vàng.

Phần lớn số vàng này được cho là đã nằm trong tay chính khách quyền lực người Nam Phi Paul Kruger. Ông này đã đem theo số vàng khi đi sống lưu vong ở nước ngoài. Đến năm 1900, Paul Kruger tới Pháp sinh sống và bỏ cả gia tài vàng ròng ở lại.

Người ta cho rằng số lượng vàng khổng lồ này đã được ông cất giấu đâu đó tại miền đông bắc tỉnh Transvaal của Nam Phi. Dù vậy, người ta chưa bao giờ thực sự tìm thấy một dấu vết nào về kho vàng này.

Kho báu trong cuộn giấy đồng

Thất lạc khoảng năm 100 trước Công nguyên, tại Israel. Giá trị ước tính 1,2 tỉ đô, gồm nhiều tiền vàng, thoi vàng…
Thất lạc khoảng năm 100 trước Công nguyên, tại Israel. Giá trị ước tính 1,2 tỉ đô, gồm nhiều tiền vàng, thoi vàng…

Nằm gần biển Chết và thị trấn Kalya của Israel có di chỉ khảo cổ Qumran. Trên cao nguyên khô cằn với nhiều hẻm núi đá, có những hang động, nơi đây những người du cư từng tìm thấy nhiều cuộn giấy cổ xưa.

Về sau, những cuộc khảo cổ quy mô đã được tiến hành tại 11 hang động. Người ta đã tìm thấy 972 cuộn giấy da và giấy cói, bên cạnh đó là hai cuộn giấy đồng. Hai cuộn giấy đồng này thực chất là một cuộn, chúng đã bị tách ra thành 2 vì lý do nào đó.

Những phát hiện quan trọng này được thực hiện vào năm 1952. Cuộn giấy đồng đã bị oxy hóa nặng. Nội dung trong cuộn giấy đồng cũng rất đặc biệt với một danh sách liệt kê 64 địa danh cất giấu vàng bạc.

Người ta cho rằng cuộn giấy đồng được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 110-30 trước Công nguyên, do những người La Mã cổ đại lập nên trong thời kỳ họ chiếm đóng vùng đất này.

Những nội dung trong cuộn giấy đồng viết rất ám chỉ, chẳng hạn: 3. Trong lăng mộ, ở hàng cột đá thứ 3, có 100 thoi vàng; 5. Trèo lên cầu thang bí mật, bên tay trái, phía trên mặt sàn, có 40 lượng vàng; 32. Trong hang động của gia tộc Hakkoz, đào sâu, có 6 thoi vàng…

Kho báu của tàu Flor de la Mar

Mất tích năm 1511 ngoài bờ biển Sumatra. Giá trị ước tính 2,6 tỉ đô, gồm nhiều cốc vàng, đĩa bạc, vàng thoi…
Mất tích năm 1511 ngoài bờ biển Sumatra. Giá trị ước tính 2,6 tỉ đô, gồm nhiều cốc vàng, đĩa bạc, vàng thoi…

Con tàu Flor de la Mar (Hoa của biển) có trọng tải 400 tấn, vốn là một tàu chiến của Bồ Đào Nha được đóng ở Lisbon hồi năm 1502. Trong lịch sử hoạt động của tàu, nó đã từng tham gia nhiều trận đánh lớn, do thuyền trưởng cũng đồng thời là một vị tướng hải quân nổi danh của Bồ Đào Nha - Alfonso de Albuquerque - chỉ huy.

Khi bị chìm, trên tàu đang chất rất nhiều vàng bạc lấy từ thành phố Malacca (Malaysia) cùng với nhiều đồ cống nạp của vua Xiêm. Trên đường trở về Bồ Đào Nha cùng với 4 con tàu khác, “Hoa của biển” đã bị một cơn bão lớn đánh chìm ở eo biển Malacca.

Con tàu bị gãy đôi, thuyền trưởng Alfonso được cứu sống, nhưng toàn bộ số vàng bạc đã bị những con sóng dữ cuốn đi. Vị trí chính xác nơi con tàu bị đắm không được xác định rõ ràng, một phần vì bản đồ hàng hải ở thời đó còn nhiều sai sót.

Những quả trứng vàng Fabergé

Thất lạc từ năm 1917-1929 tại Nga. Giá trị ước tính từ 90-150 triệu đô.
Thất lạc từ năm 1917-1929 tại Nga. Giá trị ước tính từ 90-150 triệu đô.

Năm 1885, Nga hoàng Alexander III đặt hàng thực hiện những quả trứng Phục sinh bằng vàng để dành tặng Hoàng hậu Maria. Khi đó, thợ kim hoàn nổi tiếng Peter Carl Fabergé vốn chuyên thực hiện đồ kim hoàn cho Hoàng gia Nga đã được giao đảm nhận nhiệm vụ này.

Trong 33 năm sau đó, lần lượt 52 quả trứng vàng đã được thực hiện vào các dịp lễ Phục sinh để Nga hoàng dành tặng những thành viên trong hoàng thất. Một số quý tộc cũng đặt làm những quả trứng vàng tương tự và đã có 15 quả được thực hiện.

Thời thế thay đổi, những quả trứng vàng Fabergé và nhiều báu vật khác của Hoàng gia Nga đã bị thất lạc, không còn lưu lại mấy dấu vết. Năm 2007, khi một quả trứng vàng Fabergé được đem ra đấu giá, nó đã đạt mức giá 8,9 triệu đô.

Tàu San Miguel thuộc hạm đội Tây Ban Nha

Bị mất tích năm 1715 ở vùng biển ngoài khơi bang Florida (Mỹ). Giá trị kho báu ước tính 2 tỉ đô la, gồm nhiều thoi vàng, đĩa bạc, châu báu…
Bị mất tích năm 1715 ở vùng biển ngoài khơi bang Florida (Mỹ). Giá trị kho báu ước tính 2 tỉ đô la, gồm nhiều thoi vàng, đĩa bạc, châu báu…

Năm 1712, Tây Ban Nha thành lập một hạm đội chuyên chở những báu vật từ các vùng đất thuộc địa của Tây Ban Nha, vận chuyển về mẫu quốc. Hạm đội này thường chờ tới lúc biển động mới căng buồm từ xứ thuộc địa về Tây Ban Nha để tránh gặp cướp biển.

Năm 1715, cũng trong một chuyến hải trình như vậy, hạm đội này đã không gặp may như thường lệ khi một cơn bão đã nhấn chìm hạm đội ở thời điểm 7 ngày sau khi ra khơi. Trong vòng 4 năm sau đó, hải quân Tây Ban Nha đã trục vớt được khoảng phân nửa số kho báu đã bị chìm xuống đáy biển.

Tuy vậy, trong hạm đội có 7 tàu, riêng con tàu San Miguel là không được tìm thấy. Cho tới hôm nay, người ta vẫn luôn săn tìm con tàu chở nặng báu vật mất tích bí ẩn này.

Căn phòng hổ phách

Bị đánh cắp năm 1943 tại Nga. Ước tính trị giá 170 triệu đô, gồm những tấm ván bằng hổ phách và vàng ròng.
Bị đánh cắp năm 1943 tại Nga. Ước tính trị giá 170 triệu đô, gồm những tấm ván bằng hổ phách và vàng ròng.

Căn phòng hổ phách quý giá này được tạo nên từ những phiến hổ phách thượng hạng, kết hợp với vàng ròng, tạo nên một căn phòng lung linh tuyệt đẹp. Căn phòng hổ phách nằm trong cung điện của Nga hoàng Peter Đại đế như là một món quà gửi tới từ vua nước Phổ.

Căn phòng được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đức Andreas Schlüter và được thực hiện tại cung điện Charlottenburg của Phổ trong khoảng thời gian từ 1701-1709. Năm 1716, vua Phổ Friedrich Wilhelm I chính thức trao tặng căn phòng hổ phách này cho Nga hoàng Peter Đại đế.

Căn phòng ban đầu được đặt trong Cung điện Mùa Đông ở St. Petersburg rồi được chuyển tới Cung điện Catherine. Toàn bộ khối lượng hổ phách sử dụng cho công trình này lên tới 5.440kg. Đây là một căn phòng độc đáo và vô giá, rất nổi tiếng trong giới quý tộc Châu Âu thời bấy giờ.

Năm 1941, quân đội Đức Quốc xã đã dỡ căn phòng này đem đi, rồi cất giữ ở lâu đài Königsberg (Đức). Ban đầu người ta cho rằng những cuộc dội bom của quân Đồng minh thời Thế chiến II đã khiến căn phòng hổ phách bị “tan thành mây khói”.

Tuy vậy, những bằng chứng tìm được sau chiến tranh cho thấy căn phòng này thực tế đã được đưa đi cất giữ ở một nơi khác. Cho tới giờ, người ta vẫn không tìm lại được căn phòng hổ phách nổi tiếng một thời.

Kho báu của các hiệp sĩ thánh chiến

Thất lạc năm 1307. Giá trị ước tính lên tới vài tỉ đô, gồm nhiều vàng bạc, châu báu, cổ vật ở vùng Trung Đông…
Thất lạc năm 1307. Giá trị ước tính lên tới vài tỉ đô, gồm nhiều vàng bạc, châu báu, cổ vật ở vùng Trung Đông…

Các hiệp sĩ thánh chiến hay còn gọi là các hiệp sĩ dòng Đền là một trong những dòng tu quân đội nổi tiếng nhất của Kitô giáo thời xưa, được thành lập từ năm 1119. Đại bản doanh của họ nằm ở Núi Đền, Jerusalem.

Trong suốt 200 năm hoạt động, các hiệp sĩ thánh chiến đã nắm giữ rất nhiều báu vật. Hoạt động tài chính của họ thời bấy giờ có thể được xem là nền tảng của ngành ngân hàng hiện đại. Thành viên và quyền lực của họ gia tăng khắp Châu Âu.

Đến năm 1291, các hiệp sĩ thánh chiến bắt đầu lâm vào khó khăn, họ phải rời khỏi Trung Đông. Lúc này, vua Pháp Phillip VI bắt đầu nảy sinh tham vọng chiếm đoạt kho báu của họ, nhưng khi đã chiếm được, những gì nhà vua tìm thấy lại ít hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Kho báu khổng lồ của các hiệp sĩ thánh chiến đã được họ phân tán từ trước và vĩnh viễn biến mất.

Kho báu trên đảo Oak

Được chôn giấu từ khoảng năm 1500-1700. Không xác định được giá trị nhưng chắc chắn là một kho báu khổng lồ bởi đó là số vàng bạc tích lũy được của một trong những cướp biển nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Được chôn giấu từ khoảng năm 1500-1700. Không xác định được giá trị nhưng chắc chắn là một kho báu khổng lồ bởi đó là số vàng bạc tích lũy được của một trong những cướp biển nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Đảo Oak (Canada) có diện tích 56 héc-ta. Trên hòn đảo nhỏ này, vào năm 1795, có một cậu thiếu niên đã để ý thấy có một khoảnh đất lún như thể có ai đó vừa đào đất lên rồi sau đó lại lấp đất đầy trở lại. Tin rằng hẳn có thứ gì đó rất giá trị đã vừa được chôn xuống đất, cậu thiếu niên và một người bạn đã đào đất sâu tới 9m.

Hai cậu không tìm thấy bất cứ thứ gì đáng giá nhưng kể từ đây người ta bắt đầu lan truyền một câu chuyện rằng hòn đảo này chính là nơi cất giữ kho báu huyền thoại của thuyền trưởng cướp biển người Scotland - William Kidd.

Trong những thế kỷ sau đó, những người đi săn tìm kho báu của thuyền trưởng cướp biển Kidd đã đổ tới hòn đảo này để tiến hành tìm kiếm, có các đội từ chuyên nghiệp cho tới nghiệp dư. Manh mối quan trọng nhất tìm thấy trên đảo cho tới lúc này là một phiến đá có khắc những ký tự lạ mà một số người đã “dịch” ra thành: “Sâu 12m, 2 triệu bảng được chôn bên dưới”.

Đã có những cuộc tìm kiếm đào sâu đến 72m nhưng kho báu của thuyền trưởng cướp biển Kidd cho tới nay vẫn không hề lộ diện và tiếp tục là câu chuyện huyền thoại hấp dẫn về một “đảo giấu vàng” đang chờ được tìm ra.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Những kho báu có thật đang chờ được tìm thấy - 11

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm